Ca sĩ Tùng Dương: Biết dũng cảm chán mình để làm dự án mới

Vào đúng ngày 2-9 năm nay, Tùng Dương và nhóm Oplus ra mắt MV 'Việt Nam muôn màu'. Trước đó, tối 30-8, tại Quảng trường Ba Đình, ca sĩ Tùng Dương cất giọng với ca khúc 'Đường chúng ta đi' đầy hào sảng trong chương trình chính luận nghệ thuật 'Lời Người để lại'…

Đó là những hoạt động nằm trong chuỗi những hoạt động không mệt mỏi của Tùng Dương trong năm 2024. Ví dụ như ngày 12-9 tới đây, Tùng Dương cho ra mắt MV “Đàn ông không cần khóc”. Hay như vừa tháng 6 vừa qua, ca sĩ ra mắt MV “Cánh chim Phượng hoàng”...

Trước đó, năm 2023, anh đoạt giải Cống hiến ở hạng mục Nam ca sĩ của năm nối dài chuỗi 13 năm liên tiếp sở hữu giải Cống hiến do các nhà báo bình chọn…

Trong vòng khoảng hơn 2 thập kỷ qua, trong nền âm nhạc nước nhà, báo chí gọi tên khoảng 5-6 diva và hình như chỉ một người là Tùng Dương được đính kèm danh xưng divo. Nhưng diva hay divo thì cũng không quan trọng. Quan trọng là Tùng Dương – hơn 20 năm qua – là nam ca sĩ được nhắc đến nhiều nhất, sáng nhất và bền bỉ nhất trong làng nhạc Việt.

13 lần sở hữu giải Cống hiến do các nhà báo bình chọn cho thấy Tùng Dương là cái bóng khó ai vượt qua hay là sự chững lại của thị trường âm nhạc khi vẫn chỉ Tùng Dương đủ sức bền? Có lẽ chỉ có thể lý giải bằng nỗ lực và năng lượng chưa bao giờ cạn của Tùng Dương.

Tùng Dương là một ca sĩ đã thành danh, đã xác lập chỗ đứng vững chắc cho mình trong làng nhạc Việt, nhưng anh vẫn miệt mài và khát khao với những dự án tìm tòi sáng tạo và với một “năng lượng” dồi dào đáng để khâm phục.

Tôi phỏng vấn Tùng Dương lần đầu vào năm 2013, khi đó ca sĩ đang làm mưa làm gió với bản hit "Chiếc khăn piêu". Ấn tượng từ lần đầu với các lần sau này là không bao giờ Dương trễ hẹn.

Chưa bao giờ chán hát

PV: Khi làm phỏng vấn với các nhà văn, tôi thường nghe họ nói tác phẩm lớn nhất của họ vẫn ở phía trước, tác phẩm lớn nhất là tác phẩm chưa ra đời. Thế còn một ca sĩ cho dù mình đã qua cái thời thanh xuân thì có nghĩ đỉnh cao của mình vẫn là ở phía trước không?

Ca sĩ TÙNG DƯƠNG: Ồ, Dương cũng đồng quan điểm này. Ai cũng có thời trẻ đẹp để cống hiến, thời thanh xuân tươi đẹp nhất của mình, năng động nhất của mình. Nhưng đối với Tùng Dương thì dự án hay nhất của mình chắc là vẫn chưa ra đời, vẫn đang tiềm ẩn ở phía trước.

Nhìn lại hơn 20 năm ca hát, Tùng Dương cảm thấy hài lòng nhất là gì?

13 giải Cống hiến của Tùng Dương
- Album của năm: Những ô màu khối lập phương (2008), Li ti (2011), Human (2021).
- Chương trình của năm: Độc đạo (2014), Thập kỷ hoan ca (2016), Human (2021).
- Bài hát của năm: Chiếc khăn piêu (2013).
- Ca sĩ của năm/Nam ca sĩ của năm: 2005, 2011, 2012, 2014, 2021, 2023.

- 20 năm, một cột mốc của 1 đời người thì cũng quá dài, nhưng với người nghệ sĩ thì đã đánh dấu 1 khoảng thời gian có lẽ là ghi dấu trong lòng công chúng và những trải nghiệm của 1 đời nghệ sĩ đi hát. Đã có kinh nghiệm, và những ký ức đẹp, vui có, buồn có, những thành tựu có, để được công chúng, giới chuyên môn đánh giá ghi nhận.

Sau 20 năm Dương nghĩ rằng đã thực sự trưởng thành, đó là điều mà Dương nhận được. Không phải cứ tự nhận trưởng thành là được mà là cả một quá trình đúc kết bởi những kinh nghiệm sống và những điều mình sáng tạo.

Quan trọng nhất là chưa bao giờ mình chán hát. Mình có thể chán bản thân, luôn luôn làm mới lại mình, phải dũng cảm chán dự án của mình để dũng cảm làm những dự án mới. Đấy không phải bạc bẽo, đấy là cái sự luôn luôn không bao giờ hài lòng chính mình, có thể hài lòng lúc ấy thôi, nhưng mà sau đấy mình sẽ không hài lòng bởi vì mình muốn đi tiếp nữa. Cứ thế bóc từng lớp khả năng trong con người mình.

Đến khi nào mình không còn bóc được nữa thì thôi!

Là một ca sĩ đi qua thời tuổi trẻ với đường đời thênh thang, làm thế nào mà Dương hát sâu và tình đến thế?

- Với Dương được tự do bay bổng không giới hạn trong không gian nghệ thuật của mình sẽ giúp cho mình có cái nhìn luôn mở, phóng khoáng. Dương có cách đón nhận nỗi đau, thất bại nếu nó tới với mình một ngày nào đó. Dương cảm nhận sâu sắc nhất những điều bình dị đang diễn ra xung quanh như lúc mình thở, sống chậm nhịp sống để tìm kiếm sự tinh tế. Nó luôn thường trực trong bản thể mỗi con người, chỉ có điều ta khơi dậy nó bằng cách nào, hay trong Phật pháp, có chữ "giác ngộ", và trên con đường độc đạo thênh thang của người nghệ sĩ, không điều gì ngăn cản giới hạn họ suy tưởng và sáng tạo. Sâu thẳm trong con người nghệ sĩ chính là sự nhân văn. Có sự nhân văn người nghệ sĩ mới hát hay và lâu dài được...

Dân gian đương đại là cột mốc quan trọng

Hơn 20 năm ca hát, Dương đã thay đổi phong cách mấy lần?

- À, câu này rất hay, thay đổi phong cách không phải một sớm một chiều, mà nó là cả 1 nền tảng, cả 1 quá trình.

Khán giả biết đến Tùng Dương thời Sao mai và dân gian đương đại. Đấy là một cuộc định hình chính Tùng Dương, là gốc rễ của giọng hát Tùng Dương. Tức là không gian âm nhạc của mình là dân gian đương đại khiến mình đã được xuất hiện ở Sao mai điểm hẹn và chiến thắng ở đó.

Sau đương nhiên là Dương không dừng lại ở dân gian đương đại. Sau dân gian đương đại là những bài hát trẻ, mới hơn. Và những năm qua như chị thấy là âm nhạc Tùng Dương là tinh thần đương đại giao thoa. Có lẽ Tùng Dương là ca sĩ, nghệ sĩ đa phong cách. Cũng không thể nói là phong cách nào sẽ gắn liền với Tùng Dương mà cứ như thế mình mải miết, mình pha trộn, đào sâu nghiên cứu, khám phá chính tiềm năng ẩn chứa trong mình. Vẫn còn nhiều lắm và mình biết khả năng như thế nào.

Được cái là ông trời cho sự nhạy cảm nhất định cho nên hát dòng nào ra dòng đấy. Hát nhạc jazz ra được cái tinh thần nhạc jazz, hát world music, hát ballad hay là hát rock, dân gian đương đại thì dòng nào cũng vẫn ra được cái tinh thần ấy.

Nhưng mà tự mình nhận thì rực rỡ nhất là thời kỳ nào, với dân gian đương đại thời kỳ nhạc sĩ Lê Minh Sơn, hay thời kỳ kết hợp với nhạc sĩ Nguyên Lê?

- Khó nói nhất là thời kỳ nào rực rỡ nhất, bởi vì hơn 20 năm qua Dương đã đạt được ít nhất là 13 Giải thưởng Cống hiến, thì thấy là ở mỗi dòng nhạc mình đều có sự bứt phá và rực rỡ. Thậm chí là 2 năm Covid-19 ập đến thì Dương được lĩnh 3 Giải thưởng Cống hiến cho Chương trình của năm, Ca sĩ của năm và Album của năm, tức là năm mà Dương được nhiều giải nhất.

Ngay cả khi bén duyên với nhạc rock, trong cuốn album Human, thì có thể thăng hoa hơn so với dân ca đương đại. Nhưng mà đối với dân gian đương đại thì lại là cột mốc rất quan trọng đối với Tùng Dương. Nó không phải là cột mốc duy nhất, nhưng mà nó là cột mốc đầu tiên và đến bây giờ dân gian nằm trong bản thể mình, mình lúc nào cũng đủ tình yêu quê hương đất nước một cách rất là rộng lớn bao la, để mình hát về tình yêu tha thiết với quê hương đất nước bằng những bài hát dân gian đương đại.

Mỗi khán giả có 1 đánh giá khác nhau, cá nhân tôi chẳng hạn thì tôi thích nhất Tùng Dương vào thời điểm hát “Chiếc khăn piêu”. Đấy là lúc mình cho rằng đó là giọng ca nam tính bậc nhất ở Việt Nam, với âm vực rộng và nội lực ghê gớm ở vào giai đoạn đấy. Chắc khán giả khác sẽ có đánh giá khác.

- “Chiếc khăn piêu” thực ra vẫn là dân gian đương đại. Quả thực một bài hát cũ với phần hòa âm phối khí của nhạc sĩ Nguyên Lê là một đột phá. Bản thân Dương cũng không thể ngờ sức mạnh của nó quá lớn, khi mình làm lại mình cũng không thể nghĩ được sức công phá của nó ghê gớm đến như thế. Khi mà 60 năm sau thì “Chiếc khăn piêu” lại được lộn trở lại với một sự thành công ngoạn mục như vậy thì mình biết rằng trách nhiệm gìn giữ cho thế hệ mình những tác phẩm để đời là rất quan trọng.

Bạn đừng nghĩ rằng xem nhẹ việc bạn gìn giữ giá trị truyền thống bởi vì mình là người hậu thế, thế hệ thời bình, chúng ta phải biết ơn những nhạc sĩ gạo cội, những cây cổ thụ của nền âm nhạc Việt Nam.

Ca sĩ Tùng Dương cùng nhóm nhạc Oplus.

Ca sĩ Tùng Dương cùng nhóm nhạc Oplus.

Trời cho giọng hát nhưng hát hay thôi chưa đủ

Trời cho anh bao nhiêu phần, còn bao nhiêu là nhờ nỗ lực mà thành?

- Trời không cho mình cái này như ý nhưng sẽ lại bù đắp cho mình cái khác… Bản năng nghệ sĩ nếu không được nuôi dưỡng sẽ không được lớn mạnh, hoàn thiện và phát triển so với chính mình… Ông trời cho ta giọng hát, nhưng không vì thế mà ta lơ là chủ quan mà càng phải biết trân quý và thấy rằng giọng hát là thế mạnh, là năng lực của mình, nhưng cũng vì thế mà lại hạn chế đi cái khác. Nhiều yếu tố để tạo nên cái vóc của một nghệ sĩ.

Nghĩa là không phải chỉ có chất giọng mà thành ca sĩ?

- Đúng! Dương đang muốn nói đến "cái vóc" của ca sĩ. Hát hay thôi chưa đủ, đạt mới mỹ cảm với sự cộng hưởng từ khán giả đã khó rồi, thì việc cho thấy mình là ai, suy nghĩ của mình thế nào? Câu trả lời ấy không phải ai cũng tự tin trả lời được nếu không vẽ ra được chân dung, cái vóc của mình. Mà cái vóc ở đây chính là tư tưởng nằm sau giọng hát của người ca sĩ.

Hát bằng sự tự hào và tình yêu đất nước

Không chỉ ma mị với dân gian đương đại, với âm nhạc thể nghiệm, anh còn là cái tên được nghĩ tới đầu tiên với những ca khúc cách mạng kháng chiến trong các chương trình âm nhạc chính luận hàng đầu. Bắt đầu từ đâu anh tìm ra hướng đi này?

- Dương hát nhạc cách mạng kháng chiến với tâm thế của tuổi trẻ. Đầy mãnh liệt, khát vọng và hào sảng với tinh thần nối tiếp cha anh mình. Sinh ra trong thời bình nên mình không cảm nhận hết được chiến tranh, không có được cái đau đáu khát khao hòa bình như cha anh. Nhưng bù lại, trong cuộc sống nhộn nhịp hôm nay vẫn mải miết tạo ra các giá trị. Nền tảng của sự sáng tạo luôn là một phần kế thừa và phát huy. Tâm thế khác nhau nhưng vẫn luôn có sự kết nối truyền lửa ấy từ các thế hệ. Dương luôn hát bằng sự tự hào và lòng yêu quê hương đất nước da diết.

Bài hát không có chiều sâu khó có sức sống lâu bền

Với những người không được đào tạo bài bản thì Dương có nghĩ rằng sau những nổi tiếng rất nhanh họ có thể đi xa được không?

- Câu này hay đấy (cười). Xa hay không còn do nỗ lực của mỗi người, chưa nói trước được điều gì. Có những người cũng không phải học hành quá bài bản gì cả hoặc họ là tay ngang, ví dụ như Uyên Linh hay Hà Anh Tuấn thì các bạn cũng rất thành công. Thì Dương nghĩ rằng trong một xã hội hiện đại, thời đại về công nghệ thì việc học bằng sự quan sát để bù đắp lại kiến thức ở nhà trường cũng là điều rất thú vị và đi được xa hay không là do nỗ lực của các bạn.

Nếu ai cũng chạy theo giải trí đơn thuần thì chỉ cần cứ hát bài theo trend là được và Dương nghĩ rằng việc công chúng sẽ nhớ mãi bạn là việc sẽ khó hơn, bởi vì bài hát mà không có ca từ thật sự có chiều sâu, nó rất là nông thì sẽ không có sức sống lâu bền.

Sau hơn 20 năm thì bây giờ Dương thấy mình đằm hơn, hay là phù phiếm hơn?

- Dương chưa bao giờ phù phiếm. Nhưng đúng là có sự nông nổi của tuổi trẻ. Ai trải qua giai đoạn đấy cũng thế. Cũng thích trưng trổ, cũng thích thể hiện, nhưng mà có lẽ sự thể hiện đấy bây giờ nhìn lại thấy mình rất trẻ con. Những năm cắt tóc 3 phân, mặc trang phục của Công Trí, đi chân đất, hát bài “Con cò” rồi đi theo ông Ngọc Đại để hát Nhật thực, là thời kỳ Dương đã muốn làm cái gì nó khác đi, và nó không giống ai. Nhưng bây giờ nhìn lại Dương rất trân trọng những ngày tháng đấy.

Mong một ngày âm nhạc Việt Nam đi ra thế giới

Tùng Dương nhận định như thế nào về thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay?

- Rất sôi động, nhiều nhân tố mới, âm nhạc phát triển một cách văn minh. Tuy nhiên vẫn thiếu những bài hát có những ca từ sâu sắc và triết lý nổi bật, nói đúng hơn là hơi hiếm, chứ không phải là không có, và nó hơi tản mát.

Ít các dự án âm nhạc, ít sự đầu tư về album, hầu như toàn MV, mà MV thì tuổi thọ ngắn hơn và người ta sẽ nghe, xem xong một lần rồi thôi. Không có các ca sĩ hoạch định có một dự án dài hơi để làm nên sự đột phá.

Dự báo của Tùng Dương về xu hướng âm nhạc những năm tới?

- Vẫn còn rất nhiều những bài hát dễ dãi về mặt ca từ, bên cạnh đó với chiều nhìn tích cực thì các bạn trẻ hiện nay rất chuyên nghiệp để tạo dựng nghề, mang thương hiệu cá nhân. Mà như thế thì trong tương lai thị trường âm nhạc trong nước vẫn sôi động nhưng vẫn thiếu tính kết nối với thế giới.

Khoan hãy nhìn về các nước lớn mạnh ở châu Âu hay là Mỹ, chúng ta chỉ cần nhìn thị trường châu Á chúng ta, nhìn ngay sang nước láng giềng thì âm nhạc Việt Nam vẫn chưa ra được với thế giới, dù cơ hội rất nhiều, sự giao lưu cũng rất nhiều. Việc mang bản sắc ra thế giới có thành công được hay không, hay có hội nhập được không là những câu hỏi rất khó có thể trả lời được.

Chúng ta có thể có nhiều MV hàng triệu triệu views, thậm chí còn nhiều views hơn MV của các ngôi sao trên thế giới nhưng tại sao họ vẫn ở đẳng cấp khác và chúng ta vẫn biệt lập với họ.

Đây là câu trả lời bỏ ngỏ và chúng ta chỉ biết nỗ lực hết mình để một ngày nào đấy đưa được âm nhạc của Việt Nam ra bản đồ thế giới với rất nhiều sắc màu, những dự định âm nhạc của các nghệ sĩ thành công.

Dương rất mong điều đấy chứ không chỉ cứ ngồi trong nước, chúng ta phê phán và nhận xét thì nó cũng là manh mún, mà quan trọng nhất là chúng ta phải nhìn tầm vóc của chúng ta với thế giới đang ở ngưỡng nào, sự giao thoa, gặp gỡ nhau, chia sẻ, kết nối ở mức độ nào.

Bản lĩnh đàn ông chính là biết nhường nhịn

Tùng Dương là một trong những người hiếm có scandal, vì Dương là người quá thận trọng trong phát ngôn?

“Mình có thể chán bản thân, luôn luôn làm mới lại mình, phải dũng cảm chán dự án của mình để dũng cảm làm những dự án mới. Đấy không phải bạc bẽo, đấy là cái sự luôn luôn không bao giờ hài lòng chính mình.”

- Scandal có thể gọi tên bất cứ ai nếu chúng ta không có ý thức sống lành mạnh, giữ gìn hình ảnh của mình. 18 tuổi trở lên là chúng ta phải tự lập rồi và có những quyết định chín chắn cho chính mình, đứng đắn thôi chứ chưa gọi là chín chắn đâu. Đến người sấp xỉ trung niên như Tùng Dương rồi nhưng vẫn đang thanh xuân, chưa hết thanh xuân (cười lớn) thì Dương nghĩ rằng càng cẩn trọng hơn rất nhiều đừng xem nhẹ scandal. Dù nó rất là nhẹ thôi, một việc tranh luận trên mạng xã hội thì cũng rất cẩn thận, việc này có đáng để tranh luận hay không.

Phải cân nhắc có nên thẳng thắn quá hay không. Ngày trước, Dương phát ngôn về bolero chẳng hạn đã dẫn đến tranh luận, dư luận chia thành 2 phe, một bên ủng hộ mình, một bên thì không đồng tình. Điều đó thì là lẽ thường thôi. Tuy nhiên có lẽ do hồi đó công chúng chưa đọc kỹ bài báo, mà chỉ nhìn vào tựa đề thôi thì cũng dễ gây hiểu nhầm là Tùng Dương đang phán xét bolero, nhưng hoàn toàn không phải như vậy.

Mình vẫn nhắc đến bolero như dòng nhạc rất quan trọng và có dấu ấn của lịch sử, cái gì của lịch sử chúng ta phải ghi nhận. Nhưng nếu tất cả chúng ta đắm đuối vào một dòng nhạc đã là quá khứ rồi thì chắc chắn nó sẽ cản trở sự phát triển của nền âm nhạc hiện đại.

Tùng Dương chỉ nói và muốn bảo vệ điều đấy, tuy nhiên mọi người nghĩ rằng mình lại chê bai bolero thì có thể một nửa những người họ chưa hiểu họ sẽ lên án mình.

Thế cũng cho Dương một kinh nghiệm, bài học rút ra là nói cái gì cũng phải gãy gọn và chuẩn xác cũng như là phát ngôn cẩn trọng hơn. Dương nghĩ rằng để gây ra sự hiểu lầm với mọi người lại trở thành một scandal thì nó không hay, mình lại bị thiệt. Cho nên đến thời điểm nào cần nói thì sẽ nói nhưng theo một cái cách nào đấy, với mục đích luôn tâm niệm là mong muốn xây dựng âm nhạc Việt Nam phát triển.

Gạt qua tư cách của một nghệ sĩ, mà với tư cách là một người đàn ông thôi thì cái phẩm chất gì theo Tùng Dương là thể hiện sự nam tính nhất?

- Sự nhân văn của mình trong tất cả các mối quan hệ xã hội, đấy là điều cho thấy người đàn ông đã trưởng thành đẹp đẽ nhất. Bản lĩnh đàn ông chính là chúng ta biết nhường nhịn, biết mình không phải lúc nào cũng là trung tâm của mặt trời. Chứ còn những người đàn ông mà vị kỷ, họ chỉ nghĩ rằng họ là nhất thôi thì Dương chắc họ không phải là người hay. Bản lĩnh của người đàn ông không phải cứ khăng khăng cái tôi, mà bạn biết làm điều gì đúng và đối xử tốt với mọi người xung quanh, quyết liệt với cái mình đã lựa chọn.

Xin cảm ơn Tùng Dương!

“Mình có thể chán bản thân, luôn luôn làm mới lại mình, phải dũng cảm chán dự án của mình để dũng cảm làm những dự án mới. Đấy không phải bạc bẽo, đấy là cái sự luôn luôn không bao giờ hài lòng chính mình.”

CẨM THÚY (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ca-si-tung-duong-biet-dung-cam-chan-minh-de-lam-du-an-moi-10290320.html