Các án mạng vì ghen với chồng/vợ cũ: Con người cần hướng đến đạo đức, trí tuệ, nghị lực
Liên tiếp trong 3 ngày, có đến 2 vụ án mạng vì ghen với chồng/vợ cũ xảy ra trên toàn quốc. Theo các chuyên gia, để phòng ngừa trọng án ngoài xã hội và trong gia đình nói riêng, giải pháp căn cơ là phải xây dựng lại con người hướng đến 3 gốc đạo đức, trí tuệ và nghị lực.
Liên tiếp xảy ra các án mạng vì ghen với chồng/vợ cũ
Ngày 3/9, tin từ UBND xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên, Yên Bái xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ra vụ án mạng khiến một người tử vong.
Theo đó, khoảng 21h30 ngày 30/8, tại thôn 5 xã Hòa Cuông, Trần Quang Định (sinh năm 1968, trú tại tổ dân phố 10, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên) đã dùng dao đâm ông L.H.B. (sinh năm 1974, trú tại thôn 1, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên) ngã gục.
Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường và bắt giữ nghi phạm gây án. Về phía nạn nhân, mặc dù đã được người dân đưa đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên ông B. đã tử vong vào ngày hôm sau.
Qua điều tra ban đầu, mặc dù đã ly hôn nhưng Định vẫn ghen tuông với ông B. (người yêu của vợ cũ). Thời điểm xảy ra sự việc, Định đến nhà vợ cũ ở xã Hòa Cuông thì thấy ông B. ở đó nên đã gây án.
Được biết, nạn nhân đã ly hôn vợ, là người hiền lành, chịu khó làm ăn. Thời gian gần đây, ông B., có bán quế tại xã Hòa Cuông nên quen biết và có quan hệ tình cảm với vợ cũ của hung thủ.
Ngày 5/9, Viện KSND tỉnh Bình Định đã phê chuẩn các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can của cơ quan CSĐT cùng cấp đối với Nguyễn Thị Thùy Trang (SN 1989, ngụ phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) về hành vi "Giết người".
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy Trang với anh N.Đ.T. (SN 1985, ngụ cùng địa phương) ly hôn vào năm 2022 nhưng ở chung tại nhà nghỉ L.V., thuộc khu vực An Ngãi, phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn, do anh T. làm chủ.
Tối 30/8, giữa anh T. và Trang xảy ra mâu thuẫn. Được gia đình khuyên ngăn nên sau đó Trang bỏ về phòng, còn anh T. đi nhậu rồi đêm đó không về.
Khoảng 8 giờ ngày 31/8, Trang nhận được điện thoại của anh T. Trong quá trình nói chuyện, Trang nghe giọng nữ trong điện thoại anh T. Cho rằng anh T. thách thức, công khai quan hệ với người phụ nữ khác, Trang mua dao với mục đích chờ anh T. về thì đâm.
Đến khoảng 12 giờ cùng ngày, anh T. quay về. Khi anh T. vừa mở cửa phòng thì Trang cầm 2 con dao đâm anh T. 2 nhát vào ngực trái và 1 nhát vào cổ tay trái, gây tử vong.
Giải pháp căn cơ là phải xây dựng lại con người hướng đạo đức, trí tuệ và nghị lực
Những vụ án này là một trong những vụ án thương tâm xảy ra gần đây với nguyên nhân bởi những mâu thuẫn tình ái. Trước đó đã có không ít những vụ mà nạn nhân bị sát hại bởi chính người từng thương yêu mình.
Liên quan đến vấn đề này, dưới góc độ tâm lý, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Văn phòng Luật sư Kết nối, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hầu hết trong các vụ án, đối tượng gây án đều ở trạng thái mất kiểm soát về tinh thần, cả giận mất khôn. Đa phần các đối tượng gây án thường có nền tảng đạo đức, nhân cách không tốt, thường có xu hướng sử dụng bạo lực để giải quyết mọi việc.
Xét về nguyên nhân, luật sư Hùng cho rằng, lý do chủ yếu khiến cho các vụ án mạng vì tình xảy ra nhiều trong thời gian qua là xuất phát từ việc đạo đức xã hội xuống cấp, nhiều người không coi trọng giá trị tình cảm, đạo đức.
Về yếu tố tâm lý tội phạm, ông Hùng cho rằng, hiện nay các phim ảnh, thông tin, hình ảnh bạo lực đang khá phổ biến. Đối với những người dễ bị mất kiểm soát, hay nổi nóng, ích kỉ, cái tôi lớn, có xu hướng sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề càng dễ bị ảnh hưởng.
Luật sư Hùng phân tích, dưới góc độ pháp luật, hung thủ sẽ phải chịu sự trừng phạt thích đáng với hành vi của mình gây ra. Đối tượng gây án sẽ bị truy tố về tội “Giết người” quy định tại Điều 123 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với tình tiết định khung hình phạt có thể là có động cơ đê hèn hoặc có tính chất côn đồ, với hình phạt cao nhất lên đến tử hình.
Tuy nhiên, hệ lụy sau đó thì không ai lường trước được. Đặc biệt là các vụ án gia đình, khi nạn nhân là chồng/hoặc vợ, người mất, kẻ đi tù, để lại đàn con thơ bơ vơ không nơi nương tựa, thiếu đi tình yêu thương, chăm sóc của cha mẹ, thậm chí, quan hệ thông gia vì thế cũng rạn nứt.
Cùng quan điểm, trước đó nói về các vấn đề liên quan đến các vụ án mạng trong gia đình, TS Thượng tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học Bộ Công an cho biết, hiện tượng người trong gia đình giết hại nhau đang diễn ra khá phổ biến trong những năm gần đây, báo hiệu những điều bất thường trong xã hội.
Nhìn ở nguyên nhân gần, tức là nguồn cơn trực tiếp dẫn đến các tình huống xung đột gây án mạng, có thể thấy thủ phạm thường hạ sát người thân trong sự kích động tâm lý hoặc cơn nóng giận bột phát. Mâu thuẫn trong gia đình hiện nay, có thể đến từ tranh chấp đất đai, tài sản, quyền lợi hay ghen tuông tình ái, bức xúc từ lối ứng xử bạo lực, thiếu văn hóa giữa các thành viên với nhau. Các yếu tố này tích tụ, dồn nén. Khi vượt quá giới hạn của sức chịu đựng, thì việc xuống tay tàn bạo với người thân của mình, giống như một sự giải phóng những năng lượng tiêu cực.
Tuy nhiên, không phải ai gặp phải các tình huống bất lợi như trên cũng có thể giết hại người thân của mình.
“Theo tôi, chính sự suy thoái văn hóa, xuống cấp về đạo đức lối sống, mới là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Đó chính là thủ phạm giấu mặt, đứng sau chi phối ý định phạm tội, kế hoạch phạm tội và quyết tâm thực hiện tội phạm của hung thủ.” – TS Hiếu nhận định.
Hoàn cảnh xã hội, các tác động tiêu cực từ đời sống kinh tế, văn hóa, khiến các giá trị đạo đức truyền thống bị mai một, thui chột dần, nhường chỗ cho sự vị kỷ, cá nhân chủ nghĩa lên ngôi.
Theo TS Hiếu, để phòng ngừa tội phạm nói chung, phòng ngừa trọng án ngoài xã hội và trong gia đình nói riêng, giải pháp căn cơ là phải xây dựng lại con người hướng đến 3 gốc đạo đức, trí tuệ và nghị lực. “Nói theo ngôn ngữ nhà Phật là giới, định, tuệ.” – ông nói.