Cà phê ở Café Lâm
Café Lâm ở 60 Nguyễn Hữu Huân, quận Hoàn Kiếm, là một trong những quán lâu đời của Hà thành (ra đời năm 1952).
Nơi đây không chỉ nổi tiếng vì cà phê ngon mà còn vì có một ông chủ quán ẩn mình trong góc nhỏ nhưng có sự ảnh hưởng không nhỏ đến nền hội họa Việt Nam.
Sáng sớm ngày cuối Thu trời hơi se lạnh, chúng tôi tìm đến Café Lâm phố Nguyễn Hữu Huân để… nhìn ngắm những bức tranh và tưởng tượng không gian cà phê với những Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Lê Phổ, Hoàng Lập Ngôn, Sỹ Ngọc… và những văn nghệ sĩ khác: Văn Cao (nhạc sĩ, họa sĩ…), Nguyễn Tuân, Hữu Loan, Nguyên Hồng…
Quán nhỏ và người xưa
Vào quán cà phê, đưa mắt tìm, nhưng dĩ nhiên chúng tôi biết ông chủ quán xưa, cũng là nhà sưu tập tranh nổi tiếng Nguyễn Văn Lâm, không còn ở đấy nữa. Thay vào đó, tiếp chúng tôi là đứa cháu trai của ông tên là Nguyễn Văn Quế, mới du học ở Úc về.
Ngoài sự bài trí và tiểu tiết có khác nhưng cảnh xưa gần như nguyên vẹn. Ngôi nhà làm quán cà phê nhỏ, trang nhã. Khách ngồi khá đông, nhiều bạn ngồi nghế nhựa nhỏ ngoài vỉa hè. Các bức tranh khổ vừa và lớn vẫn treo kín các bức tường.
Đặc biệt, bức tranh vẽ chân dung ông Lâm do Văn Cao vẽ được đặt vào vị trí trang trọng nhất, ở bức vách chính giữa quán. Bức tranh miêu tả ông Lâm đang ngồi trầm tư, bó gối bên cái ấm tích.
Cách nay hơn 20 năm, tôi gặp ông Lâm trong một cuộc triển lãm bộ sưu tập tranh của ông tại số 43 Đồng Khởi, Sài Gòn. Lúc đó, ông Lâm tiếp tôi cũng có cái dáng ngồi như vậy, ông có vẻ mệt mỏi vì tiếp nhiều khách.
Nhìn ông với vẻ mặt như không quan tâm gì đến thế sự, đến cái gì ngoài cái quán nhỏ bé của mình, ít ai có thể ngờ ông là một trong những nhà sưu tập tranh lớn nhất Việt Nam. Ông Lâm là người rất kiệm lời. Cháu Quế của ông cũng xác nhận như vậy.
Chàng trai này nói: “Ông ít khi kể chuyện này chuyện nọ. Chuyện tại sao ông được tặng tranh cũng do người khác kể lại chứ không nghe ông kể. Họ nói, các họa sĩ vào uống cà phê ghi nợ, rồi mượn tiền của ông mua giấy bút, mua rượu… rồi lấy tranh trả nợ cho ông”.
Tôi hình dung, ông Lâm lặng lẽ ngồi nghe các văn nghệ sĩ nói về chuyện đời, chuyện nghề. Thời chiến tranh, bao cấp, nghèo khó bao trùm, chuyện cho ai nợ là một tấm lòng cần ghi nhận và trả ơn. Nhưng nhìn vào những bức tranh khổ vừa, khổ lớn vẽ tỉ mỉ, tôi nghĩ: Các họa sĩ đã gửi gắm những tác phẩm của mình cho người tri âm, tri kỷ. Ông Lâm còn là người thích tranh và còn là người sưu tập tranh nữa.
Hình dung quán cà phê với những tài danh: Tô Ngọc Vân với tác phẩm kinh điển “Thiếu nữ bên hoa huệ”, Bùi Xuân Phái với những tác phẩm bất hủ về phố cổ Hà Nội, rồi Nguyễn Tư Nghiêm, Văn Cao…
Mỗi người đẹp một vẻ, kiểu như Nguyễn Tư Nghiêm vẽ tranh giống như lời tỏ tình của ông, lúc đó đã 70 tuổi, với người yêu sau này là vợ, hết sức chân thành: “Sinh lực tôi đã cạn kiệt, chỉ có tình cảm dành cho em". Tôi tưởng tượng, các cuộc gặp gỡ của họ, có ông Lâm lắng nghe, đó là những buổi “cà phê đàm” tuyệt vời, chỉ tiếc không có trang giấy ghi lại, hay bản ghi âm lưu giữ.
Con đường cà phê
Phố Nguyễn Hữu Huân chỉ khoảng nửa cây số, khá nhộn nhịp, nhưng có nhiều quán cà phê nổi tiếng. Đây thực sự là con phố cà phê của Hà Nội. Thậm chí có người nước ngoài cũng đến đây mở quán cà phê.
Ngoài cà phê Lâm (có 3 quán, đều do con cháu cụ Lâm làm chủ), ở đây còn có cà phê Giảng nổi tiếng không kém. Cà phê Giảng nổi tiếng với cà phê trứng do cụ Nguyễn Văn Giảng sáng tạo. Thứ cà phê đậm đà khi kết hợp với vị trứng béo ngậy ra đời từ khá lâu, khoảng năm 1946. Qua bao nhiêu thăng trầm, cà phê Giảng vẫn được duy trì cho đến tận bây giờ. Rất đông khách uống cà phê hàng ngày vẫn tìm đến địa chỉ 39 Nguyễn Hữu Huân để thưởng thức món cà phê độc đáo này.
Cà phê Năng cũng là quán có từ lâu đời. Khách đến đây cũng thích không khí đầy hoài niệm ở phố cổ. Quán có thức uống bạc xỉu được nhiều người ưa chuộng.
HAN cà phê cũng là quán nổi tiếng ở nơi này. Quán được thiết kế theo phong cách cổ điển. Đây là nơi nhiều du khách nước ngoài tìm đến. Nhiều người đến HAN cà phê lại thích ngồi ở vỉa hè để trông ra đường phố nhìn ngắm người qua lại .
Quán Cộng cà phê trang trí theo phong cách thời kỳ bao cấp. Không gian quán rất độc và lạ, thỏa mãn được nhu cầu "sống ảo" của một số bạn trẻ. Cộng cà phê có nhiều ở các thành phố lớn. Các quán của chuỗi này thường chọn những bản nhạc rất hay của thập niên 70, 80 thế kỷ trước để phục vụ khách.
Phố Nguyễn Hữu Huân còn có những quán mang phong cách trẻ trung như: Zone cà phê, Trippy land drinks, …
Mỗi người có thể chọn một quán cà phê thích hợp cho mình để thưởng thức, gặp gỡ bạn bè. Các quán cà phê ở đây nói chung không quá ồn ào nên thích hợp cho thư giãn. Con phố nhỏ này còn có những món ăn ngon của Hà Nội, như: Phở, bún chả… Phố buôn bán tấp nập, nhưng khi du khách lùi mình vào quán cà phê, không gian trở nên yên tĩnh hơn.
Con phố Nguyễn Hữu Huân cũng như nhiều con phố khác ở Hà Nội, trong nó chứa nhiều câu chuyện đáng kể, cả những chuyện xung quanh món ăn và thức uống nữa, như cà phê Lâm là một ví dụ sống động.
Thầm nghĩ về con phố du lịch này đã khá động đúc, gần như sẽ quá tải nếu như lượng người đến đông hơn. Do đó, nếu phố này tập trung chuyên cà phê, dĩ nhiên có thức uống khác như kem, sinh tố…, phố sẽ còn thú vị hấp dẫn hơn nữa.
Tuy nhiên, chỉ cần những quán cà phê mang đầy ký ức như cà phê Lâm, cà phê Giảng thôi phố cà phê Nguyễn Hữu Huân là một địa chỉ hấp dẫn hiếm nơi nào có được.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ca-phe-o-cafe-lam-355906.html