Cả thế giới dõi theo chuyến bay của tổng thống Sri Lanka bỏ trốn
Ngày 13/7 trên đất nước Sri Lanka được mở đầu với cuộc tháo chạy trong vội vã và lời hứa từ chức chưa trọn vẹn của vị Tổng thống thất sủng Gotabaya Rajapaksa.
Người dân Sri Lanka thức dậy vào sáng sớm 13/7 trước thông tin Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã bỏ trốn khỏi đất nước. Ông vội vã bỏ lại phía sau lời hứa từ chức để cùng vợ và các cận vệ lên máy bay quân sự tới nước láng giềng Maldives.
Sau gần 2 ngày rời quê nhà, ông Rajapaksa đã đặt chân tới Singapore vào ngày 14/7. Nhưng hành trình của ông vẫn chưa kết thúc.
Vị tổng thống tháo chạy dự kiến nán lại Singapore một khoảng thời gian rồi nhiều khả năng sẽ bay tới Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), AFP dẫn nguồn tin an ninh của Sri Lanka.
Những ngày cuối của một triều đại
Theo CNN, ông Rajapaksa cùng gia đình từng được coi là những người hùng của Sri Lanka. Nhưng tình cảm ấy dần được thay thế bằng nỗi tức giận khi loạt quyết sách của gia tộc Rajapaksa, cùng với tác động từ các yếu tố ngoại cảnh, đã đẩy Sri Lanka vào cảnh khủng hoảng.
Quyền lực kéo dài gần 20 năm của gia tộc Rajapaksa đã bắt đầu rạn nứt khi vị tổng thống tuyên bố tình trạng khẩn cấp tạm thời để ứng phó các cuộc biểu tình chống chính phủ hồi cuối tháng 3.
Lần lượt nội các và thủ tướng Sri Lanka - người cũng là anh trai ông Rajapaksa - từ chức nhưng từng đó là chưa đủ. Đám đông giận dữ vẫn chăng biểu ngữ đòi vị tổng thống từ chức. Ông Rajapaksa mất dần thế đa số ở quốc hội và kể cả người từng là đồng minh cũng kêu gọi ông từ chức.
Mệnh lệnh của ông Rajapaksa cũng mất dần sức nặng. Ngày 8/5, vị tổng thống chỉ thị chuẩn bị sẵn sàng chống bạo động nhưng khi bạo lực bùng phát tại Colombo vào hôm sau, không ai ra tay ngăn cản. Khi cảnh sát hành động, Sri Lanka đã chìm trong bạo loạn.
“Tổng thống gần như cầu xin tướng lĩnh quân đội hành động. Ông ấy rất thất vọng khi quân đội chỉ đứng nhìn mà không làm gì”, ông Nalaka Godahewa, nghị sĩ ủng hộ ông Rajapaksa, nói. Nhưng nhiều quân nhân nói họ không dám can thiệp bởi không muốn chịu trách nhiệm nếu có người thiệt mạng.
Trong nhiều tuần, ông Rajapaksa cố gắng bấu víu, dường như không muốn để triều đại sụp đổ. Nhưng đến cuối cùng, ông không còn lựa chọn nào khác.
Ngày 9/7, vị tổng thống phải chạy khỏi tư dinh để trốn người biểu tình. Khi mạng xã hội lan truyền video người biểu tình nô đùa trong bể bơi riêng của vị tổng thống, ông Rajapaksa cũng gọi điện cho Chủ tịch Quốc hội Mahinda Abeywardana từ nơi trú ẩn và tuyên bố sẽ từ chức vào ngày 13/7.
Đụng độ nhân viên xuất nhập cảnh
Theo luật pháp Sri Lanka, chừng nào ông Rajapaksa còn là tổng thống, ông còn được hưởng đặc quyền không thể bị bắt giữ. Nhưng điều đó cũng có nghĩa nếu ông Rajapaksa còn ở lại đất nước sau khi đã từ chức, không gì có thể đảm bảo sự an toàn của nhà lãnh đạo thất thế.
Trong hai ngày 9-10/7, không ai biết vị tổng thống đang ở đâu. Tới ngày 11/7, các nguồn tin trong quân đội nói với BBC rằng ông Rajapaksa đang ở trên một con tàu hải quân trên biển Sri Lanka.
Tuy nhiên, kế hoạch chạy trốn bằng đường biển bất thành vì tới ngày 12/7, AFP đưa tin ông vẫn đang ở phòng VIP của sân bay Bandaranaike. Đêm trước, vị tổng thống đã để lỡ 4 chuyến bay có thể đến UAE và phải nghỉ tại căn cứ quân sự gần đó.
Nguyên nhân là cán bộ xuất nhập cảnh từ chối tới tận phòng VIP để đóng dấu hộ chiếu cho vị tổng thống, trong khi ông Rajapaksa kiên quyết không chịu đi qua quầy xử lý chung vì sợ chạm trán người dân, một quan chức an ninh cho biết, theo AFP.
Cuối cùng, ông Rajapaksa đã có thể rời đất nước sau khi lên một chiếc máy bay quân sự vào sáng sớm 13/7 để tới Maldives, một quan chức xuất nhập cảnh nói với Wall Street Journal. Vị quan chức nói không có căn cứ pháp lý để từ chối cho phép ông xuất cảnh.
“Tại thời điểm rời đi, ông ấy vẫn là tổng thống”, vị quan chức này nói.
Một số người dân ăn mừng vì vị tổng thống đã rời khỏi đất nước, nhưng số khác cho rằng điều này chẳng khác gì công lý chưa trọn vẹn. “Chúng tôi muốn giữ ông ấy lại. Chúng tôi muốn tống toàn bộ gia đình Rajapaksa vào nhà tù ngỏ để họ làm ruộng”, GP Nimal, một người biểu tình, nói với BBC.
Từ chức qua email
Ngay khi hay tin chuyến bay chở ông Rajapaksa cùng vợ và hai cận vệ sẽ đến Maldives, người Sri Lanka trú tại đảo quốc láng giềng hôm 13/7 xuống đường phản đối. Họ yêu cầu chính quyền sở tại không tiếp nhận vị tổng thống tháo chạy.
Ngày 14/7, truyền thông Maldives cho biết Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã qua đêm tại khu nghỉ mát siêu sang Waldorf Astoria Ithaafushi. Giá thuê một đêm ở khu resort này có thể lên đến hàng nghìn USD.
Trong khi đó, hoàn cảnh của người dân Sri Lanka đang rất ngặt nghèo. Khoảng 80% người Sri Lanka phải bỏ bữa vì tình hình khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, theo AFP.
Từ Maldives, ông Rajapaksa gọi về cho Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Mahinda Yapa Abeywardana để chỉ định thủ tướng làm quyền tổng thống. Tuy nhiên, quyết định ấy chỉ càng đổ thêm dầu vào lửa vì ngày 13/7 đã gần trôi qua nhưng lá thư từ chức của ông Rajapaksa vẫn chưa xuất hiện trong tay chủ tịch quốc hội như lời hứa.
Trong lúc biểu tình tiếp diễn tại Colombo, ông Rajapaksa vẫn tiếp tục hành trình chạy trốn. Ngày 14/7, hai vợ chồng ông lên chuyến bay của hãng Saudia để khởi hành từ Maldives tới Singapore.
Chỉ sau thời gian ngắn, chuyến bay này đã nhận được sự chú ý nhiều nhất thế giới, với gần 5.000 người dùng theo dõi vào lúc 14h43 (giờ Việt Nam), theo dữ liệu của Flightradar24. Con số này nhiều gấp 3 lần số người theo dõi một chiếc máy bay của Không quân Pháp ở châu Âu.
Chuyến bay chở vị tổng thống cuối cùng hạ cánh tại sân bay Changi vào lúc 19h17 ngày 14/7, theo AFP. Một số người Sri Lanka đã đợi sẵn ở khu vực đến để bày tỏ tức giận đối với vị tổng thống.
Nói với Reuters, tiếp viên hàng không trên chuyến bay cho biết vị tổng thống mặc đồ đen, ngồi khoang thương gia cùng vợ và hai cận vệ. Họ mô tả ông “trầm lắng” và “thân thiện”.
Singapore tuyên bố Tổng thống Rajapaksa được phép nhập cảnh với lý do đây là chuyến thăm cá nhân, không phải vì đảo quốc sư tử cho ông tị nạn, theo AFP.
“Điều đã được xác nhận là ông Rajapaksa được phép nhập cảnh Singapore với lý do chuyến thăm cá nhân”, Bộ Ngoại giao Singapore nói.
“Ông ấy chưa xin tị nạn và cũng chưa được cho phép tị nạn. Singapore nói chung không chấp nhận yêu cầu xin tị nạn”.
Ít lâu sau khi ông Rajapaksa tới Singapore, Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết vị tổng thống cuối cùng cũng gửi thư từ chức cho Quốc hội Sri Lanka qua email. Bản gốc lá thư sau đó cũng được gửi từ Singapore tới Colombo và được trao tới tay chủ tịch quốc hội, theo Reuters.
Văn phòng Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka cho biết sẽ xác thực lá thư, hoàn tất mọi quy trình pháp lý và ra tuyên bố chính thức về việc ông Rajapaksa từ chức vào ngày 15/7.