Ca sĩ Thái Trinh: Tôi cũng sợ mình chết dần chết mòn vì trầm cảm
10 năm miệt mài với nghệ thuật, Thái Trinh đã có được chỗ đứng riêng trong làng nhạc trẻ Việt.
Không chỉ hát hay, sáng tác tốt, Thái Trinh còn nổi tiếng trên mạng xã hội bằng những status bày tỏ góc nhìn sâu sắc về những gì cô quan sát được trong cuộc sống hàng ngày. Báo Sức khỏe & Đời sống đã thực hiện cuộc trò chuyện với Thái Trinh về một vấn đề rất 'nóng’ hiện nay: Bạo lực mạng.
- Một số nghệ sĩ thường xuyên bị ‘chơi bẩn’ trên mạng xã hội, mà thủ đoạn của kẻ xấu là tung những tin đồn vô căn cứ, thậm chí lập trang Facebook giả lấy tên của nghệ sĩ, rồi post lên đủ thứ lố lăng như ảnh ghép, comment sốc… Trinh có lẽ đã từng trải qua những điều như vậy, bạn lựa chọn cách phản ứng như thế nào?
Thực ra Trinh chưa trải qua nhiều vấn đề như vậy, chỉ riêng việc bị tung những tin đồn vô căn cứ là trải qua rồi. Nếu đó là những comment thoáng qua của một người nào đó, khi vô tình đọc được thì Trinh cho qua. Mình không có nghĩa vụ phải đi giải thích, tường trình cuộc sống riêng của mình với một người không quen biết, huống chi người ta chỉ muốn biết để thỏa sự tò mò chứ không thực sự thương yêu, quan tâm, nâng đỡ mình. Nhưng nếu những lời bôi nhọ, xuyên tạc đó làm ảnh hưởng đến cuộc sống và uy tín của một hoặc nhiều người khác ngoài Trinh, chắc chắn Trinh sẽ lên tiếng.
- Theo Trinh, hành vi bắt nạt trên mạng xuất phát từ những nguyên nhân nào? Tại sao số đông hiện nay chỉ thích ‘hít hà’ drama và sẵn sàng chửi rủa, mạt sát bất cứ nạn nhân nào đó?
Trinh rất thích những quan điểm phân tích tâm lí học đám đông của nhà nghiên cứu Đặng Hoàng Giang. Ông có phân tích rằng, trong đám đông, các thành viên của nó vô danh. Sự vô danh mang lại cảm giác được an toàn, được bảo vệ. Được bảo vệ bởi đám đông, kể cả từ những người bình thường cũng bỗng thấy mình mạnh mẽ, có quyền lực, khiến ta phấn khích không ngừng, sự phấn khích mà đám đông tạo ra đó khiến ta quên đi ý thức, trách nhiệm của mỗi người về hành vi và đạo đức của mình, đánh mất khả năng phán xét, phân tích và họ tự cuốn mình vào những ảnh hưởng phi lí của những người xung quanh.
Trong đám đông, ta thấy cuộc sống thật thú vị, hào hứng. Và trong khoảnh khắc ấy, ta quên đi cuộc sống thường nhật đầy lo âu, chán chường, mệt mỏi. Hơn nữa, có thể thấy xã hội thường thờ ơ với những tin tốt, nhưng sục sôi với những tin xấu, vì nó cung cấp cho ta những cái cớ để phàn nàn, bức xúc, cáu gắt và chê bai. Khi chê trách người khác, ta cũng phát ra một tín hiệu với bản thân và những người xung quanh rằng mình không thờ ơ, không vô cảm, mình vô tội, mình không hành xử ‘thiếu đạo đức’ như thế nếu gặp hoàn cảnh tương tự và mình cũng tự hài lòng vì thấy bản thân tốt đẹp hơn nạn nhân.
- Gõ từ khóa ‘Thái Trinh trầm cảm’ sẽ thấy hiện ra rất nhiều bài viết và những chia sẻ của Trinh. Tại sao Trinh quyết định cởi mở câu chuyện của mình, đặc biệt là khi trầm cảm không phải là căn bệnh có thể dễ dàng chia sẻ?
Đúng! Trầm cảm không dễ dàng chia sẻ do tâm lí sợ mình không được thấu hiểu, sợ bị xa lánh, sợ cái nhìn e ngại, hay sự dè bỉu, xem nhẹ từ những người chưa thật sự có mô thức đúng trong quan niệm về sức khỏe tinh thần. Cũng có khi là vì người bị trầm cảm sợ bị mang tiếng lấy trầm cảm ra làm bia đỡ đạn cho mọi trễ nải, thờ ơ, sai sót hay thiếu cân bằng trong cảm xúc. Tất cả những nỗi sợ đó, Trinh đều có. Thế nhưng Trinh ý thức được rằng nếu mình cất tiếng nói, mình sẽ không cô đơn. Có rất nhiều bạn trẻ giống Trinh cũng cần được cất tiếng nói chung, vì họ cũng chới với mà không tìm được cái nhìn thấu hiểu làm điểm tựa, không tìm được cộng đồng lắng nghe tiếng cầu cứu của mình. Nếu nói Trinh dũng cảm làm vì người khác, Trinh không dám nhận. Đơn giản là vì bản thân Trinh cũng sợ mình chết dần chết mòn vì trầm cảm, đành phải vươn tay ra cầu cứu, hướng đến những ai đã vượt qua thành công mà tìm cho mình con đường chiến đấu đúng đắn.
- Vậy thì, trong thời điểm khủng hoảng nhất, ai đó hay điều gì đó đã kéo Trinh trở lại với những suy nghĩ tích cực?
Thực tế, mình tìm đến cộng đồng, đến đám đông cũng chỉ là biện pháp xoa dịu tâm lí tạm thời để có thêm động lực cố gắng. Chứ đối với trầm cảm, người giúp được mình chỉ có chính mình. Chính mình chữa lành, chính mình kéo mình dậy, chính mình chủ động tìm đến những liệu pháp tích cực khác như nghe pháp thoại, tập thiền, yoga, vận động hay đi ngủ sớm. Chính mình có khao khát muốn làm này làm kia, muốn tìm lại sở thích, thú vui trong khi triệu chứng chính của trầm cảm là khiến mình không muốn tìm lại sở thích, thú vui. Cái khó của trầm cảm nằm ở đó.
- Một số nghệ sĩ cho biết, khi mắc những căn bệnh tâm lí, cực chẳng đã họ mới phải dùng thuốc hỗ trợ, bởi thuốc cũng mang đến những tác dụng phụ không mong muốn. Trinh đã từng trải nghiệm cảm giác này chưa? Nó đáng sợ như thế nào?
Trinh đã được bác sĩ kê đơn và uống trong vòng 1 năm, hệ quả là Trinh tăng 10kg, tác dụng phụ là cơ thể lúc nào cũng muốn ăn, ăn mất kiểm soát. Cân nặng và hình thể là điều quan trọng với người làm giải trí như mình, nên nó là vòng luẩn quẩn không lối thoát. Uống thuốc gây tăng cân, thèm ăn; tăng cân nhiều trở nên ù lì, xấu xí lại sinh tâm lí chán nản, làm trầm trọng thêm bệnh có sẵn. Nhưng để chữa bệnh, khi đó Trinh chỉ biết dùng đến thuốc. Sau này Trinh quyết định dừng thuốc theo liệu trình cai dần của bác sĩ và chuyển sang thiền tâm lí trị liệu, rồi chữa được bệnh. Tất nhiên, với những ai đang trải qua điều này, nếu đang dùng thuốc cũng đừng tự ý bỏ, mà nếu có dừng cũng cần phải theo sát tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
- Có lẽ Trinh cũng thấy mạng xã hội hiện nay vẫn ngập tràn những tiêu cực, phản cảm. Theo Trinh, ngoài việc hiểu biết về luật pháp, nghệ sĩ cần chủ động chuẩn bị những gì để bảo vệ bản thân khi bị bắt nạt trên mạng?
Mỗi nghệ sĩ đều có hai con người, một là để hiến tặng và dành cho sự kì vọng của công chúng, một là đời sống riêng tư của chính mình, dành cho gia đình, người thân hay chỉ dành cho bản thân. Với đời sống riêng tư đó, không bàn đến việc vi phạm pháp luật hay làm điều trái đạo đức sẽ bị lên án đúng đắn như biết bao cá nhân khác trong xã hội, Trinh chỉ hiểu rằng một bộ phận lớn khán giả vẫn khước từ việc nghệ sĩ cũng có hai con người như một người trưởng thành bình thường luôn có và họ sẵn sàng giận dữ hay thất vọng nếu phát hiện phần con người riêng tư kia không sống đúng với kì vọng của họ. Nếu là như vậy, nghệ sĩ cũng phải chuẩn bị một tâm lí và tinh thần vững vàng, ngoài việc có quyết định lên tiếng nếu bị bôi nhọ, bịa đặt và xúc phạm về nhân phẩm để bảo vệ uy tín hay không. Đối với người thật sự hoạt động chân chính và muốn có những cống hiến chất lượng cho nghệ thuật, sức khỏe tinh thần là điều ưu tiên và tối quan trọng.
Cảm ơn Thái Trinh về những chia sẻ!