Cả thế giới đang nhầm lẫn về Amazon thế nào?
Sự gia tăng các đám cháy ở Brazil gây ra cơn bão phẫn nộ trên toàn thế giới với sự tham gia của những người nổi tiếng, các nhà môi trường và các chính trị gia.
Nhiều ý kiến đổ lỗi cho Tổng thống Brazil, Jair Bolsonaro, vì phá hủy khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, Amazon, nơi được gọi là "lá phổi của thế giới". Tuy nhiên, bên cạnh ý nghĩa tốt đẹp của phong trào kêu gọi hành động vì rừng rậm Amazon cũng phát sinh những thông tin sai lệch, theo Forbes.
Mạng xã hội đăng ảnh từ 30 năm trước
Nhiều người nổi tiếng, bao gồm ca sĩ và diễn viên như Madonna và Jaden Smith chia sẻ những bức ảnh trên phương tiện truyền thông xã hội về vụ việc. "Lá phổi Trái đất đang bốc cháy", diễn viên Leonardo DiCaprio cho biết. "Rừng mưa Amazon - lá phổi sản xuất hơn 20% lượng oxy cho hành tinh - đang bốc cháy", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viết. "Rừng mưa Amazon sản xuất hơn 20% oxy cho thế giới" - ngôi sao bóng đá Cristiano Ronaldo viết.
Tuy nhiên những bức ảnh được chia sẻ lại chưa thực sự chính xác là đám cháy đang diễn ra ở Amazon. Bức ảnh mà Ronaldo chia sẻ được chụp ở miền nam Brazil, cách xa Amazon, vào năm 2013. Bức ảnh mà DiCaprio và Macron chia sẻ đã hơn 20 năm tuổi. Bức ảnh Madonna và Smith chia sẻ là hơn 30. Một số người nổi tiếng chia sẻ ảnh từ Montana, Ấn Độ và Thụy Điển.
Một số báo "gỡ rối" cho những bức ảnh và thông tin sai lệch về vụ cháy, nói phá rừng không phải là mới cũng không giới hạn ở một quốc gia, và những đám cháy này không phải do biến đổi khí hậu gây ra.
Hiểu lầm "lá phổi của thế giới"
Nhiều kênh truyền thông lặp đi lặp lại tuyên bố rằng Amazon là lá phổi của thế giới, là nguồn cung cấp oxy lớn trên trái đất. Tuy nhiên, cần nói rõ hơn về sự mệnh danh này, theo các chuyên gia.
"Không có (cơ sở) khoa học đằng sau đó. Amazon tạo ra rất nhiều oxy nhưng nó sử dụng cùng một lượng oxy thông qua quá trình hô hấp nên không tính." - một trong những chuyên gia hàng đầu về Amazon, Dan Nepstad nói.
Việc một số ý kiến cho rằng, "nếu để rừng mưa bị mất đi và không thể khôi phục, khu vực sẽ trở thành savanna, nơi lưu trữ nhiều carbon, có nghĩa là suy giảm "dung tích phổi" của hành tinh, cũng không đúng, theo Nepstad, tác giả chính của báo cáo liên chính phủ gần đây nhất về biến đổi khí hậu. "Amazon sản xuất rất nhiều oxy, nhưng các trang trại đậu nành và đồng cỏ cũng vậy."
Điểm chính cần lưu tâm là có sự gia tăng các đám cháy ở Brazil và cần phải có hành động về vấn đề này.
Truyền thông đang khiến dư luận hiểu lầm
Hiểu lầm "lá phổi" chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Mặc dù số vụ hỏa hoạn trong năm 2019 thực sự cao hơn so với năm 2018, nhưng nó chỉ cao hơn 7% so với mức trung bình của 10 năm trước, Nepstad nói.
Một trong những nhà báo môi trường hàng đầu của Brazil đồng ý rằng cách các phương tiện truyền thông đưa tin về vụ cháy đã gây hiểu lầm. Coutinho cho biết những gì đang diễn ra ở Amazon không phải là chưa từng có. "Hãy xem các tìm kiếm trên web của Google về ‘Amazon', và 'Amazon Forest', theo thời gian. Dư luận toàn cầu không quan tâm đến ’bi kịch Amazon' khi tình hình còn tồi tệ hơn thế này."
Và trong khi các vụ cháy ở Brazil đã gia tăng, không có bằng chứng nào cho thấy các vụ cháy rừng ở Amazon gia tăng, theo chuyên gia.
Cháy rừng ở Amazon bị che khuất bởi tán cây và chỉ gia tăng trong những năm hạn hán. "Chúng ta không biết có vụ cháy rừng nào trong năm nay so với những năm trước hay không" Nepstad nói. Những gì tăng 7% trong năm 2019 là các vụ cháy cây bụi khô và cây bị chặt hạ để chăn thả gia súc như một chiến lược để giành quyền sở hữu đất đai.
Bên cạnh bức tranh vẽ một khu rừng Amazon trên bờ vực biến mất, 80% vẫn còn tồn tại. Một nửa Amazon được bảo vệ theo luật chống phá rừng liên bang.
Cả Nepstad và Coutinho đều nói rằng mối đe dọa thực sự là từ các vụ cháy rừng do tai nạn trong những năm hạn hán, mà biến đổi khí hậu có thể trở nên tồi tệ hơn. Các mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với rừng Amazon là các sự kiện khiến khu rừng dễ bị cháy: lửa- hạn hán- nhiều lửa hơn. Ngày nay, 18 - 20% rừng Amazon vẫn có nguy cơ từ nạn phá rừng.
Trong câu chuyện phân cực và gây chia rẽ về rừng Amazon, điểm đồng thuận chung cần khai thác là mong muốn chống lại hỏa hoạn, các chuyên gia nói.
"Hãy tưởng tượng bạn được thông báo (theo Bộ luật lâm nghiệp liên bang) rằng bạn có thể sử dụng một nửa diện tích đất của mình và sau đó được thông báo rằng bạn chỉ có thể sử dụng 20%. Nông dân thực sự thất vọng. Có những người thích săn bắn và câu cá ở trên đất liền và có thể là đồng minh của chúng ta nhưng chúng ta đã mất họ."
Nepstad nói những hạn chế gây thiệt hại cho nông dân 10 tỷ đô la tiền lãi và phục hồi rừng. Chuyên gia cho rằng áp lực từ truyền thông có thể khiến chính phủ hành động quá mức, trong khi không phải lúc nào người dân cũng đốt rừng vì lý do bất hợp pháp.
Chuyên gia đề xuất cộng đồng bảo tồn cải thiện mối quan hệ với nông dân và tìm kiếm các giải pháp thực dụng hơn. Trong khi đó, một trong những thách thức lớn phải đối mặt với các hãng tin tức về các vấn đề phức tạp đang nổi lên, kéo dài như nạn phá rừng nhiệt đới, là tìm cách thu hút độc giả mà không cần sự kịch tính.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/ca-the-gioi-dang-nham-lan-ve-amazon-nhu-the-nao-d495047.html