Ca sĩ Phạm Thu Hà: Âm nhạc giúp tôi chữa lành những vết thương
Trong làng nhạc Việt, Phạm Thu Hà là giọng ca 'lạ' đúng nghĩa. Lạ ở chỗ sau khi học hành bài bản và gắn bó với âm nhạc, phải rất lâu cô mới chịu lộ diện trước công chúng. Lạ còn ở chỗ, dòng nhạc bán cổ điển mà cô chọn vốn là con đường khá gập ghềnh khi cực kỳ kén người nghe. Thế nhưng, như giọng ca sinh năm 1982 tự nhận, có lẽ cho đến tận cuối đời cô vẫn gắn bó với hai từ 'cổ điển' bởi nó như hơi thở của mình vậy.
Đủ tỉnh táo để vững vàng trước cám dỗ…
- Phóng viên: Chào Phạm Thu Hà, được biết trước khi chính thức “chào sân” và nổi tiếng với dòng nhạc bán cổ điển, chị từng ngần ngại không dám ghi danh thi Sao Mai, vì sao vậy?
- Ca sĩ Phạm Thu Hà: Đúng vậy, thời gian tôi còn học ở trường nhạc, các thầy cô cũng động viên tôi ghi danh tham dự giải Sao Mai. Nhưng ngày đó tôi chỉ biết nói thật là không thấy tự tin và cảm thấy mình chưa “chín”. Hồi ấy tôi thường hay hát trong các dàn hợp xướng, mà hát ở đó thì tất cả các giọng hòa quyện vào với nhau, mọi người lắng nghe nhau hát chứ không phô trương kỹ thuật. Chỉ sau này khi hát một mình tôi mới thể hiện được cá tính âm nhạc riêng và cả cách xử lý tác phẩm nữa. Nói vậy nhưng cũng nhờ quãng thời gian hát hợp xướng đó mà tôi học được cách lắng nghe một cách nghiêm túc mọi góp ý dành cho mình.
- Nhạc bán cổ điển vốn bị xem là kén người nghe, chị có nghĩ hành trình của mình đơn độc không khi đang quen với việc đứng hát giữa dàn hợp xướng?
- Hành trình âm nhạc của tôi bắt đầu từ cái nôi Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam - nơi tôi vốn được đào tạo để trở thành ca sỹ hát nhạc cổ điển. Ở đây, tôi đã may mắn được NSND Trung Kiên truyền dạy kỹ thuật thanh nhạc và đạo đức của một nghệ sỹ chân chính. Nhờ thầy Trung Kiên mà tôi đã thay đổi nhiều trong cách sống và luôn hướng tới một lối sống đẹp, tích cực. Sau khi tốt nghiệp Cao học tại đây, tôi đã có cơ duyên gặp được nhạc sỹ Trần Mạnh Hùng và anh đã giới thiệu tôi với nhạc sỹ Võ Thiện Thanh. Chính nhạc sỹ Võ Thiện Thanh đã đặt cho tôi những viên gạch đầu tiên để đến với dòng nhạc thính phòng cổ điển. Đây là một dòng nhạc rất sang trọng, nhưng nó vẫn có sự giao thoa với các dòng nhạc thị trường. Tôi muốn đem âm nhạc cổ điển thính phòng đến gần hơn với công chúng yêu nhạc, nhất là những công chúng trẻ.
Tôi thấy mình rất may mắn bởi trên hành trình âm nhạc tôi luôn có những người thầy, người anh, người bạn… âm thầm hỗ trợ phía sau. Các nhạc sỹ Võ Thiện Thanh, Trần Mạnh Hùng, Đức Trí, Trần Thanh Phương, Lưu Hà An… là những người đã giúp tôi có được nhiều sản phẩm chất lượng, giúp tôi khẳng định vị thế riêng trong dòng chảy âm nhạc.
- Âm nhạc đã mang đến cho tôi nhiều điều đẹp đẽ, giúp tôi chữa lành mọi tổn thương, ngày càng có nhiều hơn tình cảm của khán giả. Tôi sống ngày càng bình an, tích cực và lạc quan hơn. Nếu có mất thì có lẽ là âm nhạc đã lấy đi của tôi khá nhiều thời gian, khiến tôi bỏ lỡ nhiều cơ hội được bên cạnh những người thân yêu. Nhưng tôi cho rằng, sự lấy đi đó đã khiến tôi biết cân bằng cuộc sống hơn.
- Chị phải đánh đổi hay vượt qua những thử thách như thế nào để có thể theo đuổi và thành danh được với con đường âm nhạc này?
- Ngay từ đầu tôi đã xác định con đường mình đi sẽ rất gian nan, khó khăn và đòi hỏi bản thân phải rất kiên định. Quan trọng hơn, phải đủ tỉnh táo để khi đứng trước mọi cám dỗ. Các dòng nhạc khác có thể kiếm tiền nhiều hơn, nhiều khán giả thích mình hơn, nhưng nếu chúng ta để lạc mất cái “chất” của mình, hát quá nhiều dòng nhạc sẽ không còn có cái riêng của mình nữa. Từ nhiều năm nay, tôi luôn tập cho mình lối sống hướng tới sự bình an, tĩnh lặng. Chính vì lẽ đó, việc đi theo dòng nhạc thính phòng cổ điển sẽ giúp tôi không va vào những nhiễu nhương, làm mất đi sự bình an vốn có. Thử thách lớn nhất của tôi sau mỗi giải thưởng, thành tựu đạt được luôn khiến tôi phải cố gắng hơn nữa để đứng vững, sống tốt với nghề và cống hiến cho khán giả của mình.
Giữ tâm thế vững vàng trước đổ vỡ…
- Gia đình đóng vai trò như thế nào trên hành trình âm nhạc của chị?
- Gia đình vừa là những khán giả khó tính, vừa là những mạnh thường quân hào phóng, vừa là bệ đỡ nâng tôi mỗi khi vấp ngã… Không chỉ bố mẹ mà chị gái (hiện ở Mỹ) cũng thương tôi một mình ở Việt Nam nên hỗ trợ rất nhiều trong những năm tháng học tập tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Thực sự mà nói, nếu không có gia đình tôi sẽ không đủ điều kiện để hết mình với âm nhạc thính phòng cổ điển giao thoa được đến bây giờ. Bởi đây là dòng nhạc đòi hỏi phải có sự đầu tư nghiêm túc và chỉn chu. Đầu tư từ âm nhạc, sản phẩm, ê-kíp sáng tạo và cả từ trang phục.
Bên cạnh chất lượng của mỗi sản phẩm âm nhạc, tôi rất quan trọng phần hình ảnh. Mỗi một bộ trang phục khi xuất hiện trước công chúng đều phải đẹp, sang và mới mẻ. Tôi quan niệm, nghệ sĩ đầu tiên là phải điệu, phải đẹp. Tính cách tôi dung dị, mộc mạc nhưng khi lên sân khấu có thể xếp vào hàng “nghệ sĩ điệu nhất”. Nếu không xây dựng hình ảnh chỉn chu thì chắc chắn tôi không thể có thành công như hôm nay. Người ta nói phải “có thanh, có sắc” không sai chút nào đối với người làm lĩnh vực nghệ thuật. May mắn là những ngày đầu bước đi trên con đường âm nhạc, gia đình đã hỗ trợ tôi tối đa. Đến thời điểm này, tôi lại được khán giả yêu thương nên khá nhiều show diễn, mức cát-xê đủ để lo cho bản thân, gia đình và thực hiện những ước mơ cho âm nhạc.
- Hẳn đó cũng là điểm tựa về tinh thần để chị vực dậy sau cuộc hôn nhân đầu không trọn vẹn?
- Tôi đang là “single mom” (mẹ đơn thân). Những tổn thương, mất mát trong chuyện tình cảm giúp tôi có thêm những cảm xúc đẹp hơn, thăng hoa hơn. Tôi tin là mình sống thiện thì chắc chắn sẽ gặp được nhân duyên tốt đẹp. Gia đình luôn đứng phía sau “chắn giông, ngăn bão” để tôi vui sống. Dù ở cách xa nhau nửa vòng trái đất nhưng chúng tôi luôn chia sẻ với nhau mọi điều và xóa nhòa mọi khoảng cách về địa lý. Tôi có cậu con trai Lucas năm nay mới 6 tuổi nhưng đã rất hiểu chuyện. Cậu bé là nguồn vui, là tình yêu vô bờ bến của tôi. Con rất tinh tế, tình cảm, biết chia sẻ và động viên khi mẹ có nỗi niềm. Chính con trai giúp tôi vững vàng hơn sau mỗi lần đi qua giông bão.
- Mối quan hệ của chị với “người cũ” ra sao sau khi đường ai nấy đi?
- Chúng tôi chia tay nhẹ nhàng, văn minh và không căng thẳng đến mức không nhìn mặt nhau. Khi chuyện không mong muốn xảy ra, cả 2 cùng ngồi lại để thống nhất nuôi dạy con sao cho tốt nhất, để con cảm nhận được sự quan tâm của cả bố lẫn mẹ. Hết duyên là chuyện riêng của 2 người, nhưng tuyệt đối không để điều đó ảnh hưởng đến con. Sau khi chia tay, chúng tôi như những người bạn thân, thậm chí còn thân hơn cả thời còn chung sống. Tôi thường lường trước, chuẩn bị cho những trường hợp xấu nhất để không bị sốc. Nhờ vậy, tôi có tâm thế vững vàng trước những đổ vỡ. Dù có những điều không mong muốn xảy ra, tôi cũng không bao giờ mất niềm tin, suy nghĩ tiêu cực hay đổ lỗi cho bất kỳ điều gì.
- Khi đi qua đổ vỡ hôn nhân mà “bão lòng” không thể quật ngã thì có lẽ trái tim cũng sẽ dễ dàng đón nhận người mới hơn. Chị có nghĩ thế không?
- Tôi bây giờ hướng mọi thứ đến sự an nhiên, tự tại, không cưỡng, không cầu. Nói không có nhu cầu xây dựng cuộc sống mới thì không phải, nhưng cần luôn cân bằng cuộc sống của mình. Tôi cũng 40 tuổi rồi, không còn quá trẻ để mơ mộng và không được phép cho mình sai lầm trong hôn nhân vì nếu sai sẽ không còn cơ hội để làm lại. Tôi giờ quan niệm mọi mối quan hệ đều cần có sự thấu hiểu và người đồng hành với mình phải là người đồng tu.
- “Người đồng tu” ở đây có thể hiện là không cần đại gia, doanh nhân thành đạt mà chỉ cần là người cùng có chí hướng và lối sống giống mình?
- Nếu gặp được một nhân duyên thiện lành trong tương lai, tôi mong người đó có thể đồng hành với mình trong mọi buồn vui cuộc sống. Tôi không đến mức “con chim sợ cành cong” sau khi đổ vỡ hôn nhân, nhưng cũng không vội vàng. Phụ nữ dù mạnh mẽ đến đâu cũng cần một điểm tựa vững chắc, một người đàn ông đủ vững chãi để thấu hiểu. Người có thể xoa đầu mình, coi mình như một đứa trẻ, cùng nắm tay mình đi qua mọi cơ cực đời thường.