Ca sĩ Tuấn Ngọc: '77 tuổi tôi vẫn phải học hát, học từ ca sĩ trẻ'

'Ca hát là cả một nghệ thuật và có xu hướng. Mình có thể hát giỏi, hát chuẩn nhưng nếu không học thì sẽ bị hát cũ, xưa, không hợp thời nữa', ca sĩ Tuấn Ngọc tâm sự.

Tuấn Ngọc: "Ca sĩ phải cấp tiến, theo dõi âm nhạc"

Là khách mời trong chương trình "Hoa xuân ca", ca sĩ Tuấn Ngọc có dịp hát chung một tiết mục với 3 nam ca sĩ trẻ là Lân Nhã, Quốc Thiên và Anh Tú.

Chia sẻ về tiết mục, ca sĩ nói anh vui khi hát "Gửi người em gái miền Nam" của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn - Từ Linh.

Ca sĩ Tuấn Ngọc chia sẻ trong chương trình "Hoa xuân ca".

Ca sĩ Tuấn Ngọc chia sẻ trong chương trình "Hoa xuân ca".

"Tôi vui lắm, chương trình rất hay, tôi lại được lựa bài hát tôi đã hát rồi. Đó là một bài rất hay của Đoàn Chuẩn - Từ Linh.

Chỉ có một điều tôi không thích là phải hát cùng 3 ca sĩ đàn em trẻ đẹp, lại cùng đứng chung với tôi. Tôi không thích. Tôi áp lực lắm, mấy cậu đó đẹp trai quá, lại giọng tốt nữa, thành ra tôi rất áp lực.

Nói vậy thôi, tôi nghĩ mình là một nghệ sĩ may mắn, qua bao thời đại vẫn còn được xuất hiện trên sân khấu, được đi hát và có khán giả của mình. Dù không nhiều nhưng họ vẫn giúp tôi có nghị lực để đi hát cho tới tuổi này", nghệ sĩ tâm sự.

Nhận xét về 3 nghệ sĩ hát cùng trong tiết mục, Tuấn Ngọc cho rằng họ đều sở hữu tiếng hát hàng đầu Việt Nam bây giờ. Mỗi người đều có cách hát riêng.

"Đến tuổi 77, tôi vẫn phải học hát, học từ ca sĩ trẻ. Ca hát là cả một nghệ thuật và có xu hướng. Mình có thể hát giỏi, hát chuẩn nhưng nếu không học thì sẽ bị hát cũ, xưa, không hợp thời nữa. Giống như cái áo dù đẹp nhưng nhìn kiểu dáng xưa quá cũng không ai mặc, nghệ thuật là vậy.

Vì thế, người ca sĩ phải cấp tiến, theo dõi âm nhạc. Tôi biết ba ca sĩ trẻ hát cùng tôi đều rất hay nhưng tôi vẫn khuyên các bạn phải cố gắng trau dồi, học hỏi. Lên tới đỉnh đã khó, giữ mình ở trên đỉnh đó còn khó hơn. Tôi cũng vừa nói chuyện với Lân Nhã về điều đó", Tuấn Ngọc bộc bạch.

Trước ý kiến cho rằng Lân Nhã hát quá giống mình, Tuấn Ngọc tâm sự: "Điều này tôi không ngạc nhiên. Ông Beethoven cũng từng nói, không có gì mới lạ dưới ánh sáng mặt trời, chỉ có cách sắp xếp các nốt nhạc sao cho mới lạ thôi.

Tất cả nghệ sĩ đều chịu ảnh hưởng từ người đi trước, dù muốn dù không. Có thể bắt chước như con vẹt lúc đầu như khi tập đi đứng, nói năng. Nhưng sau khi biết đi, phải đi theo cách của mình.

Giai đoạn quan trọng nhất của người nghệ sĩ là phải biết gạt đi ảnh hưởng của người đi trước để tìm được hướng đi riêng, có sự sáng tạo riêng cho mình. Giai đoạn này rất khó và chứng minh sự can đảm của người nghệ sĩ", danh ca gửi gắm.

Từng đi xin hát nhưng không chỗ nào nhận

Khi được hỏi về hình ảnh một danh ca Tuấn Ngọc thường đứng trên sân khấu với phong cách lịch lãm, quý ông, sang trọng, ca sĩ nói ông thể hiện mọi thứ một cách tự nhiên.

Tuấn Ngọc được ví là giọng ca xuất sắc nhất làng tân nhạc Việt Nam qua các bài hát trữ tình sâu lắng.

Tuấn Ngọc được ví là giọng ca xuất sắc nhất làng tân nhạc Việt Nam qua các bài hát trữ tình sâu lắng.

Ông thích những gì đẹp, hay nên luôn ý thức học hỏi, chọn lọc những gì phù hợp với bản thân.

"Cuộc đời tôi tâm đắc câu nói: 'Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng'. Mình phải biết gì tốt và phù hợp với mình, tự nhiên mọi thứ trở nên dễ dàng, từ việc ăn mặc, đến cách chọn bài hát. Chẳng hạn, có bài hát rất nổi, nhưng nếu không phù hợp, đưa bao nhiêu tiền tôi cũng không hát", Tuấn Ngọc cho hay.

Nhớ lại về cơ duyên đến với con đường ca hát, danh ca kể rằng, bố ông người gốc Nam Định, mẹ người gốc Hải Phòng nhưng cả hai vào Đà Lạt sống từ năm 1942. Ông cũng được sinh ra tại đây.

Sinh ra và lớn lên trong một thành phố nhỏ, nhưng mẹ của ông rất thích các con làm ca sĩ nên khi ông 5 tuổi, chị gái ông 10 tuổi đã được mẹ ủng hộ đi hát.

"Mẹ tôi thích lắm. Sau đó, bà cho rằng nếu muốn phát triển, muốn nổi tiếng phải đến những thành phố lớn. Vì vậy, gia đình tôi quyết định vào Sài Gòn sinh sống. Đến năm 17 tuổi tôi bắt đầu đi hát chuyên nghiệp.

Tất nhiên, khi bắt đầu luôn có những khó khăn. Lúc đầu, tôi xin đi hát nhưng không chỗ nào nhận. Đến khi được nhận cũng chỉ là vị trí "lấp chỗ trống", ca sĩ đi trễ tôi mới được hát. Hôm nào ca sĩ đến đúng giờ là đêm đó tôi khỏi hát.

Cuộc đời tôi trải qua hết các cảm xúc từ khi không có gì đến khi được khán giả biết đến. Thú vị lắm", Tuấn Ngọc kể.

"Hát khó lắm"

Chia sẻ thêm về giọng hát và tình hình sức khỏe hiện tại, Tuấn Ngọc cho biết, ông vẫn học hát mỗi ngày. Ca sĩ cho rằng việc ca sĩ "giữ được giọng hát là thụt lùi".

"Hát là bao la, càng tập, càng hát càng thấy mình không biết gì, có như vậy mình mới biết trân quý khán giả", nam ca sĩ bày tỏ.

Danh ca Tuấn Ngọc.

Danh ca Tuấn Ngọc.

Về cách xử lý ca khúc, chính Tuấn Ngọc cũng thấy sự thay đổi trong con người của mình.

"Tôi hát nhạc Mỹ nhiều. Nhạc Mỹ người ta đặt nặng tiết tấu nhiều. Thời trẻ, tôi chỉ để ý tới ý nhạc, muốn hát sao thì hát, bỏ qua tiết tấu nhiều, muốn bỏ nhỏ chữ nào cũng được, không đi theo tiết tấu. Người Mỹ họ nghe cách hát nhịp là biết trình độ của người ca sĩ thế nào.

Tức là khi hát, phải để cái chữ mình hát vào nhịp. Hồi xưa, tôi cứ hát thẳng ra thôi còn giờ tôi chú ý đặt nốt nhạc mình hát ra thật đúng nhạc, đúng tiết tấu.

Tuy nhiên, nếu để ý kỹ thuật nhiều quá thì sẽ mất đi tình cảm, phải biết dung hòa cả hai thứ. Ca hát khó lắm.

Không phải tôi là ca sĩ mà đề cao người biết hát nhưng sự thật là hát khó lắm. Cổ họng là một nhạc cụ, giống như cây đàn, càng ngày càng cũ mòn đi nhưng không thể thay thế bằng một nhạc cụ mới được.

Vì thế, khi hát phải biết lựa theo nhạc cụ đó để hát, không thể đem cách hát lúc trẻ để hát khi đã già vì cổ họng cũ mòn rồi, không thể hát như lúc trẻ được. Nghe lại những đĩa cũ của tôi thì sẽ thấy bây giờ tôi không hát giống hồi xưa nữa. Tôi phải cố tập để hát tốt hơn", Tuấn Ngọc giãi bày.

Để có sự thay đổi đó, ông cho rằng ca hát là một nghệ thuật. "Người ta bảo đánh võ vô chiêu mà thắng hữu chiêu, tức là tưởng không có chiêu thức gì nhưng lại rất nghệ thuật. Hát mà để người ta thấy mình kỹ thuật, cố gắng là thất bại, với tôi là thế. Phải hát sao để thấy như bình thường nhưng thực sự lại rất khó.

Nói chung, tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc, may mắn vì được học là vui rồi, thích rồi. Tôi đến giờ vẫn có con đường học, vẫn được học là nhờ khán giả. Nếu không có khán giả tôi lấy đâu để học. Tôi vừa được đi làm vừa được học, học và thực hành thường xuyên", danh ca tâm sự.

Bạch Dương

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ca-si-tuan-ngoc-77-tuoi-toi-van-phai-hoc-hat-hoc-tu-ca-si-tre-192250120100706595.htm