Cà phê Việt đánh thức tiềm năng thị trường nội địa

Ngành cà phê Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để chuyển mình, đặc biệt là ở thị trường trong nước

Giá cà phê liên tục duy trì ở mức cao từ cuối năm 2023 đến nay, mang lại sự phấn khởi cho người trồng cà phê tại Tây Nguyên. Tuy nhiên, đằng sau tín hiệu tích cực về giá, ngành cà phê Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều "nút thắt" cũ chưa được tháo gỡ như: Sản xuất manh mún, tiêu thụ nội địa yếu, chế biến sâu còn hạn chế...

Việc phát triển thị trường nội địa sẽ góp phần quan trọng giúp ngành cà phê ứng phó với những biến động lớn trên thị trường thế giới hiện nay.

Dư địa lớn

Tại Đắk Lắk, nông dân Phạm Văn Đồng (xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột) cho biết giá cà phê đã tăng mạnh từ 60.000 đồng/kg lên hơn 130.000 đồng/kg chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025. Đây là mức giá cao hiếm thấy, thúc đẩy người dân tăng cường đầu tư chăm sóc vườn cây.

Với mô hình canh tác hữu cơ, chi phí đầu tư dao động khoảng 45-60 triệu đồng/ha, thấp hơn so với canh tác truyền thống. Quan trọng hơn, sản phẩm hữu cơ được doanh nghiệp bao tiêu, giúp người trồng nâng cao thu nhập.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu không có chiến lược phát triển bài bản, người trồng cà phê vẫn sẽ bị động trước những biến động của thị trường. Bởi, vấn đề không chỉ nằm ở giá, mà còn ở phương thức tổ chức sản xuất và tiêu thụ.

Hiện nay, phần lớn nông dân vẫn sản xuất nhỏ lẻ, tự phát. Với giá cà phê dao động quanh mức 125.000 đồng/kg nhân xô và 170.000 đồng/kg cà phê thành phẩm, nếu không kiểm soát tốt chi phí, dòng tiền và không có khả năng dự báo thị trường để bán hàng đúng thời điểm, người trồng vẫn có thể gặp rủi ro.

Ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia ngành cà phê, cho biết Việt Nam sản xuất khoảng 1,6-1,8 triệu tấn cà phê mỗi năm nhưng tiêu thụ nội địa chỉ chiếm khoảng 5%-10%. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng cà phê trong nước đang tăng nhanh, đặc biệt ở giới trẻ và khu vực đô thị. Việc đẩy mạnh tiêu thụ nội địa không chỉ giúp ổn định đầu ra mà còn tạo sức bật cho thương hiệu cà phê Việt.

Theo ông Bình, hiện 90% sản lượng cà phê đến từ các hộ nhỏ lẻ, mỗi hộ chỉ thu hoạch 3-5 tấn mỗi vụ, rất khó để đầu tư vào chế biến sâu hoặc dự trữ hàng chờ giá tốt. Bên cạnh đó, việc thiếu các hợp tác xã quy mô lớn khiến chuỗi liên kết trong ngành còn lỏng lẻo.

"Các quốc gia như Brazil có thể xuất khẩu hàng chục ngàn tấn chỉ từ một hợp tác xã, trong khi nhiều hợp tác xã tại Việt Nam chưa đạt nổi vài trăm tấn" - ông Bình cho biết.

Chuyên gia này cũng nhận định dư địa để phát triển cà phê chế biến sâu, cà phê đặc sản và mở rộng thị trường nội địa vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, các rào cản cố hữu như thiếu vốn, thiếu hỗ trợ từ ngân hàng và chính sách vẫn chưa được tháo gỡ.

"Ngân hàng cần mạnh dạn hỗ trợ nhiều hơn, chẳng hạn tăng hạn mức vay từ 5 tỉ đồng lên 6-7 tỉ đồng để nông dân và doanh nghiệp có thể đầu tư dài hạn và không phải bán tháo khi thị trường biến động" - ông Bình đề xuất.

Từ góc độ ngành hàng, ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, cho rằng nhiều điểm nghẽn đã được đề cập nhiều năm nhưng vẫn chưa được xử lý. Theo ông Minh, vấn đề then chốt là tổ chức lại vùng nguyên liệu, xây dựng các hợp tác xã đạt chuẩn, được hỗ trợ về đất đai, cơ sở vật chất, vốn và nhân lực. Khi đó, doanh nghiệp mới có thể kết nối hiệu quả với nông dân, hình thành chuỗi giá trị bền vững.

Bên cạnh đó, đầu tư vào chế biến sâu là bước đi bắt buộc nếu muốn nâng tầm ngành cà phê. Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Simexco Đắk Lắk, để bảo đảm lợi ích bền vững cho người trồng, cần nâng tỉ lệ cà phê chế biến sâu lên 40%-45%. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi nguồn vốn lớn và thị trường ổn định, thường mất 3-5 năm để hoàn thiện.

"Hiện nay, nhiều bạn trẻ Việt Nam, bao gồm cả Việt kiều, đang tích cực tham gia lĩnh vực này. Doanh nghiệp nhà nước có thể đảm nhận vai trò gia công, trong khi các doanh nghiệp trẻ, khởi nghiệp sẽ tập trung khai phá thị trường mới. Tất cả những yếu tố này đang góp phần thúc đẩy ngành cà phê phát triển mạnh mẽ" - ông Dũng chia sẻ.

Khách hàng tìm hiểu các sản phẩm dùng thử tại các gian hàng tham gia chương trình “Tôn vinh cà phê, trà Việt” lần 3-2025 do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 17 và 18-5 ở Trung tâm Thương mại Gigamall. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Khách hàng tìm hiểu các sản phẩm dùng thử tại các gian hàng tham gia chương trình “Tôn vinh cà phê, trà Việt” lần 3-2025 do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 17 và 18-5 ở Trung tâm Thương mại Gigamall. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Khai thác "mỏ vàng" 100 triệu dân

Ông Nguyễn Đình Quyền, Giám đốc Điều hành thương hiệu cà phê hữu cơ TheorganiKcoffee, cho biết chương trình Tôn vinh cà phê - trà Việt do Báo Người Lao Động tổ chức, rất phù hợp với sản phẩm của công ty vì thị trường nội địa đang chiếm tới 80% sản lượng tiêu thụ, chỉ 20% xuất khẩu.

Là cà phê hữu cơ được chứng nhận quốc tế, giá bán lẻ các sản phẩm của TheorganiKcoffee hiện dao động từ 750.000 - 900.000 đồng/kg, tùy loại Robusta hay Arabica, cho thấy khả năng chi trả của người tiêu dùng trong nước hoàn toàn không thua kém thị trường quốc tế. "Chương trình của báo thực sự tôn vinh cà phê và trà Việt, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trẻ nâng tầm. Chúng tôi rất vui khi được lãnh đạo các ban ngành ghé thăm và động viên" - ông Quyền chia sẻ.

Ông Quyền cũng đánh giá cao chuỗi sự kiện tại chương trình Tôn vinh cà phê - trà Việt lần 3 của Báo Người Lao Động được tổ chức logic, bám sát chủ đề và phù hợp với định hướng phát triển chuyên nghiệp, bài bản của các doanh nghiệp trong nước. "Trong những lần tổ chức tiếp theo, TheorganiKcoffee chắc chắn sẽ tham gia và đầu tư hơn nữa về nhân sự, sản phẩm cũng như các hoạt động tương tác để tận dụng cơ hội mà ban tổ chức mang lại" - ông nói.

Là doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân số 1 Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn Intimex gần đây đã mở rộng sang thị trường nội địa với hai thương hiệu mới: Glocal Coffee và ITG Coffee. Tham gia chương trình Tôn vinh cà phê - trà Việt lần 3-2025 vừa qua, doanh nghiệp này đã chuẩn bị nhiều sản phẩm dùng thử và ưu đãi hấp dẫn để khuyến khích người tiêu dùng trải nghiệm.

Là một trong hai nhà sáng tạo nội dung (KOL) của phiên livestream "Hương vị Việt: Kết nối thương hiệu cà phê - trà 2025", Thiện Nhân nhận xét rằng nhiều thương hiệu cà phê Việt đã hiện diện ở kênh bán hàng truyền thống nhưng vẫn còn mới mẻ trên nền tảng số. Anh kỳ vọng, sau chương trình, sản phẩm của các thương hiệu sẽ tiếp cận được đông đảo người tiêu dùng trực tuyến, mở ra thị trường rộng lớn hơn.

Truyền thông hỗ trợ

Trong 3 năm qua, chương trình "Tôn vinh cà phê, trà Việt" do Báo Người Lao Động tổ chức được nhiều doanh nghiệp đánh giá là phù hợp với các thương hiệu đang muốn khai thác thị trường nội địa. Nhiều thương hiệu đã đồng hành 2-3 năm liên tục như: Napoly Coffee, MeetMore, TheorganiKcoffee, Elys, Hapii Coffee, King Coffee, ALAMBÉ...

THANH NHÂN - NGỌC ÁNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/danh-thuc-tiem-nang-thi-truong-noi-dia-196250519214251152.htm