Các anh đã 'trở về' trong bức ảnh đoàn viên
Giữa thời bình, vẫn có những chiến sĩ Công an nhân dân ngã xuống để giữ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Họ đột ngột ra đi, để lại bao điều dang dở. Ngay đến một bức ảnh chung cùng bố mẹ, anh chị em, vợ con mà họ cũng mãi không thực hiện được. Điều kì diệu xảy đến, họ đã 'trở về' trong những bức ảnh đoàn viên, ghép nối quá khứ và hiện tại, đan lại sợi dây kết nối thiêng liêng giữa họ và gia đình, làm ấm lòng những người ở lại.
“Anh luôn trong trái tim tôi”
Người vợ mặc chiếc áo dài màu đỏ thắm, dịu dàng bên người chồng là chiến sĩ Công an nhân dân (CAND). Cạnh họ là cô con gái xinh xắn, là cậu con trai mang trên mình sắc phục giống người cha, chững chạc và rắn rỏi. 12 năm đã trôi qua kể từ ngày Thượng úy Lê Văn Sinh - cán bộ Đại đội 2, Trung đoàn Cảnh sát cơ động, Công an TP Hà Nội hy sinh, đến hôm nay gia đình anh mới có một tấm hình đông đủ các thành viên. Lặng ngắm bức hình đặc biệt, đôi bàn tay gầy guộc chạm nhẹ trên gương mặt người chồng, chị Đoàn Thị Thanh Trà, vợ liệt sĩ Lê Văn Sinh đã khóc nấc trong nỗi xúc động nghẹn ngào. Vậy là niềm mong mỏi bao năm qua của chị đã thành hiện thực, khi ba mẹ con chị đã được sum vầy cùng anh. Dù rằng, cuộc đoàn viên mãi chỉ trong một tấm hình.
Bao năm qua, trong ngôi nhà bé nhỏ trên con phố Thụy Khuê (Hà Nội), ba mẹ con chị Trà vẫn sống như khi có anh Sinh bên cạnh. Tờ lịch treo tường Công an nhân dân vẫn được lật giở đều từng nhịp thời gian. Nay có thêm bức ảnh đoàn viên treo trên tường, chị thấy lòng mình ấm áp khi được nhìn thấy anh mỗi ngày. Chị Trà bảo, kí ức đau buồn chỉ tạm ẩn đi chứ không bao giờ tan biến.
1h45 phút đêm 4/3/2011, trời mưa và rét căm căm, tổ công tác 4 đồng chí do Thượng úy Lê Văn Sinh làm tổ trưởng đang làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát. Khi chiếc xe máy do hạ sĩ Phương Văn Sơn cầm lái chở Thượng úy Sinh đến đoạn đường Thụy Khuê thì phát hiện 2 nam thanh niên điều khiển xe mô tô không biển kiểm soát chạy với tốc độ cao, lạng lách đánh võng gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông nên các anh đã bám theo.
Bất ngờ, xe máy của các anh bị xe ôtô nhãn hiệu Toyota Yaris màu xanh, BKS 29A-095.10 do Nguyễn Huy Tùng điều khiển đang chạy với tốc độ cao đâm mạnh từ phía sau. Vụ va chạm khiến hạ sĩ Sơn hy sinh tại chỗ, còn Thượng úy Sinh bị thương nặng, được đưa vào Bệnh viện Việt Đức. Đêm ấy, nhận được tin anh Sinh bị tai nạn, chị Trà vội vàng gửi con sang nhà hàng xóm để vào viện. Lúc đến viện, tim chị thắt lại khi thấy chân trái của anh bị chấn thương nặng, anh đang mê man. 8h30 sáng hôm sau, anh ra đi ngay trên bàn mổ vì vết thương quá nặng. Khi bác sĩ thông báo anh qua đời, tai chị ù đi, mắt hoa lên và bất tỉnh…
Khi anh mất, con trai Lê Nhật Anh mới 8 tuổi, con gái Lê Nhật Linh mới chỉ lên 2. Chị Trà kể một lần con gái chị viết bài văn tả về bố, con nói chẳng biết bố thế nào để tả, vì trong kí ức non nớt của con không có hình bóng cha. Nghe con nói mà chị trào nước mắt xót xa. Bởi vậy mà tất cả những kỉ niệm về anh Sinh chị đều kể hàng ngày. Mỗi bữa cơm, các con vẫn nói câu quen thuộc: “Con mời bố mẹ ăn cơm”. Điện thoại của chị, hình nền vẫn để ảnh anh mặc sắc phục công an nghiêm ngắn, gương mặt hiền từ.
Anh mất đi, chị đã gắng gượng vượt qua nỗi đau, xoay xở cuộc sống để nuôi dạy con cái nên người. “12 năm qua anh luôn trong trái tim tôi, nhìn hai con lớn lên từng ngày, lòng tôi dần bớt đi những ngổn ngang. Con trai chúng tôi nay đã tiếp bước cha vào quân ngũ, cháu sắp tốt nghiệp Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I. Còn cháu gái đã vào học cấp 3. Tôi muốn anh thấy được sự khôn lớn, trưởng thành của các con, thấy được niềm kính yêu, tự hào của con dành cho anh. Niềm mong mỏi cả gia đình có một tấm hình đoàn viên bao năm qua tôi vẫn luôn canh cánh trong lòng”, chị Trà nói những lời xúc động.
Chị bảo thật may mắn khi đã gặp được Phùng Quang Trung – chàng trai trẻ quê Hải Dương là người tâm huyết tạo nên cuộc đoàn viên đặc biệt này cho gia đình chị. Mới đây, khi biết Trung là người tâm huyết với công việc phục dựng ảnh liệt sĩ, ghép ảnh đoàn viên cho các gia đình, chị đã nhắn cho Trung về tâm nguyện của mình. Ngay lập tức, Trung đã phản hồi tin nhắn, xác minh thông tin và tiếp nhận những file ảnh của gia đình chị. Và rồi chỉ vài ngày sau, khi nhận được bức ảnh Trung gửi tặng, cả đêm chị Trà không ngủ được vì ngỡ ngàng, xúc động.
Nặng tâm can nhưng ấm áp con tim
Với Trung, đây không phải là lần đầu tiên anh tạo nên bức ảnh đoàn viên gia đình liệt sĩ CAND.
“Mình muốn nhờ bạn ghép cho hai anh em mình một kiểu ảnh. Hai anh em mình người đi học, người đi công tác suốt nên không có kiểu ảnh nào cùng nhau khi cả hai đã lớn. Em trai mình là Công an đã hy sinh. Bạn giúp mình nhé”. Những dòng tin nhắn của anh trai Thượng sĩ Nguyễn Văn Mạnh, chiến sỹ Công an tỉnh Bắc Giang mới đây khiến Phùng Quang Trung lặng người vì xúc động. Anh lập tức tìm hiểu về người chiến sĩ trẻ đã anh dũng hy sinh.
Ngày 14/9/2020, Thượng sỹ Nguyễn Văn Mạnh tham gia cùng tổ công tác của Công an tỉnh Bắc Giang phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang thực hiện kế hoạch, phương án đấu tranh với đối tượng vận chuyển hàng hóa nhập lậu trên tuyến giao thông tại km 122 + 150, đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, thuộc địa phận xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Khi tổ công tác triển khai phương án dừng phương tiện, xe ôtô khách 16 chỗ BKS 29B – 501.64 đã giảm tốc độ, tấp vào lề đường. Nhưng bất ngờ lái xe đã tăng tốc lao thẳng xe về phía tổ công tác và đâm hất Thượng sỹ Nguyễn Văn Mạnh lên nắp capo. Anh Mạnh bám vào cần gạt nước của xe và yêu cầu đối tượng dừng xe chấp hành việc kiểm tra, song các đối tượng vẫn tiếp tục điều khiển xe trên đường cao tốc, lạng lách, đánh võng để hất anh xuống đường. Xe chạy được khoảng 1km thì đồng chí Mạnh ngã khỏi nắp capo, bị bánh xe của ôtô chèn qua người và anh dũng hy sinh...
Tổ công tác đã đuổi theo phương tiện trên, nhưng chiếc xe đi quá nhanh, lại lạng lách, đánh võng nên khi các anh đến nơi, Thượng sỹ Nguyễn Văn Mạnh đã ngã xuống. Tổ công tác nhanh chóng đưa Thượng sỹ Mạnh đi cấp cứu nhưng vì vết thương quá nặng nên anh đã hy sinh.
Đêm ấy, Trung bắt tay ngay vào việc dựng hình, chỉnh sửa ảnh hai anh em Thượng sỹ Mạnh mà không hề để ý đến thời gian. Rồi anh gấp rút in ảnh, đóng khung để đến tận nhà tặng gia đình. Nhà Thượng sỹ Mạnh ở ngay đầu cầu Cẩm Lý, xã Vũ Xá, huyện Lục Nam (Bắc Giang). Anh trai của anh Mạnh hiện là Bí thư Đoàn Thanh niên xã Vũ Xá. Còn Mạnh thời điểm hy sinh đang công tác tại Phòng Cảnh sát Cơ động, Công an tỉnh Bắc Giang. Anh mãi là niềm tự hào của cả gia đình. Chứng kiến những giọt nước mắt người thân nhỏ xuống bức ảnh thiêng liêng, Trung biết anh đã làm thêm được một việc đầy ý nghĩa.
Nhớ lại thời điểm tháng 6/2022, Trung nhận được một tin nhắn của một cô gái, nhờ ghép giúp cho chị gái của cô ấy một tấm ảnh gia đình. Chồng chị là cán bộ Công an đã hy sinh khi làm nhiệm vụ. Khi nhận được ảnh, anh lập tức nhận ra hình ảnh của liệt sĩ Phạm Công Huy, sinh năm 1993, nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an Thành phố Hà Nội. Tháng 1/2020, anh Huy hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ngày anh Huy hy sinh, bé Bún con gái anh mới được 6 tháng tuổi. Khi bé được 3 tuổi, chị Như Quỳnh - vợ anh rất muốn có một tấm ảnh ghép vợ chồng chị và con gái để bé hình dung về cha.
"Trong rất nhiều tấm ảnh chụp anh Huy, tấm ảnh chị Quỳnh yêu thích nhất lại là tấm ảnh chụp gương mặt anh khá mờ. Tôi phải tập trung dựng lại gương mặt anh Huy và làm nét lên, sau đó mới ghép ảnh. Tình yêu, lòng thương nhớ mà chị Quỳnh dành cho anh Huy, niềm kính phục và biết ơn trước sự hy sinh anh dũng của anh đã khiến tôi vô cùng xúc động, thức cả đêm để có bức ảnh đẹp nhất. Trong bức ảnh, anh Huy mặc trang phục Công an, gương mặt ngời sáng, bên cạnh là chị Quỳnh mặc áo dài đỏ duyên dáng. Bé Bún xinh xắn được bố Huy bế trong lòng. Ảnh được gửi cho chị Quỳnh, chị ấy đã thốt lên rằng, lâu lắm chị mới thấy mặt chồng chị rõ thế. Chị còn gửi ảnh bé Bún ôm lấy bức ảnh khổ lớn và reo lên "Mẹ ơi, bố bế con này", Trung chia sẻ. Một ngày tháng 6/2022, Trung cùng nhóm phục dựng ảnh đã mang bức ảnh tới tận nhà liệt sĩ Huy để trao cho gia đình anh như một lời tri ân sâu sắc.
Khi mà cuộc đoàn viên chỉ có thể tồn tại trên những tấm hình, thì có nghĩa điều đó sẽ mãi không bao giờ có được ngoài đời thực. Gương mặt các chiến sĩ CAND hy sinh luôn ám ảnh tâm trí và nhiều khi theo cả vào trong giấc mơ của Trung lúc đêm về. Anh hiểu hơn những lát cắt đau thương và khốc liệt của cuộc sống, những hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ CAND vì cuộc sống người dân. Điều đó thúc giục anh tận tâm, bền bỉ với công việc phục dựng và ghép ảnh của người đã mất để tạo nên bức ảnh đoàn viên. Anh gọi đó là công việc nặng tâm can nhưng ấm áp con tim.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/cac-anh-da-tro-ve-trong-buc-anh-doan-vien-i701791/