'Cá tính' vùng đất xứ Thanh trong cái nhìn địa - chính trị
Trong lịch sử Việt Nam, tỉnh Thanh Hóa là một thực thể địa lý bao gồm hai tính chất đối nghịch: Vừa là vùng đất khép kín có cấu trúc tự trị khá hoàn chỉnh, đồng thời, lại là vùng đất nằm ở vị trí trung chuyển giữa các con đường. Trong đó, đường bộ thiên lý (đường ở đồng bằng ven biển), thượng đạo (đường trên miền núi) và đường thủy (đường biển và sông) đều có tầm quan trọng vừa cho vùng đất, lại vừa cho cả quốc gia. Chính vị trí địa – chính trị đặc thù ấy đã góp vào quy định địa – tâm lý, cá tính vùng miền xứ Thanh.
Xứ Thanh, ngoài tính khép kín do chỉnh thể địa lý mang lại còn nằm ở vị trí trung chuyển quan trọng trong sơ đồ địa lý quốc gia (ảnh: Minh họa).
Quá khứ khép kín của địa lý Thanh Hóa được tạo nên bởi sự vây phủ của núi. Phía Bắc, dãy Tam Điệp hiểm trở ứng với cửa Thần Phù dữ dằn ngăn cách Thanh Hóa với miền Bắc. Phía Nam, dãy Hoàng Mai ăn ra tận biển, ngăn cách Thanh Hóa với Nghệ An. Về phía Tây, khối núi Trường Sơn khổng lồ dâng cao ngăn miền núi Thanh Hóa với vương quốc Ai Lao. Tuy thế, quá khứ khép kín không phải là một mối đe dọa cho vùng đất, khi vùng đất này, có thể tự túc để tồn tại nên do đó, khép kín trong một nghĩa nào đấy lại tạo nên lợi thế địa chính trị không nơi nào có. Thanh Hóa, đúng như các học giả Đông Dương nhận thấy, là một nước Việt Nam thu nhỏ khi có trong mình cả địa hình núi, trung du, đồng bằng và biển cả. Châu thổ sông Mã không quá trù phú nhưng đủ nuôi sống người Kinh/Việt của tỉnh trong quá khứ. Miền núi thì luôn phong túc, không biết đến sự đe dọa của nạn đói vốn ám ảnh lịch sử Việt Nam trong quá khứ. Thanh Hóa do đó khác với Bắc bộ, nơi đứt gãy địa lý miền núi và đồng bằng là rõ nét, vì thế, dân miền núi và dân Việt/Kinh ở châu thổ sông Hồng ít có sự giao lưu với nhau mật thiết. Tỉnh Thanh Hóa, địa lý đồng bằng và miền núi có một sự chuyển tiếp khá nhịp nhàng, nên vì thế, các khối dân trong tỉnh từ khởi thủy đã có sự giao lưu sâu đậm. Sự tổng hợp Việt – Mường – Thái ở tỉnh Thanh Hóa chính là do địa lý giao thông dễ tiếp cận nhào trộn, hòa lẫn nhiều trăm năm mà tựu thành.
Tuy khép kín nhưng lại nằm ở cực Nam của Đại Việt trong quá khứ, nên trên đà Nam tiến của dân tộc, các khối người Việt miền Bắc buộc phải tràn qua đây để lấn vào phương Nam. Tỉnh Thanh Hóa, do đó, tự nhiên trở thành một mắt xích địa lý giao thông quan trọng trên cả đường biển, sông, thiên lý Bắc – Nam và nhất là thượng đạo trên cao. Chính yếu tố này, khiến vùng đất không thể kín hoàn toàn mà phải gia tăng tính chất mở.
Biện chứng khép – mở này của địa lý giao thông vùng đất, chắc chắn đã góp phần vào quy định các tính cách tập thể cư dân tỉnh Thanh Hóa. Trong một ý nghĩa khái quát ban đầu, số phận của “tiểu vùng văn hóa” này được minh chứng sinh động, thuyết phục qua những “lát cắt” sau:
Thanh Hóa là một vùng đất trọng điểm của quốc gia, nơi mà phần lớn các thế lực chính trị Trung đại có nguồn gốc từ các nhóm Thanh Hóa (có thể nói, về cơ bản chỉ loại trừ hai vương triều Lý – Trần). Vì thế, Thanh Hóa là vùng đất của các truyền thống quật khởi, anh hùng của chủ nghĩa yêu nước mãnh liệt – nếu chủ nghĩa yêu nước được hiểu ở lớp nghĩa nổi trội quen thuộc lâu nay là kháng chiến chống ngoại xâm.
Thanh Hóa trong quá khứ là đất của vùng biên viễn. Địa lý Thanh Hóa luôn là điểm giáp ranh của Đại Việt và Chăm Pa, Ai Lao và sau này, phần nào đấy là Đàng Trong và Đàng Ngoài. Được quy định bởi địa lý gián cách với ảnh hưởng phương Bắc và cơ cấu đa tộc người, mô hình Hán hóa nếu có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn ở châu thổ Bắc bộ thì nó đã mờ nhạt đi ở Thanh Hóa. Lịch sử đã cho biết, chưa bao giờ những vùng đất trọng Nho học, hay nhà Nho - những người theo đuổi trật tự tôn quân lại có thể lên nắm chính quyền, bởi với họ, duy trì trật tự mới là lý tưởng Nho giáo, còn nổi loạn là phản nghịch, bất trung. Tuy thế, ở Việt Nam trong quá khứ, các hào trưởng, các thủ lĩnh địa phương, các phụ đạo, những người không quá coi trọng chủ nghĩa tôn quân, đức trung nhà Nho mới là những người nắm vận mệnh quyền lực quốc gia. Các thủ lĩnh gốc Thanh Hóa xuất thân chủ yếu hào trưởng, võ tướng có những mối liên hệ mật thiết với quyền lực tộc người. Vùng đất này, vì thế, đại diện cho cá tính “nổi loạn” vốn là khởi nguồn của chủ nghĩa anh hùng, quật khởi trong quá khứ.
Thanh Hóa là một vùng đất trong tư cách chỉnh thể tự trị khá cao do tính chất địa lý đưa lại, người xứ Thanh trước sự quá tải dân số đầu thế kỷ XX, như Robequain nhìn thấy, họ không cần phải tiến hành các giao lưu bên ngoài để phục vụ cuộc sống, vì, xứ sở này đã cung cấp cho họ đầy đủ tất cả các nhu cầu thiết yếu. Điều này, tạo thành tính khép kín của văn hóa xứ Thanh. Tính khép kín trong cư trú sẽ tạo nên sự cố kết chặt, sự đoàn kết tạo bởi mối liên hệ nội bộ của con người trong vùng đất. Vì thế, vào những thời điểm gay cấn của lịch sử, như khởi nghĩa Lam Sơn, nhóm Thanh Hóa đa tộc người này đã dễ dàng hơn trong sự chia sẻ một ý đồ chung phục quốc. Đó là cội nguồn của sự đoàn kết khi khơi gợi nên những tình cảm gắn bó chung với một vùng đất mà ký ức địa lý về nó luôn rất ổn định. Tuy thế, trong những hoàn cảnh xã hội phi chiến tranh và nhất là trong bối cảnh cần sự giao lưu mở rộng (như thời hiện đại) để phát triển thì tính khép kín lại trở thành tính cục bộ địa phương gây cản trở quá trình hợp tác và phát triển chung. Cần ý thức điểm mạnh và yếu này trong địa – chính trị, tâm lý lịch sử của tỉnh để có thể điều chỉnh hài hòa thì mới phát huy được hết nội lực của tỉnh.
Thanh Hóa, ngoài tính khép kín do chỉnh thể địa lý mang lại, như đã bàn ở trên nó còn nằm ở vị trí trung chuyển của quốc gia. Mà chính vị trí trung chuyển của một xứ khép kín này mới là nơi mà trọng tâm vấn đề rơi vào. Là điểm trung chuyển, Thanh Hóa có vị trí quan trọng trong sơ đồ địa lý quốc gia. Bước chân vào thời hiện đại, tính chất trung chuyển ấy càng được đề cao và trở nên quan trọng trong sự phát triển về mọi mặt của vùng đất vốn đã được tạo hóa ưu ái ban tặng cho quá nhiều đặc ân.
Cũng như bất cứ tỉnh, xứ, vùng, miền nào khác trong nước Việt Nam, cá tính của vùng đất là tổng hòa của nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, những đặc trưng về địa – chính trị, văn hóa góp phần to lớn, hun đúc nên cá tính của vùng đất ấy. Và lẽ dĩ nhiên, song hành với nó luôn có hai mặt tích cực và tiêu cực. Việc xây dựng con người theo những xu hướng thường đòi hỏi chúng ta phải nhận thức được cả hai mặt ưu và nhược, để từ đó, dù có hơi sáo ngữ, nhưng đúng là vậy, cần phải tạo dựng các chiến lược phát triển giáo dục con người theo hướng hạn chế cái nhược và phát huy ưu điểm của con người trong một vùng đất mà hàng năm lịch sử luôn là trái tim của nước Việt Nam.