Cá robot AI hỗ trợ các nhà khoa học giám sát bảo vệ hệ sinh thái biển
Các nhà nghiên cứu ở Thụy Sĩ đã phát triển một robot cá tự động, có khả năng cung cấp cho các nhà sinh học biển bức tranh toàn cảnh, rõ nét hơn về những sinh vật dưới biển nhưng không làm xáo trộn môi trường sống.
Cá máy tự động có thể thu thập các mẫu eDNA và quay phim dưới nước, cung cấp bức tranh toàn cảnh chi tiết về môi trường ngầm nhưng không gây ảnh hưởng tiêu cực đến sinh vật đáy biển.
Robot cá có tên là Belle, được thiết kế đặc biệt để thu thập dữ liệu có giá trị nghiên cứu và giám sát vùng nước đáy biển nhưng ảnh hưởng tối thiểu đến môi trường sống của các loài sinh vật dưới biển.
Leon Guggenheim, sinh viên kỹ thuật cơ khí tại trường Đại học ETH Zurich, Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ, trả lời phỏng vấn của Reuters cho biết: “Chúng tôi muốn ghi lại và hiểu rõ các hệ sinh thái trong môi trường sống hoàn toàn tự nhiên.”
Anh Guggenheim nhận xét, Belle hoạt động trong im lặng, di chuyển như một con cá thực sự, không tạo ra tiếng động cơ khí, gây nhiễu loạn khi cơ động trong môi trường nước.
Thụy Sĩ phát triển cá robot AI phục vụ nghiên cứu đáy biển, nơi có các rặng san hô. Video EuroNews. Next
Robert Katzschmann, PGS về Robotics tại ETH Zurich giải thích: “Những vùng nước dưới đáy biển đó đặc biệt dễ bị tổn thương từ các hệ thống cơ khí di chuyển bằng chân vịt, có thể phá hỏng những rặng san hô hoặc xua đuổi các loài cá".
Robot cá được áp dụng công nghệ Trí tuệ Nhân tạo (AI), cho phép hoàn toàn tự điều hướng dưới nước, có thể thu thập các mẫu DNA và quay video có độ phân giải cao, hòa nhập vào môi trường rạn san hô dưới đáy biển.
Với kích thước dưới một mét, nặng gần 10 kg khi đưa lên khỏi mặt nước, Belle được đẩy bằng một chiếc vây đuôi silicon có hai khoang để bơm nước vào theo chu kỳ.
“Một hệ thống máy bơm điện sẽ bơm đầy và hút nước những khoang này, sự thay đổi áp lực sẽ di chuyển vây qua lại, do một khoang ở một bên tạo ra áp suất cao và một khoang phía bên kia hình thành chân không. Sự chênh lệch áp lực uốn cong vây theo hướng nhất định", Guggenheim nói.
Mục tiêu thiết kế là robot hoạt động hoàn toàn tự động trong 2 giờ trước khi bộ lọc DNA môi trường (eDNA) quá đầy và cần phải thay pin cho robot.
PGS Guggenheim cho biết: “Robot cá bơi lên mặt nước, gửi cho chúng tôi một tín hiệu GPS và chúng tôi sẽ đến để thu thập thiết bị. Tất nhiên, có thể thiết kế để robot gửi dữ liệu cho người khai thác sử dụng, nhưng ý tưởng là nhiệm vụ quá dài nên pin cũng phải được thay thế hoặc sạc lại, bộ lọc DNA môi trường cũng phải được thay thế, vì vậy không cần thiết phải gửi dữ liệu, khi các nhà khoa học buộc phải lấy dữ liệu từ bộ lọc DNA môi trường theo cách thủ công".
Nhóm nghiên cứu hy vọng robot của họ sẽ giúp các nhà sinh học biển nghiên cứu tình trạng sức khỏe và đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rạn san hô khác nhau, bị ảnh hưởng nặng nề từ các hoạt động đánh bắt quá mức, ô nhiễm đáy biển và biến đổi khí hậu.