Ca trù đang có đội ngũ kế cận đông đảo

Theo nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, ca trù đang trong giai đoạn chấn hưng khi lớp trẻ ngày một yêu thích và tham gia góp mặt nhiều hơn. Đặc biệt, các câu lạc bộ ca trù hiện nay đã sống được với nghề, đây là điều kiện quan trọng để loại hình nghệ thuật này phát triển và lan tỏa trong đời sống xã hội.

Tìm kiếm đào nương, kép đàn tài năng

Tiếp nối sự thành công của Liên hoan tài năng trẻ ca trù Hà Nội năm 2016, năm nay, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội lần thứ hai tạo ra sân chơi dành cho những người trẻ thử sức và thể hiện tình yêu với bộ môn nghệ thuật truyền thống. Sự kiện được tổ chức nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật ca trù, động viên, thúc đẩy hoạt động truyền dạy, thực hành ca trù cơ sở, đồng thời phát hiện, bồi dưỡng các tài năng trẻ, đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá ca trù tới đông đảo các thành phần quần chúng nhân dân.

Theo thông tin của Ban Tổ chức, thí sinh tham dự liên hoan lần này trong độ tuổi từ 4 đến 30 tuổi. Đây là những tài năng trẻ đến từ các câu lạc bộ ca trù trên địa bàn thành phố hoặc sinh hoạt tự do, biết đàn giỏi, hát hay, múa khéo các thể cách cơ bản, kinh điển. Đến nay, Ban Tổ chức đã nhận được đăng ký của 8 nhóm, câu lạc bộ ca trù trên địa bàn Hà Nội và 3 thí sinh tự do. 30 thí sinh sẽ dự thi hát múa tập thể, 26 thí sinh dự thi đào nương, kép đàn và trống chầu. Qua cuộc thi, Ban Tổ chức mong muốn sẽ tiếp tục tìm kiếm đào nương, kép đàn tài năng xuất sắc. Ngoài việc hát hay, đàn giỏi các thể cách cơ bản, các tài năng triển vọng còn nắm giữ được nhiều thể cách ca trù kinh điển và khó, được Ban giám khảo chọn qua việc yêu cầu bốc thăm hát thêm một số thể cách bất kỳ.

Nhìn vào danh sách các thí sinh dự thi và độ tuổi rất trẻ của các tài năng lần này, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan đã bày tỏ sự vui mừng khi ngày càng xuất hiện nhiều người trẻ tham gia thử sức ở bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Đặc biệt, không chỉ ở Hà Nội, phong trào yêu ca trù còn lan ra khắp các tỉnh thành trong cả nước. Và từ đây, đã xuất hiện các nhân tố mới, bổ sung cho lực lượng nghệ nhân đang ở độ tuổi “gần đất xa trời”. Cũng nhờ phong trào ca trù phát triển, nhiều bí quyết nhà nghề và các ngón nghề gia truyền đã được truyền tới lớp thế hệ hậu sinh, giải tỏa những lo lắng, băn khoăn của giới nghiên cứu về sự ra đi của các nghệ nhân cao tuổi khi chưa kịp trao truyền cho con cháu.

Ca trù đã nuôi sống được người làm nghề

Cũng theo nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, không chỉ có lớp trẻ mà ca trù đã có sự góp mặt của các giọng ca chuyên nghiệp, cùng tham gia vào quá trình tái tạo và phục dựng bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Hà Nội là địa phương làm tốt nhất việc gây dựng phong trào hát ca trù trở lại. Với lực lượng kế cận hùng hậu, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan bày tỏ niềm vui mừng khi ca trù đang từng ngày hồi sinh và phát triển bền vững. Bởi phần lớn các đào nương trẻ đều hát rất đúng các thể cách và họ đã sống được bằng nghề. Ca trù không còn là thú chơi mà đã nuôi sống những người gắn bó với nó.

Để tạo ra sân chơi lần này, Sở VH-TT Hà Nội đã tạo mối liên hệ thường xuyên với các câu lạc bộ ca trù trên địa bàn. Và không phải ai học ca trù cũng có thể dự thi liên hoan lần này. Bởi để học được một thể cách của ca trù rất lâu và khó. Hát đã khó, học lời thoại lại càng khó và còn cần biết trình diễn. Một bài của ca trù, các tài năng trẻ phải học tới 1 năm. Do vậy, số lượng dự thi ngay từ đầu đã mang tính chọn lọc và chuẩn về thể cách.

Bà Bùi Hương Thủy, Phó Phòng Quản lý di sản (Sở VH-TT Hà Nội) cho biết, so với năm 2016, số lượng các thí sinh dự thi không tăng vọt nhưng tinh về chất lượng. Đó là niềm vui của giới ca trù cả nước với số lượng tài năng trẻ yêu nghề và đam mê với tiếng phách, tiếng xênh đông đảo. Sở VH-TT Hà Nội luôn cố gắng chung tay cùng các nghệ nhân trong công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể này.

Liên hoan Tài năng trẻ ca trù Hà Nội lần thứ hai năm 2019 được tổ chức vào ngày 2-11 tại Nhà Thái học - Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (58 phố Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội). Nội dung Liên hoan bám sát với tình hình, thực trạng hoạt động của các câu lạc bộ, tạo điều kiện để các tài năng trẻ thể hiện khả năng, là nơi giao lưu học hỏi tăng cường chuyên môn, đẩy mạnh hiệu quả hoạt động bảo tồn thực hành di sản. Liên hoan là hoạt động chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam lần thứ 15 (23-11-2005 / 23-11-2019).

Thanh Xuân

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/ca-tru-dang-co-doi-ngu-ke-can-dong-dao/831089.antd