Cà phê: Phải lòng 'cà nước' Phú Yên
Có những sáng ngu ngơ hay chiều bối rối hoặc tối hân hoan, ta lại tìm về bên ly cà phê, để nhờ quyền trợ giúp hoặc mong gia tăng phấn chấn.
Cùng với bánh mì, những hạt cà phê đầu tiên do người Pháp mang sang nước ta. Dần dà, chúng biến hóa hương vị, thẩm thấu tâm hồn lẫn thói quen ẩm thực người Việt lúc nào không hay. Đến nỗi, một số dân Tây chính gốc còn ngỡ ngàng, đôi khi thán phục.
Thế nhưng, không ít bạn thân người viết, có thể nhâm nhi ba, bốn cữ cà phê một ngày. Vắng thứ nước uống có vị đắng... phong trần này, nhất là vào buổi sáng, có người mặt mũi tối... thui, tư duy vụn vỡ.
Hữu xạ...
Nếu nhắc đến trà thì luận đạo, còn cà phê hẳn phải có “gu”. Người thích pha thêm sữa, kẻ khoái pha phin, vị chuộng đen đắng...
Do vậy, thà bàn món ăn ngon còn dễ thuận tai hơn bình phẩm một loại cà phê thú vị. Bởi món ăn còn có các yếu tố: Điêu khắc (trang trí), cung bậc (nhịp điệu nhai, xào), ngũ vị - tha hồ thấu cảm. Riêng nước “cà đen” chỉ nghe mùi khen khét và vị đắng nghét, gần như tối giản. Thế nhưng, dường như đỉnh cao của mọi sự tinh tế nằm ở lẽ giản đơn!
Hơn ba năm trước, có dịp thưởng thức loại nước này tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, chúng tôi mới hiểu rõ cụm từ “sức hấp dẫn không thể chối từ”. Thế là tương tư!
Như chàng Trương Chi gửi trọn hồn vía về người ngọc Mỵ Nương. Mặc dù chàng Trương thoáng trông người đẹp ngắn ngủi trong vài cái chớp mắt.
Từng nhịp thời gian tí tách rơi trong cốc cà phê sóng sánh, tỏa hương dịu thơm đặc trưng bữa đó chứ không ngất ngát như nhiều bài viết từng ca tụng. Thế mà, quyến rũ đến lạ thường!
Càng ngửi, càng thư thái. Nhờ vậy, những chùm hoa lộc vừng đỏ hồng, treo “toòng teng” giống pháo cưới cạnh bàn hôm ấy, cũng duyên dáng hơn.
Trời tháng Giêng, sớm mai se se lạnh. Đỉnh núi Nhạn, ngọn Chóp Chài còn lấp lóa hơi sương. Đường phố lưa thưa xe cộ. Người người di chuyển chầm chậm, khiến thành phố Tuy Hòa nhỏ hẹp - rộng bằng nửa quận Tân Bình của Thành phố Hồ Chí Minh - vậy mà hóa rộng.
Không gian ấy, rất đẹp đôi với giọt cà phê phin lơ đãng.
Còn nữa, chính vị đắng đậm lẫn chát nhẹ cùng hậu ngòn ngọt khiến nhiều thực khách mê mẩn lúc nào không hay. Lượng nước cao không quá lóng tay, xao động trong đáy cốc. Đặc sánh và nâu đen. Hớp vài ngụm nhỏ, ngậm nhẹ độ vài phút rồi nuốt chậm, đã thấy “ép-phê” ngay.
Muốn thưởng thức trọn vẹn hương vị thứ nước uống giúp “thăng hoa cảm xúc” chốn này, bạn cho vào ly càng ít đá viên càng tốt. Rù rì cho vào từng viên một, kiểu trò ném đá ao bèo, nếu không chất lượng sẽ hỏng!
Gặp người “đô” cà phê yếu, chưa ăn sáng, uống vào có thể say. Tôi thật bẽn lẽn khi nghe anh bạn thổ địa ở đây nhận định rằng, cà phê vỉa hè Sài Gòn nhạt như trà đá.
Thật ra chưa hẳn vậy. Bởi xu hướng cà phê cóc, tự xay, giá vừa phải đang nảy nở khắp những cung đường lớn nhỏ ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Một đàn anh “chuyên trị đen vắng đường” ý kiến: Độ đậm cà phê Tuy Hòa vẫn phải ngồi chiếu dưới, so với cà phê bờ kè Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.
Không sai! Tuy nhiên, độ tươi mới, sự hài hòa hương vị cũng như vũ điệu “bọc lót”, đan xen giữa: đắng-chát-ngọt-bùi của cà phê đất Phú thật mượt mà.
Các nhà bình luận thể thao thường dùng những cụm từ “phong độ” với “đẳng cấp”, để nói về một chân sút đang lên hay tay vợt sáng chói. Còn tay nghề tẩm ướp, pha chế, rang xay cà phê hạt theo lối thủ công gói gọn trong chữ Cảm. Và bản lĩnh thương hiệu cà phê cũng tương tự, mặc dù do người tiêu dùng bình chọn.
Bằng chứng là hơn ba năm sau chúng tôi ra thăm lại cố nhân, ngay dịp cơn bão số 5 đang “trở chứng” khắp Nha Trang, Phú Yên. Cảm giác lâng lâng, tinh thần sảng khoái lại ùa về, dịu dàng mà thiết tha tựa nụ hôn tình đầu. Hay như lời mạnh bạo của tác giả Trần Anh Khôi trong bài Teen vọng cổ: “Nói chung là yêu đó!”.
Và công bằng mà nói, “dung nhan ấy” có chút đổi thay. Hàng lộc vừng đã trưởng thành hơn, tán xòe rợp mát gần 10 mét vuông, gốc to cỡ hai bắp đùi người lớn. Đường phố có vẻ khang trang hơn. Song nhịp sống vẫn chầm chậm, mật độ quán cà phê thêm dày lên. Ấy chính là, nét duyên ngầm của vùng đất hiền hòa này.
Và bạn sẽ không bắt gặp chất thơ kia ở các thành phố biển khác: Nha Trang, Phan Thiết. Thậm chí, cũng không có tại Đà Lạt lấp ló đồi thông.
Mặt khác, món nghề nào cũng có bí quyết. Có người nói cà phê ở đây ngon, ngoài sự tuyển lựa công phu, tẩm ướp nguyên liệu tận tâm của người thợ yêu nghề, dạn dày kinh nghiệm còn nhờ pha vào ít mắm nhĩ thượng hạng.
Có thể lắm chứ! Chén mắm nhĩ lưu niên, ủ từ cá cơm vùng này, cho mùi vị thật độc đáo.
Rơi rụng chân quê
Thử ghé lại vài ba quán cà phê Phú Yên ở Quận 3 hay khu Phú Nhuận thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi có phần hụt hẫng. Không gian các quán rất sạch đẹp nhưng có phần gò bó.
Có nơi, máy khử mùi, máy lạnh quá tốt, vô tình khử bớt sức quyến rũ từ tách cà phê đang “ngậm ngùi” bốc khói. Chỗ thì, tiếng còi xe ầm ĩ át cả tiếng nhạc... Nói chung là thất vọng đó!
Người tinh tế hơn còn cho rằng, có thể do nguồn nước mạch trong lòng núi đồi miền Trung đem pha cà phê sẽ thơm ngon hơn nước lọc Sài Gòn. Cũng có thể!
Cuối cùng, mỗi khi thèm quay quắt ly cà phê chân quê Tuy Hòa, tôi lại nài nỉ bạn bầu đón xe đêm ra đó. Hối hả ra bến xe, mà tâm luôn khấn nguyện cho bác tài đừng chợp mắt ngủ gục, lúc nửa đêm, đèo vắng.
Dẫu biết yêu là khổ, mà khối người vẫn đắm đuối siết tay nhau thề thốt: “thương hoài nghìn năm”!
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ca-phe-phai-long-ca-nuoc-phu-yen-post1161908.html