Cà phê Gia Lai giữ vững đà tăng trưởng

Đặt mục tiêu xuất khẩu cà phê đạt 680 triệu USD trong năm 2023, tỉnh Gia Lai quyết tâm vừa ổn định thu nhập người trồng cà phê vừa giữ vững thương hiệu đặc sản địa phương.

Được mùa, giá tăng

Có hơn 18.000ha cây cà phê, Ia Grai là một trong những huyện trọng điểm thu hoạch cà phê thương mại của tỉnh Gia Lai. Năm 2023 giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao ảnh hưởng đến chi phí đầu tư nhưng nhờ đa số người dân đã chuyển hướng sang thâm canh hữu cơ, tận dụng nguồn phế phẩm nông nghiệp, phân hữu cơ để làm nguồn phân bón chính cho vườn cây nên niên vụ đã đạt lợi nhuận như mong muốn.

Nông dân Gia Lai thu hái cà phê đầu vụ. Ảnh: Hoài Nam

Nông dân Gia Lai thu hái cà phê đầu vụ. Ảnh: Hoài Nam

Ông Bùi Văn Lang ở làng Út, xã Ia Hrung vui mừng cho hay, năng suất cà phê của gia đình ông năm nay tăng hơn 10% so với năm trước, khả năng thu hoạch được trên 20 tấn cà phê nhân trên diện tích 6ha của gia đình. Dự kiến theo thời giá sẽ thu về hơn 350 triệu đồng sau khi trừ đi chi phí.

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Ia Grai, năm nay cà phê trên địa bàn được mùa, sản lượng ước cao hơn năm ngoái 10%. Dự kiến năng suất cà phê bình quân của địa phương khoảng trên 3,5 tấn nhân/ha, một số nơi đạt năng suất từ 4,5 - 6 tấn nhân/ha do áp dụng công nghệ kỹ thuật.

“Giá cà phê hiện cao hơn so với năm trước là tin vui cho bà con nơi đây. Thời gian qua, địa phương thường xuyên phối hợp tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân, nhờ vậy năng suất và chất lượng thu hoạch cà phê nhân gia tăng đáng kể”, đại diện Phòng NN - PTNT huyện Ia Grai chia sẻ.

Còn qua đánh giá sơ bộ tại huyện Đak Đoa, địa bàn có hơn 28.000ha diện tích trông cây cà phê, năng suất cà phê năm nay bình quân đạt khoảng 4 - 5 tấn/ha. Theo đại diện Phòng NN - PTNT huyện Đak Đoa, thời tiết năm nay rất thuận lợi cho sản xuất cà phê và dự kiến năng suất bình quân đạt 4 tấn nhân/ha, tăng hơn 10% so với niên vụ trước. Bên cạnh năng suất tăng, giá cà phê cũng đang ở mức cao nên người dân rất phấn khởi.

Toàn tỉnh Gia Lai hiện có hơn 87.000ha cà phê thương mại, tập trung chủ yếu tại các địa bàn trọng điểm như Đăk Đoa, Ia Grai, Chư Prông, Chư Păh, Mang Yang, Đức Cơ, Kbang, Chư Sê và Chư Pưh. Hiện nay, nông dân các địa phương đang chú trọng đến việc thu hái cà phê đảm bảo tỷ lệ quả chín, điều này sẽ giúp người trồng cà phê được lợi từ 15 - 20% sản lượng so với hái xanh.

Thị trường cà phê trên thế giới đang thiếu hụt nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ cà phê robusta đang ngày càng tăng. Do đó, người trồng cà phê trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung rất phấn khởi vào một mùa vụ cà phê được mùa, được giá để bù lại chi phí sản xuất.

Xây dựng thương hiệu để tăng trưởng bền vững

Theo Sở NN - PTNT tỉnh Gia Lai, nhờ có lợi thế về điều kiện tự nhiên, thu hoạch cà phê tại Gia Lai những năm gần đây giữ vững đà tăng trưởng. Hiện diện tích trồng cà phê của tỉnh khoảng 100.000ha và theo ước tính, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 680 triệu USD trong năm 2023 (tăng 3,03% so năm 2022).

Nông dân phấn khởi vụ cà phê 2023 được mùa. Nguồn: ITN

Nông dân phấn khởi vụ cà phê 2023 được mùa. Nguồn: ITN

Sản phẩm cà phê Gia Lai được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) lựa chọn tham gia Dự án thí điểm "Xây dựng chiến lược thương hiệu và tiếp thị dành cho các nhà sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý Việt Nam". Đây là cơ hội để sản phẩm cà phê của Gia Lai có thêm những điều kiện thuận lợi để tiến bước vững chắc, mạnh mẽ trên thị trường thế giới. Đại diện một doanh nghiệp trồng cà phê tại huyện Đăk Đoa cho hay, muốn cà phê đứng vững trên thị trường quốc tế cần minh bạch vùng nguyên liệu, tập trung bảo vệ cho người nông dân canh tác hữu cơ, canh tác sạch, phát triển cà phê bền vững sẽ đem lại lợi ích cho người nông dân, doanh nghiệp và môi trường.

Thực tế cho thấy, sản xuất cà phê đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động tại địa phương. Tham gia sản xuất cà phê, đời sống người dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ gia đình khá, hộ gia đình giàu ngày càng tăng; trong đó, có một bộ phận không nhỏ là bà con đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong những năm gần đây, bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất cà phê sạch để nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm cà phê nhân xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng mạng lưới sản xuất, chế biến cà phê bền vững và một phần sản phẩm cà phê đặc sản, nhằm thâm nhập vào các thị trưởng có tiềm năng trong nước và xuất khẩu. Điển hình như: cà phê Thu Hà, cà phê Tamba, Classic Coffee, L'amant Café... đã có mặt ở khắp các tỉnh thành trong nước và bước đầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, Gia Lai sẽ phát triển diện tích cà phê đặc sản khoảng 1.200ha, bằng 1,2% diện tích cà phê toàn tỉnh. Mục tiêu đến giai đoạn 2026 - 2030, phát triển diện tích cà phê đặc sản khoảng 2.300ha, bằng 2,4% diện tích cà phê toàn tỉnh.

Hoàng Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/ca-phe-gia-lai-giu-vung-da-tang-truong-i354799/