Ca ung thư cổ xưa nhất ở người
Trường hợp ung thư sớm nhất từng được ghi nhận ở người là ung thư xương. Đây cũng là căn bệnh được phát hiện ở những động vật thời tiền sử.
Trường hợp ung thư sớm nhất
Ung thư nghe giống một căn bệnh thời hiện đại nhưng thực chất nó đã ảnh hưởng tới con người từ rất lâu. Các nhà khoa học đã tìm được nhiều hài cốt người tiền sử cho thấy sự hiện diện của căn bệnh ung thư. Vậy trường hợp ung thư sớm nhất từng được ghi nhận là gì?
Bằng chứng sớm nhất về ung thư ở người thuộc về họ hàng của người hiện đại sống cách đây khoảng 1,7 triệu năm. Cá thể này có thể thuộc loài Paranthropus Robustus hoặc Homo Ergaster, phải sống với khối u ác tính ở xương ngón chân trái.
Các nhà khảo cổ học đã phát hiện bộ xương bên trong hang Swartkrans, mỏ đá vôi ở Nam Phi. Nơi đây còn được gọi là “Cái nôi của loài người” vì tập trung số lượng hài cốt họ hàng của người hiện đại lớn nhất thế giới.
Các nhà nghiên cứu đã so sánh ảnh chụp cắt lớp vi tính (CT) của hóa thạch xương ngón chân với hình ảnh ngày nay của các trường hợp mắc osteosarcoma, một dạng ung thư bắt đầu từ các tế bào hình thành xương.
Họ phát hiện hình dạng giống như súp lơ đặc trưng của u xương ác tính. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí South African Journal of Science năm 2016.
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, ngày nay, ung thư xương osteosarcoma là một trong những căn bệnh ung thư phổ biến nhất ở người và có thể bắt gặp ở mọi lứa tuổi, dù thường gặp nhất ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trẻ. Cá thể mắc ung thư trong hang Swartkrans chưa được xác định tuổi nhưng có vẻ đã trưởng thành.
Mỗi năm, Mỹ ghi nhận 800 - 900 trường hợp mắc ung thư xương. Nó thường di căn đến phổi, não, các cơ quan hoặc xương khác.
Còn theo một nghiên cứu khác trên tạp chí South African Journal of Science năm 2016, các chuyên gia phát hiện một khối u lành tính, thậm chí còn xuất hiện cổ xưa hơn tại một cá thể thuộc loài Australopithecus sediba, họ hàng của con người 1,9 triệu năm trước.
Sở dĩ các trường hợp ung thư lâu đời nhất được biết đến là ở xương vì các cơ quan, da và các mô mềm khác dễ bị phân hủy hơn xương.
Ông Bruce Rothschild, nhà cổ sinh vật có xương sống tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Carnegie, Mỹ, cho biết: “Xương là một trong số ít các mô có thể tồn tại trong hồ sơ hóa thạch”.
Tuy nhiên, ngay cả khi ung thư còn xuất hiện trong hóa thạch, căn bệnh này không thể nhìn thấy bằng mắt thường và phải kiểm tra kỹ hơn mới có thể phát hiện. Đó là trường hợp của cá thể mắc ung thư còn dấu vết ở xương ngón chân.
Ông Rothschild cho hay: “Khoảng một phần ba số ca ung thư sẽ tự biểu hiện. Nhưng các nhà khoa học cần phải chụp X-quang để xác định xem có gì ẩn bên trong xương hay không. Khi liên quan đến xương, đa số nhà nghiên cứu bệnh học ngày nay đều xem ảnh X-quang trước khi đưa ra chẩn đoán về khối u”.
Căn bệnh bí ẩn
Mặc dù xương ngón chân là trường hợp ung thư sớm nhất được ghi nhận ở loài người đã có cách đây 1,7 triệu năm, nhưng hồ sơ ghi chép đầu tiên về bệnh ung thư xuất hiện rất lâu sau đó.
Vào năm 3.000 trước Công nguyên, Imhotep, nhà toán học, bác sĩ kiêm kiến trúc sư người Ai Cập cổ đại, đã biên soạn một cuốn sách giáo khoa về chấn thương cơ thể và các quy trình phẫu thuật. Trong đó, ông miêu tả chi tiết một số nghiên cứu điển hình về bệnh ung thư vú.
Cuốn sách này được viết bằng chữ hieratic, hệ thống chữ viết của người Ai Cập cổ đại, sau đó được nhà khảo cổ học người Mỹ, James Henry Breasted, dịch sang tiếng Anh. Cuốn sách gồm 2 tập. Trong đó, Imhotep mô tả đặc điểm của các loại khối u khác nhau, gồm “khối u mềm” và “khối u rắn”.
Ông cũng mô tả về một khối u ở vú như sau: “một khối phồng lên ở vú”, mát, cứng và đặc như trái cây chưa chín nằm lan dưới da. Ở phần liệu pháp điều trị, ông viết: “Không có phương pháp nào cả”. Trong khi đó, hầu hết các bệnh lý khác trong cuốn sách đều có phương pháp điều trị kèm theo.
Theo một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên Tạp chí Y khoa, cuốn sách của Imhotep không chỉ mô tả giản lược y học phẫu thuật của người Ai Cập cổ đại mà còn chứa đựng những bằng chứng cổ xưa về ung thư được ghi nhận trên người.
Tuy nhiên, không rõ những trường hợp ung thư thời tiền sử phát triển từ đâu. Giống như tổ tiên, con người vẫn đang cố gắng tìm ra nguyên nhân gây ung thư và cách tốt nhất để điều trị căn bệnh này.
Ngoài ra, ung thư xương không chỉ được tìm thấy ở người cổ đại mà cũng được tìm thấy trong các sinh vật sống khác từ kỷ Triassic. Cụ thể, năm 2015, các nhà khoa học Đức đã phát hiện một khối u ác tính trong xương chân hóa thạch của một loài rùa sống vào kỷ Triassic, cách chúng ta khoảng 240 triệu năm. Thời kỳ này, nhiều loài sinh vật chỉ mới xuất hiện trên Trái đất như khủng long hay động vật có vú.
Theo bác sĩ Patrick Asabch, đồng tác giả nghiên cứu, làm việc tại Đại học Y khoa Charité, Đức, khối u ở loài rùa cổ đại này trông “gần giống hết ung thư xương ở ngoài”.
Còn nhà cổ sinh vật học Yara Haridy, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: “Các loài động vật cổ đại gần như chắc chắn sẽ mắc bệnh ung thư nhưng khoa học hiếm khi tìm ra bằng chứng. Bất chấp hạn chế này, việc phát hiện ra khối u ở động vật kỷ Triassic cho thấy ung thư có khả năng dễ bị đột biến bắt nguồn sâu xa trong ADN của con người”.
Theo History
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/ca-ung-thu-co-xua-nhat-o-nguoi-post687814.html