Cà phê kém chất lượng: Mối lo tiêu dùng, thách thức thương hiệu

Những vụ việc cà phê giả, kém chất lượng liên tiếp bị phát hiện tại một số địa phương Nam Trung Bộ - Tây Nguyên thời gian gần đây một lần nữa khiến người tiêu dùng lo lắng. Khôi phục niềm tin của người tiêu dùng, gìn giữ giá trị thương hiệu đang trở thành bài toán đầy thách thức.

Trong một quán cà phê nhỏ trên đường Lê Duẩn, phường Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, chị Huỳnh Thị Thanh Thủy chia sẻ lo lắng khi nghe tin nhiều tấn cà phê bột pha bắp, đậu, hóa chất bị phát hiện ngay tại vùng trọng điểm cà phê của miền Trung - Tây Nguyên.

“Nói chung với mình cà phê lúc nào cũng phải có. Mỗi sáng là pha cà phê uống cho mình và cho cả nhà luôn mà bây giờ nghe thông tin về cà phê bẩn đủ thứ như thế thì lo quá. Cái này phải có cơ quan chức năng vào cuộc chứ không như thế này người dân như trong ma trận, uống bao nhiêu lâu rồi không biết có ảnh hướng gì đến sức khỏe không”, chị Thủy nói.

Nhiều thùng chất phụ gia để trộn cà phê do công an phát hiện tại một doanh nghiệp tư nhân.( ảnh Minh Minh)

Nhiều thùng chất phụ gia để trộn cà phê do công an phát hiện tại một doanh nghiệp tư nhân.( ảnh Minh Minh)

Không chỉ chị Thủy, anh Trương Lê Quân ở phường Ea Kao, tỉnh Đắk Lắk cũng bày tỏ lo lắng: “Tôi thường xuyên uống cà phê nên luôn chọn sản phẩm uy tín, có chứng nhận. Nhưng vừa rồi công an phát hiện một vụ làm giả cà phê, trong đó có thương hiệu đạt OCOP, khiến tôi rất hoang mang, lo lắng.”

Đắk Lắk được mệnh danh là thủ phủ cà phê, với diện tích canh tác hơn 210.000 ha, sản lượng trung bình đạt 500.000 tấn mỗi năm. Cà phê Buôn Ma Thuột đã được cấp chỉ dẫn địa lý, khẳng định thương hiệu Robusta chất lượng cao của Việt Nam.

Thế nhưng, các vụ việc cà phê bột pha bắp, đậu, ở Phú Yên (cũ) – nay là Đắk Lắk hay tại Gia Lai, với hàng trăm kilogam thành phẩm kém chất lượng... đang bào mòn niềm tin người tiêu dùng.

Đáng lo ngại, một số doanh nghiệp gian lận vẫn dán nhãn “OCOP”, “cà phê sạch”, “đặc sản địa phương”, trong khi khâu hậu kiểm còn lỏng lẻo. Thực tế này đặt ra thách thức lớn cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Ông Trần Đình Trọng, Giám đốc một hợp tác xã sản xuất cà phê chất lượng cao ở Đắk Lắk, cho biết: “Giá cà phê chất lượng cao hiện khoảng 200.000 đồng/kg. Trong khi những cơ sở làm cà phê trộn chỉ để 10% cà phê, còn lại là đậu, bắp, tạp chất thì giá bán chỉ hơn 100.000 đồng/kg, thậm chí có nơi chỉ 90.000 đồng/kg. Người tiêu dùng thấy rẻ thì mua, vô tình tiếp tay cho cà phê giả. Điều này gây khó khăn cho chúng tôi khi tìm đầu ra cho sản phẩm sạch trong nước.”

Hiện nay, quy chuẩn kỹ thuật với cà phê bột rang xay ở Việt Nam vẫn còn lỏng lẻo so với quy mô một ngành hàng tỷ USD. Quy định về hàm lượng cafein tối thiểu 1% chủ yếu kiểm tra trên giấy tờ, thiếu cơ chế hậu kiểm thường xuyên, trong khi chế tài xử phạt còn nhẹ. Nhiều địa phương cấp chứng nhận OCOP dựa trên hồ sơ sản phẩm, chưa kiểm nghiệm chất lượng thực tế khi lưu thông.

Khi khâu hậu kiểm còn lỏng lẻo sẽ đặt ra thách thức lớn đối với những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Khi khâu hậu kiểm còn lỏng lẻo sẽ đặt ra thách thức lớn đối với những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, cho rằng muốn giữ vững vị thế thủ phủ cà phê, phải ngăn chặn gian lận từ gốc: “Trước mắt, cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm thường xuyên, nghiêm túc để sản xuất đi vào nền nếp. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, đơn vị tư vấn và nông dân. Đồng thời, nâng cao nhận thức người tiêu dùng để họ biết cách lựa chọn cà phê thật, chất lượng, có thương hiệu uy tín.”

Một tách cà phê “sạch” không chỉ là chuyện khẩu vị, mà còn là trách nhiệm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, gìn giữ niềm tin cho các thương hiệu Cà phê Việt Nam nói chung và Cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng. Chỉ khi niềm tin được bảo vệ, Đắk Lắk và các vùng cà phê trong cả nước mới thực sự bước vào con đường phát triển bền vững.

Hương Lý/ VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/thi-truong/tieu-dung/ca-phe-kem-chat-luong-moi-lo-tieu-dung-thach-thuc-thuong-hieu-post1212365.vov