Cả nước Nhật hướng về vị phu nhân đặc biệt của ông Abe

Trong 35 năm chung sống, bà Akie và cựu Thủ tướng quá cố Shinzo Abe cùng xây đắp một tình cảm nồng ấm dù đôi lúc, bà đưa ra những quan điểm có phần trái ngược với chồng mình.

Hôm 11/7, nhiều người đã không thể cầm lòng được khi bắt gặp khoảnh khắc Akie Abe lặng khóc, đôi mắt nhắm nghiền, khi bà ngồi trên ghế trước của chiếc xe tang đưa thi hài chồng tới chùa Zojoji.

Bà là người chủ trì lễ tang của ông trong ngày 12/7.

"Đảng đối lập nội bộ"

Năm 1987, khi bà Akie Matsuzaki kết hôn với ông Shinzo Abe - lúc bấy giờ là một phụ tá chính trị có tương lai xán lạn - bà đi theo con đường nhiều phụ nữ Nhật thường lựa chọn khi lập gia đình và gác lại công việc tại công ty quảng cáo lớn nhất đất nước.

Tuy nhiên, hơn ba thập kỷ sát cánh cùng ông Abe, trong đó có 9 năm là đệ nhất phu nhân Nhật Bản, bà đã chứng minh bản thân mình không chỉ với tư cách là vợ của một chính trị gia.

 Bà Akie Abe ngồi trên ghế trước của chiếc xe chở thi hài của cựu Thủ tướng Shinzo Abe đi qua văn phòng thủ tướng, nơi ông Abe đã nắm quyền trong hai nhiệm kỳ, hôm 12/7. Ảnh: Reuters.

Bà Akie Abe ngồi trên ghế trước của chiếc xe chở thi hài của cựu Thủ tướng Shinzo Abe đi qua văn phòng thủ tướng, nơi ông Abe đã nắm quyền trong hai nhiệm kỳ, hôm 12/7. Ảnh: Reuters.

Ở Nhật Bản, bà Akie được nhiều người biết đến với quan điểm thẳng thắn và tiến bộ. Không giống như những đệ nhất phu nhân khác của đất nước Mặt Trời mọc, bà Akie không nép mình sau cái bóng quyền lực của vị cựu thủ tướng. Thay vào đó, trên mạng xã hội, bà đã định hình hình ảnh của mình theo phong cách tương tự các đệ nhất phu nhân tổng thống Mỹ.

“Bà Akie Abe, với tư cách là đệ nhất phu nhân, chắc chắn không giống như nhiều vị đệ nhất phu nhân trước đây của nước Nhật", ông Tobias Harris, chuyên gia cấp cao về châu Á tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ nhận xét.

Sự ủng hộ của bà với các mục tiêu tiến bộ, cách làm việc tự do và sự tự tin, vui vẻ đã khiến Akie được lòng người dân Nhật Bản. Thậm chí, giới truyền thông nước này còn đặt biệt danh cho bà Akie Abe là "đảng đối lập nội bộ" của cựu Thủ tướng Shinzo Abe, theo CNN.

Với quan điểm nói lên suy nghĩ của mình, bà đã công khai thách thức một loạt các chính sách của chồng, từ việc ông Abe thúc đẩy năng lượng hạt nhân đến thỏa thuận thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Năm 2016, bà từng gặp những người biểu tình ở Okinawa khi họ phản đối việc ông Abe ủng hộ mở rộng căn cứ của thủy quân lục chiến Mỹ ở tỉnh này.

 Bà Akie Abe tham gia cuộc diễu hành của những người thuộc cộng đồng LGBT ở Tokyo vào năm 2014. Ảnh: AFP.

Bà Akie Abe tham gia cuộc diễu hành của những người thuộc cộng đồng LGBT ở Tokyo vào năm 2014. Ảnh: AFP.

Trả lời Bloomberg vào năm 2016, bà chia sẻ: “Tôi muốn tiếp thu và chuyển tải lại những quan điểm khác biệt tới chồng tôi và các cộng sự của ông ấy”.

“Có một chút giống như đảng đối lập, tôi cho là vậy", bà nhận định.

Cựu đệ nhất phu nhân cũng là người ủng hộ mạnh mẽ cho quyền của cộng đồng LGBT. Bà từng tham gia cuộc diễu hành của cộng đồng này ở Tokyo vào năm 2014. Akie cũng ủng hộ việc sử dụng cần sa y tế và từng chụp ảnh trên một cánh đồng cần sa rộng lớn vào năm 2015.

Các nhà phân tích cho rằng vào thời điểm vị cựu thủ tướng cầm quyền, tính cách công khai thẳng thắn của bà Akie chỉ nhằm nâng cao hình ảnh của ông Abe, cho thấy ông có thể chịu đựng những quan điểm khác nhau trong xã hội.

Tuy nhiên, bà Abe cũng từng cho biết bà đã cố gắng tỏ ra khéo léo trong việc truyền đạt những ý kiến phản biện đến chồng mình, cố gắng chọn đúng thời điểm để làm điều đó.

"Khi anh ấy bị các đảng đối lập chỉ trích mỗi ngày, nếu tôi về nhà và bắt đầu cằn nhằn anh ấy, anh có thể yêu cầu tôi dừng việc đó lại", bà nói. "Là vợ của anh ấy, có những lúc tôi không muốn công kích anh ấy quá nhiều. Những lần khác (thích hợp hơn), tôi thực sự cảm thấy mình phải nói với anh ấy điều gì đó".

Tình cảm nồng ấm

Akie lớn lên trong một gia đình giàu có và có nhiều đặc quyền. Bà là con gái của ông Akio Matsuzaki, cựu Chủ tịch công ty Morinaga, một trong những công ty bánh kẹo nổi tiếng nhất Nhật Bản.

Bà từng theo học những ngôi trường Công giáo ở Tokyo, tốt nghiệp một trường cao đẳng nghề và sau đó lấy bằng thạc sĩ về nghiên cứu thiết kế xã hội tại Đại học Rikkyo.

Mặc dù thường xuyên có quan điểm trái ngược nhau, bà Abe và chồng vẫn rất nồng ấm và cũng không ngại thể hiện cho công chúng biết. Cựu Thủ tướng Abe và vợ thường nắm tay nhau khi xuống máy bay trong các chuyến công du nước ngoài - cách thể hiện tình cảm công khai hiếm thấy trong giới chính trị Nhật Bản.

Ông Abe cũng thường xuyên xuất hiện trong các bài đăng trên Instagram của vợ. Ông thường thể hiện sự vui vẻ khi ở cạnh phu nhân tại các sự kiện, các buổi đi dạo bình thường, cưng nựng thú cưng trên ghế sofa, đọc báo trong ôtô hay tạo dáng với một tô mì udon.

 Cựu Thủ tướng Abe thường xuyên xuất hiện trên các bài đăng Instagram của vợ mình. Ảnh: Instagram Akie Abe.

Cựu Thủ tướng Abe thường xuyên xuất hiện trên các bài đăng Instagram của vợ mình. Ảnh: Instagram Akie Abe.

Bà Akie cũng là vị đệ nhất phu nhân tích cực sử dụng mạng xã hội một cách hiếm thấy. Bà có 153.000 người theo dõi trên Facebook và hơn 92.000 người theo dõi trên Instagram.

Vào năm 2012 - khoảng thời gian ông Abe đang bắt đầu nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai - bà Akie đã mở một nhà hàng ở Tokyo chuyên phục vụ những thực phẩm hữu cơ nhưng sớm phải dừng lại sau khi bị mẹ chồng phản đối.

Hai vợ chồng cựu thủ tướng không có con. Bà Abe từng công khai những khó khăn vấn đề sinh con của cặp đôi. Hai người cũng tìm đến các phương pháp điều trị hỗ trợ nhưng không có kết quả.

Ông Abe đã đề nghị nhận con nuôi nhưng bà không đồng ý.

"Tôi nghĩ tất cả là do số phận và tôi phải chấp nhận nó. Chúng tôi không được ban phước để có những đứa con", bà Abe trả lời BBC trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2006.

Hôm 8/7, sau khi nghe tin ông Abe bị ám sát, bà đã phải đi chuyến tàu kéo dài hàng giờ đồng hồ để đến Bệnh viện Đại học Y Nara để được kề cận bên chồng. Sau 7 giờ trúng đạn, mặc dù được các bác sĩ ra sức cứu chữa, cựu Thủ tướng Abe đã không qua khỏi.

 Bà Akie Abe trên xe tang chở thi thể chồng rời nhà riêng hôm 11/7. Ảnh: Reuters.

Bà Akie Abe trên xe tang chở thi thể chồng rời nhà riêng hôm 11/7. Ảnh: Reuters.

Hôm 9/7, bà Akie đưa thi thể chồng về nhà ở Tokyo bằng ôtô. Sau đó hai ngày, bà cùng người thân và các vị khách thân thiết tổ chức lễ tang riêng cho cựu thủ tướng tại đền Zojoji. Dù tần suất xuất hiện dày đặc là vậy, bà Akie vẫn tỏ ra điềm đạm và ít nói khi xuất hiện trước công chúng.

Sau khi ông Abe từ chức thủ tướng vào tháng 12/2020, bà Akie ít xuất hiện hơn trước công chúng. Giờ đây, bà lại trở thành tâm điểm chú ý sau khi ông Abe bị ám sát.

Trong những thời khắc đầy tiếc thương này, cả nước Nhật sẽ hướng về bà khi nhớ về sự ra đi của vị thủ tướng có thời gian cầm quyền lâu nhất lịch sử nước này từ sau Thế chiến II.

Người Việt ở Tokyo: Tôi bất ngờ với phản ứng của dân Nhật về vụ ám sát Chị Vân Hoàng, trú tại Tokyo, nói hiện vẫn thấy buồn vì vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe 4 ngày trước nhưng lúc này đã bình tĩnh hơn.

Hồng Sơn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ca-nuoc-nhat-huong-ve-vi-phu-nhan-dac-biet-cua-ong-abe-post1334998.html