Cà phê nông lâm kết hợp, nâng cao chất lượng rừng
Phát triển cà phê bền vững là mục tiêu chung mà chính quyền địa phương, doanh nghiệp và nông dân trồng cà phê ở Lạc Dương đang hướng đến thông qua Dự án Café – Redd.
Thay đổi bền vững
Café – Redd là dự án cà phê nông lâm kết hợp và nâng cao chất lượng rừng. Dự án do SNV (Tổ chức phát triển Hà Lan) và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng bắt đầu thực hiện từ tháng 3/2019, kéo dài đến hết tháng 10/2021. Dự án diễn ra tại huyện Lạc Dương nhằm phát triển cà phê bền vững, nâng cao giá trị cà phê và nâng cao chất lượng rừng. Mục tiêu của dự án hướng tới giải quyết nguyên nhân chính dẫn đến mất rừng và suy thoái rừng, góp phần bảo tồn cảnh quan khu Dự trữ sinh quyển Lang Biang nói riêng và ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung.
Ông Phạm Thành Nam – Quản lý Dự án cho biết: Năm 2019, SNV đã hoàn thành việc triển khai các hoạt động nhằm tăng cường sự hợp tác trong chuỗi giá trị cà phê và bảo vệ rừng tại các thôn mục tiêu của Dự án Café – Redd; nghiên cứu mô hình cà phê - nông lâm kết hợp bền vững; tập huấn kỹ thuật cho các nông hộ; hợp tác với các công ty chuyên về sản xuất, mua bán cà phê trên địa bàn để xây dựng các chuỗi liên kết và thu mua cà phê cho nông dân trong vùng cảnh quan dự án. Bên cạnh đó, SNV cũng đã hợp tác với Công ty Traceverified để hỗ trợ nông dân thực hiện truy xuất nguồn gốc.
Năm 2019, với sự kết nối từ SNV, Công ty The Married Bean đã làm việc với 7 hộ tham gia chuỗi liên kết ở xã Đạ Sar để thu mua cà phê của các hộ với giá cao hơn giá thị trường và hỗ trợ, khuyến khích các hộ dân sơ chế cà phê để tăng thêm thu nhập.
Những hoạt động trong năm 2019 như là bước chuẩn bị quan trọng mà SNV với vai trò kết nối và chuẩn bị những kiến thức cần thiết để nông dân bắt tay trực tiếp với các doanh nghiệp trong ngành cà phê vào năm 2020.
Hợp tác cùng phát triển
Ông Trần Đình Thể - Phó Chủ tịch UBND xã Lát (huyện Lạc Dương), cho biết: Sau khi được trang bị kiến thức, dưới sự hỗ trợ từ SNV, tháng 7/2020 các nông dân tham gia dự án đã được thành lập thành 3 tổ hợp tác: Chong Mui, Chăng Đông, Cil Cà phê với 34 hộ, quy mô 50 ha cà phê; trong đó, có 40 ha đang cho thu hoạch cơ bản. Sau quá trình tập huấn của SNV và sự nỗ lực của địa phương, bà con tham gia tổ hợp tác nhận thức rõ việc tuân thủ các quy trình sản xuất để liên kết, tiêu thụ bền vững, tránh tình trạng vì cái lợi trước mắt mà để rơi vào vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá” và chịu sự kiểm soát của thương lái.
Cà phê của bà con thuộc ba tổ hợp tác trên do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Cà phê Tám Trình thu mua bắt đầu từ vụ mùa 2020 – 2021. Đại diện Công ty Tám Trình cho biết: Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tăng giá trị cho cây cà phê và tăng thu nhập cho các hộ nông dân, bên cạnh việc áp dụng đúng Bộ nguyên tắc UTZ Certified (thực hành nông nghiệp tốt), Công ty đã áp dụng tiêu chuẩn cộng thưởng để khuyến khích bà con sản xuất và thu hái cà phê chất lượng. Nếu bà còn thu hái cà phê có tỉ lệ quả chín đạt từ 99 – 100% sẽ được cộng thêm 4 ngàn đồng/kg. Mức thưởng này sẽ giảm dần và sẽ không cộng thưởng đối với cà phê có tỉ lệ chín chỉ đạt từ 80-84%, không thu mua nếu tỉ lệ cà phê chín dưới 80%. Đặc biệt, đối với những vùng cà phê khác như Cầu Đất, Công ty sẽ không thu mua quả tươi có tỷ lệ chín dưới 89%.
Hình thức thưởng cũng được áp dụng trong thu mua nhân cà phê Arabiaca vỏ lụa, tách quả xanh thông qua việc cộng thưởng dựa trên số lỗi. Số lỗi càng ít cộng thưởng càng cao. Trên 15 lỗi cà phê sẽ không được thu mua. Ngoài ra, Công ty còn cộng thưởng theo tỷ lệ trên sàng. Tỷ lệ hạt trên sàng càng cao thì tiền cộng thưởng càng cao và không thu mua nếu trên 50% tỷ lệ hạt cà phê lọt sàng.
Công ty Tám Trình cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm với mức giá cao hơn thị trường khi nông dân tuân thủ quy trình sản xuất và thu hái chất lượng. Hiện, các tổ hợp tác tại xã Lát xác định có thể đáp ứng được yêu cầu từ phía Công ty Tám Trình, hai bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác. Phía Công ty Tám Trình cũng khuyến khích bà con giữ rừng, giữ cây che tán tạo bóng mát và chăm sóc cà phê đúng kỹ thuật, thu hái quả chín để cho ra hạt cà phê Arabica chất lượng nhất. Điều này vừa giữ được cảnh quan, môi trường sống, vừa nâng cao giá bán cà phê và phía Công ty sẽ có được nguồn cà phê chất lượng để sản xuất cà phê cao cấp xuất khẩu.
Còn với The Married Bean, sau Đạ Sar, Công ty này đã tiếp tục thực hiện với 50 hộ ở 6 tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững ở xã Đạ Nhim. Công ty và những người nông dân đã cam kết không lấn rừng để mở rộng diện tích, thay vào đó nâng cao năng suất trên diện tích cà phê đã có. Trong các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng cà phê có việc trồng cây che bóng. Để hiện thực hóa điều này, SNV đã cung cấp hơn 600 ngàn cây giống mắc ca ghép, hồng ghép và cà phê giống Catimor cho hơn 1.000 nông hộ tại huyện Lạc Dương và cung cấp 212 tấn phân bón hữu cơ vi sinh cho các tổ hợp tác giúp bà con nâng cao chất lượng cà phê và tăng thêm thu nhập. Một khi chất lượng cà phê của người dân được đảm bảo theo yêu cầu đề ra thì phía Công ty cũng sẵn sàng mua với giá cao hơn và ổn định bắt đầu từ vụ mùa sắp tới.