Cà-phê Đà Lạt có gì không?

Đà Lạt (Lâm Đồng) luôn thay đổi những không gian cà-phê, và ở nơi đó không phải chỉ uống cà-phê mà giống như một điểm đến du lịch. Nói chi xa, chừng 5 năm trước, người ta đi uống cà-phê ở những quán trên con dốc Lê Đại Hành hay mấy quán nhỏ chủ yếu nhìn những giọt cà-phê rơi rất chậm, nhìn xuống phố ngắm người dạo chơi, còn quán luôn hay mở những bản tình ca của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương, Phạm Duy… Nhưng bây giờ, giới trẻ mỗi ngày mỗi đòi hỏi nơi đó không chỉ có cà-phê, mà phải có không gian đẹp. Và vì thế, cứ vài tháng Đà Lạt lại có một điểm đến gọi là cà-phê vườn, bên cạnh các quán có một số phòng cho thuê với tên gọi quen thuộc là homestay bán cà-phê chỉ là một phần, cảnh quan lạ là cách để mọi người tìm tới. Chuyến đi Đà Lạt lần này, tôi đã thử theo sự chỉ dẫn trên facebook đi cà- phê - gọi là tour cà-phê. Tất nhiên là không thể kể hết các nơi chốn, mà đây chỉ là chạm gặp.

Cà- phê Xuân Hương.

Cà- phê Xuân Hương.

KoKoro là một quán cà-phê nằm trong Khu du lịch Lá Phong, nằm cuối đường Đặng Thái Thân. Tất nhiên là khu du lịch thì phải mua vé vào cổng với giá 40 ngàn đồng, được giữ xe miễn phí. Cánh cửa gồ mở ra để vào, loanh quanh chụp ảnh cảnh quan để rồi điểm nhấn chính là cà-phê KoKoro. Đây là cà- phê theo phong cách Nhật, một bức tường trắng chừng 4m2 luôn đông người đợi để chụp hình, bên cạnh là dòng chữ tiếng Nhật- dịch nghĩa: "Hạnh phúc đến từ trái tim". Và mọi người đến nơi này chủ yếu để được chụp hình với bức tường trắng này, sau đó là hồ cá Kol, đến các cảnh quan khác - và uống nước chỉ là mục đích sau cùng sau khi đã chụp ảnh. Đến đây mới "à" lên, cà-phê chỉ là thứ yếu, cái chính là chụp cho bằng được những tấm ảnh ảo diệu bên dòng chữ tiếng Nhật- mà tôi đoan chắc là có nhiều cô cậu tuổi teen thấy đẹp thì chụp chứ chẳng biết dòng chữ đó viết cái gì?

Facebook là công cụ để giới thiệu các quán cà-phê view đẹp, và tất nhiên những tấm ảnh được đăng lên face và thực tế khi chạm đến các quán là một trời một vực. Và từ đó, vào google định vị, tìm đến. Không thể không công nhận rằng các quán cà-phê ở Đà Lạt chẳng khác gì một điểm du lịch, mỗi quán có điểm nhấn hẳn hoi để dẫu nằm ở những nơi không thuận lợi, người người vẫn sẵn sàng tìm đến. Là cà-phê Xuân Hương nằm trên ngọn đồi bên cạnh hồ Xuân Hương, bên cạnh Nhà văn hóa Lao Động. Từ đây có tầm nhìn nhìn xuống hồ, có hồ cá Kol và những tiểu cảnh được chăm chút tỉ mỉ. Nhưng độc đáo nhất ở đây chính là chiếc Cối xay gió màu trắng, trở thành điểm chụp hình và là lời mời gọi tìm tới. Trên con đường Khe Sanh cũng có một quán cà-phê dùng Cối xay gió làm biểu tượng, nhưng vị trí không đẹp và bị lấn át bởi cạnh đó là hai quán cà-phê rất nổi danh; F Cánh Đồng Hoa và Đà Lạt View. F Cánh đồng hoa tạo một thung lũng hoa và các cầu kính khiến cho giới trẻ cực kỳ thích thú, thì Đà Lạt View lại sử dụng Cổng trời và cầu tình yêu màu hồng chênh vênh giữa thung lũng.

Đa phần các quán cà-phê đẹp không nằm trong phố. Bởi phải dựa vào cảnh trí thiên nhiên như rừng thông và các triền đồi để tạo cảm giác. Horizon gần như nằm khuất phía sau trên con đường 30/4, nhưng dân facebook cứ chụp ảnh đưa lên, và quán cà-phê trong mây rất đẹp này hàng ngày luôn đông khách. Gần đó, cà phê Green Land chỉ nho nhỏ, nhưng dùng kính ảo với cổng trời Ba Li, tạo lên cơn sốt tìm tới, hay cà-phê An nằm ngay đường 3/2 với lợi thế ngay con dốc dùng toàn bàn ghế gỗ với tiểu cảnh là cây cỏ trở thành điểm hút khách. Cũng phải kể đến cà-phê Mê Linh thật xa, từ trung tâm Đà Lạt đi hướng Tà Nung, tới nơi chỉ chụp vài tấm ảnh, uống ly cà-phê. Nhưng vị trí quán xếp đặt cho khách ngắm nhìn thung lũng, kèm thêm các vườn hoa…đã đủ xứng đáng đi tìm.

 Cà- phê giữa cánh đồng hoa.

Cà- phê giữa cánh đồng hoa.

Quán cà-phê cuối cùng tôi muốn nhắc đến có cái tên lạ: Lan Quế Phường. Quán nằm gần cuối con đường Nguyễn Trãi, một con đường nhỏ. Tò mò bởi vì quán thiết kế giống như một ngôi nhà ở Trung Quốc. Và cuối cùng tìm tới, quả thật trong cái không gian đầy ma mị với những bộ bàn ghế gỗ, những sợi dây đỏ bay bay, những câu đối màu đỏ và những đồ vật cũ kỹ… Cứ tưởng lạc vào một ngôi nhà của người Trung Quốc. Đến khi cô chủ tên Tâm, năm nay 30 tuổi, xuất hiện. Hỏi ra thì cô quê gốc Nam Định, lấy chồng Đà Lạt và muốn mở một quán cà-phê không trùng lập giữa cơ man nào quán cà-phê lạ ở Đà Lạt.

Các quán cà-phê ở Đà Lạt bây giờ trở thành một điểm tham quan thực sự, còn uống cà-phê bởi vì tới nơi rồi chẳng lẻ… không uống.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/111_208879_ca-phe-da-lat-co-gi-khong-.aspx