Cả nước vào chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19
Chiến dịch được triển khai ngay trong tháng 7 với khoảng 8,7 triệu liều vắc-xin Covid-19, hơn 18.000 điểm tiêm. Mục tiêu là tiêm cho khoảng 75 triệu người từ nay đến nửa cuối năm 2021, đầu năm 2022
Sáng 10-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ phát động Chiến dịch toàn quốc tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương tổ chức.
Chiến dịch lịch sử
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, chiến dịch được triển khai ngay từ tháng 7 này với khoảng 8,7 triệu liều vắc-xin Covid-19 được tiếp nhận. Hơn 18.000 điểm tiêm trên cả nước bao gồm tiêm chủng lưu động sẽ triển khai tiêm vắc-xin Covid-19. Kinh phí triển khai từ nguồn ngân sách, Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19 và nguồn viện trợ. Ban chỉ đạo triển khai chiến dịch trực 24/24 giờ và thiết lập các tiểu ban về giám sát chất lượng, phản ứng sau tiêm... để bảo đảm tối đa về an toàn tiêm chủng. Đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nước ta.
Phát biểu tại lễ phát động, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng chiến dịch toàn quốc tiêm chủng vắc-xin là sự kiện có ý nghĩa quan trọng với mục tiêu khẳng định thông điệp, quyết tâm của Đảng, Nhà nước cùng toàn thể nhân dân đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết và đưa đất nước trở lại bình thường, phát triển.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam là một trong số ít các quốc gia vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế dương kể từ khi dịch bệnh xảy ra. Với tầm nhìn xa là tìm giải pháp căn cơ để đưa đất nước thoát khỏi dịch bệnh, Đảng và Nhà nước quyết tâm thực hiện chiến lược vắc-xin.
Theo Thủ tướng, để thực hiện mục tiêu này, trong thời gian vừa qua, chúng ta đã tập trung tổng hợp nhiều biện pháp như tăng cường đàm phán, huy động tài chính để mua, nhập khẩu và nghiên cứu sản xuất vắc-xin. Việc thành lập Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19 nhận được sự ủng hộ từ đồng bào trong và ngoài nước, doanh nghiệp và bạn bè quốc tế. Tính đến ngày 9-7, đã có 8.000 tỉ đồng ủng hộ vào quỹ. Tuy nguồn cung vắc-xin khan hiếm và Việt Nam thực hiện chống dịch hiệu quả nên không thuộc quốc gia được ưu tiên vắc-xin nhưng với sự chủ động, chúng ta đã đàm phán, tiến hành nhập khẩu vắc-xin nhanh nhất, nhiều nhất có thể. Đến nay, Việt Nam đã có cam kết, viện trợ, ký hợp đồng tương ứng trên 100 triệu liều vắc-xin trong năm 2021.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết hiện nước ta đã thực hiện tiêm chủng hơn 4 triệu liều vắc-xin Covid-19. Việc sử dụng vắc-xin nhận được sự đồng lòng chia sẻ của nhân dân. "Tôi đang cảm nhận được tình người sâu sắc bằng sự cảm thông của đồng bào dành cho nhau. Nhiều người chia sẻ mong muốn trong lúc này,
vắc-xin chưa có nhiều sẽ dành cho đồng bào ở những nơi dịch bệnh đang diễn ra phức tạp tiêm trước mà không so bì, tính toán" - Thủ tướng bày tỏ.
Với chiến dịch tiêm vắc-xin lớn nhất trong lịch sử này, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu tiêm miễn phí hằng năm cho nhân dân để đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng trên toàn quốc. Để đạt mục tiêu, chúng ta phải có đủ vắc-xin cho nhân dân từ nguồn nhập khẩu và tự sản xuất trong nước. Đồng thời, bảo đảm mọi người đều bình đẳng, công bằng trong tiếp cận vắc-xin. Trong chiến dịch này, Việt Nam dự kiến tiêm cho khoảng 75 triệu người với trên 150 triệu mũi tiêm vào nửa cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Bảo đảm miễn nhiễm cộng đồng
Chỉ đạo về triển khai thực hiện chiến dịch hiệu quả, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp các bộ, ngành và địa phương liên quan tổ chức tiêm khoa học, đúng quy trình, nhanh chóng kịp thời và hiệu quả. Khi lượng vắc-xin về nhiều, cần xây dựng kịch bản bảo quản, vận chuyển phân phối, triển khai tiêm chủng bảo đảm nhanh chóng kịp thời và an toàn, hiệu quả nhất cho nhân dân. "Hiện chúng ta chưa xác định được vòng đời của vắc-xin có tác dụng bao lâu nên vẫn phải chuẩn bị cơ số thường xuyên, bảo đảm miễn nhiễm cộng đồng hằng năm" - Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi sự đồng lòng, đoàn kết ủng hộ và trách nhiệm cộng đồng của toàn thể nhân dân để chiến thắng dịch bệnh. Không thể chủ quan sau tiêm mà cần thực hiện nghiêm túc hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.
Là đơn vị triển khai thực hiện, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định sẽ thực hiện chương trình tiêm chủng an toàn, không bỏ phí bất cứ liều vắc-xin nào và cũng không lãng phí một đồng nào của Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19 của Việt Nam.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ người dân ủng hộ việc tiêm vắc-xin cao hơn nhiều nước trên thế giới. Nhiều người dân tích cực tham gia ủng hộ Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19 của Chính phủ, cũng như sẵn sàng tham gia tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trong thời gian qua. Ban chỉ đạo chiến dịch được thiết lập để xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai trên quan điểm: "Tiêm nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất, bảo đảm an toàn, hiệu quả, công bằng và công khai".
"Để chiến dịch tiêm chủng thành công, Bộ Y tế mong muốn nhận hưởng ứng tích cực và nhanh chóng của các bộ, ngành và tổ chức chiến dịch, kêu gọi người dân nêu cao tinh thần và trách nhiệm trong phòng chống dịch, chiến dịch tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm cá nhân mà là trách nhiệm cộng đồng với chính mình và đất nước" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long kêu gọi.
Bộ Y tế cho biết ngày 10-7, Việt Nam ghi nhận thêm 1.853 ca mắc Covid-19, trong đó 9 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 1.844 ca ghi nhận trong nước. TP HCM có số ca mắc nhiều nhất: 1.320 ca; kế tiếp Bình Dương 140 ca, Tiền Giang 75 ca, Đồng Tháp 58 ca, Đồng Nai 37 ca, Phú Yên 33 ca, Long An 33ca... Trong ngày, nước ta có thêm 220 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh, nâng số ca điều trị khỏi lên 9.204.
N.Dung
Chuyển gấp 1 triệu liều vắc-xin Moderna vào TP HCM
Sáng 10-7, 2 triệu liều vắc-xin Moderna do chính phủ Mỹ tài trợ cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX (sáng kiến nhằm tăng cường bình đẳng trong tiếp cận vắc-xin Covid-19; có 92 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia) đã về đến sân bay quốc tế Nội Bài. Ngay lập tức, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo chuyển khẩn cấp 1 triệu liều đến TP HCM; số còn lại chuyển về kho lạnh và phân phối cho các địa phương khác.
Với lô vắc-xin Covid-19 vừa nhận, Việt Nam có tổng cộng gần 7,8 triệu liều vắc-xin Covid-19. Trong đó, COVAX cung ứng gần 2,5 triệu liều; mua qua hệ thống VNVC (Công ty CP Vắc-xin Việt Nam) gần 1 triệu liều; 97.000 liều Pfizer; Nhật Bản tặng 1,8 triệu liều; Trung Quốc viện trợ 500.000 liều vắc-xin Sinopharm và Nga tặng 2.000 liều vắc-xin Sputnik V...