Cá voi liên tục xuất hiện gần bờ biển: Chuyên gia cảnh báo điều gì?

Nhiều vùng biển liên tục xuất hiện cá voi, theo các chuyên gia đây là dấu hiệu của môi trường biển tốt lên. Khi gặp đàn cá, nên đứng từ xa quan sát, không trêu đùa tránh tai nạn đáng tiếc.

Cá voi xuất hiện vùng biển Việt Nam là bình thường

Sáng 19/8, các ngư dân trên vùng biển Đầu Đông, xã Vĩnh Thực (thành phố Móng Cái, Quảng Ninh) trong lúc đi đánh bắt đã bất ngờ chứng kiến cảnh một chú cá voi xuất hiện tại đây.

Ông Nguyễn Duy Đông, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thực cho biết, cá voi xuất hiện trên vùng biển là điều kỳ diệu nhất trong suốt nhiều năm qua với người dân địa phương. Đây là lần thứ hai người dân địa phương được chứng kiến cảnh này. Trước đó, người dân đã chứng kiến cá voi xuất hiện tại khu vực Cửa Đài, thuộc vùng biển xã Vĩnh Thực.

Từ cuối tháng 7 đến nay, đàn cá voi liên tục xuất hiện bơi lượn, lao trên mặt biển săn mồi gần bờ Đề Gi, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát (Bình Định). Hàng nghìn người dân, du khách, nghệ sĩ nhiếp ảnh và nhiều nhà khoa học từ khắp nơi trong cả nước đã thuê tàu ra vùng biển Đề Gi thưởng ngoạn, săn ảnh cá voi.

Lý giải về việc cá voi thường xuyên xuất hiện ở vùng biển, PGS.TS Nguyễn Tác An, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy môi trường biển nơi đây sạch, trong lành và nguồn thức ăn trù phú". Đặc biệt, vùng biển Đề Gi là nơi duy nhất ở Việt Nam có hiện tượng cá voi khỏe mạnh bơi vào gần bờ săn mồi kiếm ăn suốt nhiều ngày.

"Rõ ràng môi trường biển nơi đây có nhiều yếu tố phù hợp với tập tính của loài cá voi Bryde như: Dòng hải lưu, nhiệt độ ấm, môi trường biển sạch, hệ sinh thái biển phong phú, nguồn thức ăn là các loại cá con dồi dào...", vị tiến sĩ phân tích.

Cá voi xuất hiện ở vùng biển Đề Gi (Phú Yên)

Cá voi xuất hiện ở vùng biển Đề Gi (Phú Yên)

Các chuyên gia khuyến cáo, sự xuất hiện của cá voi gần bờ tại Việt Nam là điều rất đáng mừng, tuy nhiên, nếu chúng cảm thấy không an toàn hoặc nguồn thức ăn ít dần sẽ sớm di cư đến vùng biển khác để sinh sống. Cá voi Bryde nằm trong danh sách đỏ IUCN về các loài bị đe dọa cần được bảo vệ.

TS Hoàng Xuân Bền, Phó Viện trưởng Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết cá voi xuất hiện ở vùng biển Việt Nam là hiện tượng bình thường. Hàng năm không hiếm các cá thể cá voi hay cá heo dạt vào bờ. Tuy nhiên, việc xuất hiện cá voi khỏe mạnh ở những vùng biển gần bờ khá hiếm, thường chủ yếu là cá heo.

Việc xuất hiện cá voi là tín hiệu tốt, ít nhất cho thấy môi trường sống của nó không bị tác động quá nhiều và khu vực đó vẫn còn thức ăn nên cá voi di chuyển đến kiếm ăn.

Ở các vùng biển Việt Nam, hàng năm đều có các cá thể cá heo hay cá voi mắc cạn dạt vào bờ. Tuy nhiên vùng biển gần bờ lại là vùng biển nông, hoạt động đánh bắt cá, du lịch phát triển, nên chắc chắn đây không phải là vùng sinh sống thường xuyên hay là nơi sinh sản của cá voi và cá heo.

Không đùa giỡn quá đà với đàn cá

TS Võ Văn Quang, Trưởng phòng Động vật có xương sống biển, Viện Hải dương học cho biết cá voi xuất hiện chủ yếu theo nguồn thức ăn di cư, là các đàn cá mồi nhỏ như cá cơm, cá trích, ruốc hay sinh vật nổi. Cá mồi nhiều do môi trường, dòng chảy và dinh dưỡng ở vùng biển đó quyết định.

Cá voi không phải loài dữ, không cố tình tấn công con người, song ông khuyến cáo nếu cá đang há miệng đớp mồi thì tốt nhất tránh đối đầu, cần bơi né ra bởi chỉ cần chúng lao nhanh thì khả năng nuốt thẳng người vào dạ dày là có thể xảy ra. Bên cạnh đó, đuôi cá voi được coi là vũ khí để chúng chống lại kẻ thù như các loài cá mập hoặc cá voi sát thủ. Khi đập mạnh xuống, đuôi có thể gây thương tích. Tốt nhất nên rời khỏi khu vực của cá voi khi thấy chúng.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Kiêm Sơn cho biết, cá voi thường có hình dáng to lớn, có khi nặng đến cả chục tấn, trong khi cá heo chỉ khoảng vài chục kg/con. Đây đều là những loài cá lành, không chủ động tấn công người nên khi gặp chúng trên biển, người dân hoàn toàn yên tâm. Chỉ lưu ý không được hoảng sợ la hét hay đùa giỡn quá trớn đối với đàn cá.

Đối với người dân tắm biển, để tránh các rủi ro cá voi, cá mập tưởng nhầm người tắm biển là con mồi thì không nên tắm biển vào những lúc thời tiết xấu, trời nhiều mây mù. Không bơi ra xa một mình hoặc không tắm ở những bãi biến quá vắng người. Không mặc những đồ có màu sắc và hình dạng lấp lánh giống như vảy cá vì loại trang phục này sẽ thu hút sự chú ý của cá. Khi trên người có vết xước hoặc chảy máu thì không tắm biển, hoặc chỉ tắm ở gần bờ.

Trước đó, ngày 25/6, một nhóm du khách khi đi tàu trên biển vui chơi thì phát hiện một con cá voi lưng màu đen, dài chừng 15m xuất hiện hiện trên vịnh Cam Ranh. Vị trí cá voi xuất hiện cách đảo Bình Hưng (TP. Cam Ranh) khoảng 400m. Trong thời gian xuất hiện vài phút, mọi người chứng kiến cá voi ngụp lặn rồi ngoi lên mặt nước nhiều lần. Sau đó, cá voi lặn và đi ra xa vùng biển này.

Vào ngày 18/6, một đàn cá heo hơn trăm con cũng xuất hiện và bơi lội trước tàu ngư dân gần đảo Hòn Gầm, thuộc vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.

Theo các nhà nghiên cứu, loài cá voi phong phú gồm cá voi xanh, cá voi vây, cá voi xám trắng, cá voi hổ kình... Trong đó, cá voi xanh (còn gọi là cá voi nhà táng) thuộc bộ mysticeti (cá voi tấm sừng hàm) con lớn nhất có thể dài 30m, nặng đến 180 tấn. Cơ thể cá voi xanh dài và thon, có thể có màu hơi xanh - xám ở mặt lưng và sáng màu hơn ở mặt bụng sống ở vùng biển bắc Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Nam Băng Dương...

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//ca-voi-lien-tuc-xuat-hien-gan-bo-bien-chuyen-gia-canh-bao-dieu-gi-169220820114013507.htm