Ca tử vong do COVID-19 tăng cao tại Mỹ và Nga

Trong 24 giờ qua, số ca tử vong do COVID-19 bất ngờ tăng gấp đôi trong khi Nga ghi nhận số người thiệt mạng cao nhất kể từ đầu dịch.

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 13/10 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 239.394.135 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.879.141 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 351.809 và 6.122 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 216.645.498 người, 17.869.496 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 81.370 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới với 58.856 ca nhiễm mới; tiếp theo là Anh với 38.520 ca và Thổ Nhĩ Kỳ 33.860 ca. Mỹ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới, với 1.190 trường hợp, tăng gấp hơn 2 lần so với ngày trước đó chỉ là 520 ca; tiếp theo là Nga với 973 ca; và Ukraine 352 ca.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Moskva, Nga. Ảnh: TASS

Với việc phát sinh thêm 973 ca tử vong, đây là con số cao nhất tại Nga kể từ khi đại dịch bắt đầu và nước này cũng ghi nhận 28.190 ca nhiễm mới trong ngày 12/10, đưa tổng số người nhiễm bệnh kể từ đầu đại dịch lên hơn 7,8 triệu người. Do sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh, nhiều địa phương ở Nga đã thắt chặt các hạn chế. Bên cạnh đó, chính phủ Nga đang đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm, nguy cơ mắc bệnh nặng.

Theo ông Denis Protsenko, bác sĩ trưởng của bệnh viện điều trị COVID-19 số 1 tại Kommunarka, thủ đô Moskva, cơ sở y tế này đang nhanh chóng chật kín bệnh nhân, và tình hình ở khoa hồi sức cấp cứu cũng khó khăn do lượng bệnh nhân quá đông. Ông Protsenko lưu ý rằng tình hình dịch bệnh tồi tệ dự kiến sẽ xảy ra do thời gian kết thúc kỳ nghỉ và vào đầu năm học, cũng như các bệnh truyền nhiễm thường gia tăng trong mùa Thu.

Ông Denis Protsenko cũng nhấn mạnh rằng, chính quyền thành phố Moskva đang làm đúng và cách duy nhất là tổ chức xét nghiệm miễn phí bằng xét nghiệm nhanh. Ông cũng nhấn mạnh điều đặc biệt quan trọng là phải tiến hành xét nghiệm trong trường học, vì trẻ em thường bị nhiễm nhẹ và không có triệu chứng, nhưng có thể dễ dàng lây nhiễm cho cha mẹ hoặc ông bà, những người có tỷ lệ tử vong cao.

Trong khi đó, Tổng thống Vladimir Putin kêu gọi nước Nga cần tăng cường chiến dịch tiêm phòng. Ông nhấn mạnh Nga đã phát triển vaccine Sputnik rất nhanh và sớm, từ khi dịch bùng phát hồi năm 2020, nhưng tốc độ tiêm phòng lại rất chậm.

Tại Mỹ, đa phần những người đủ điều kiện tiêm chủng nhưng chưa tiêm vaccine COVID-19 là những người từ chối kiên quyết. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, bức tranh tiêm chủng toàn cảnh tại Mỹ đã có bước tiến lớn trong thời gian qua. Hàng triệu người đã quyết định tiêm vaccine ngừa COVID-19, nhiều người trong số này hành động vào phút chót, hoặc là do bắt buộc, hoặc là do lo sợ trước biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao. Giới chức y tế công tại Mỹ nhìn nhận việc số ca mắc mới COVID-19 giảm tại nhiều bang gần đây là một tín hiệu nữa cho thấy thành công của chiến dịch tiêm chủng.

Nhưng tại Mỹ vẫn còn hàng triệu người trưởng thành và không thuộc diện bắt buộc phải tiêm chủng. Giới nghiên cứu về hành vi vaccine lo sợ Mỹ đang “đụng trần” trong việc thuyết phục người dân tiêm chủng, một mức trần thấp hơn nhiều so với ngưỡng cần có để có thể đạt được miễn dịch rộng trước biến thể Delta và có thể là cả các biến thể khác xuất hiện trong tương lai.

“Đến một ngày nào đó, đơn giản là chúng ta đụng phải bức tường. Đó là khi những người muốn tiêm đã được tiêm hết và không còn ai sót lại”, tiến sĩ Steven Furr, một bác sĩ gia đình tại vùng Jackson, bang Alabama nói.

Hiện có khoảng 56% dân số Mỹ đã tiêm đủ hai liều vaccine. Đó là ngưỡng mà lúc đầu giới chuyên gia Mỹ nhận định đã đạt miễn dịch cộng đồng. Nhưng khi biến thể Delta xuất hiện và càn quét trên khắp thế giới, ngưỡng này được cảnh báo phải đẩy lên 90%, đồng nghĩa với việc nước Mỹ còn cả một chặng đường dài phía trước.

Theo khảo sát của Quỹ Kaiser Family, số người nói rằng sẽ không bao giờ tiêm vaccine - “số nói không tuyệt đối”, vẫn giữ tỷ lệ ổn định từ 12-15% trong suốt 9 tháng qua. Trong khi đó số do dự tiêm vaccine đã giảm từ 39% hồi tháng 12/2020 xuống chỉ còn 7% vào cuối tháng 9. Đây cũng là lực lượng đóng góp nhiều nhất giúp gia tăng độ che phủ của vaccine tại Mỹ. Cùng với đó là khoảng 4% nói rằng sẽ tiêm ngừa nếu như đây là điều kiện bắt buộc.

Số bệnh nhân COVID-19 tử vong tăng vọt tại Mỹ trong ngày 12/10. Ảnh: New York Times

Quyết định về tiêm mũi tăng cường của Mỹ gần đây cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương tạo ra tâm lý nghi ngờ lớn hơn ở những người “nói không tuyệt đối”. Khảo sát do Quỹ Kaiser Family thực hiện cho thấy 71% số người chưa tiêm nói rằng việc cần phải tiêm mũi tăng cường chứng tỏ vaccine không hiệu quả.

Khi thuyết phục người đã tiêm vaccine và đủ điều kiện tiêm mũi tăng cường, các bác sĩ sẽ lại phải đau đầu trước câu hỏi tại sao cần đến mũi tiêm thứ ba khi tiếp cận những người chưa tiêm mũi nào. “Giữa mũi tăng cường và nhóm chưa tiêm vaccine, đó hoàn toàn là hai chiến dịch khác biệt”, tiến sĩ Jennifer Avegno, Giám đốc Sở Y tế New Orleans chia sẻ.

Một thách thức khác đến từ thông điệp không nhất quán giữa Nhà Trắng và các cơ quan y tế liên bang. Tháng 8/2021, chính quyền Tổng thống Joe Biden nói rằng muốn tiêm mũi tăng cường cho tất cả người trưởng thành sau 8 tháng kể từ thời điểm tiêm mũi đầu tiên. Ý tưởng này nhận được sự ủng hộ của Giám đốc Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) Rochelle Walensky cũng như cố vấn trưởng Nhà Trắng về xử lý khủng hoảng COVID-19, ông Anthony Fauci.

Đến trung tuần tháng 9, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) nói rằng tiêm mũi tăng cường cho toàn dân là không cần thiết. Và đến cuối tháng, FDA đã quyết định chỉ tiêm mũi tăng cường cho một số đối tượng nhất định, đó là người trên 65 tuổi và người có nguy cơ cao về nhiễm COVID-19 thể nặng. Mũi tăng cường sẽ được thực hiện ít nhất là 6 tháng sau khi hoàn tất mũi thứ hai. CDC sau đó lại quay sang ủng hộ kế hoạch này.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ca-tu-vong-do-covid-19-tang-cao-tai-my-va-nga-post161173.html