CÁC ANH ĐI, BÀ CON NHỚ!

Mặc những cơn mưa như trút, mặc nhiều tuyến đường sạt lở, gần hai ngày hôm nay, phía ngoài cánh cổng Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, bà con nhân dân kéo về ngày càng đông. Họ đều chung một tình cảm, ngóng đợi tin tức từ cuộc tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn 22 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị mất tích sau trận sạt lở đất diễn ra đêm 17, rạng sáng 18-10.

Với đồng bào Pa Kô, Vân Kiều nơi đây, từ lâu cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 luôn có một ân tình rất lớn, bởi nhiều hộ dân nơi đây đã từng được bộ đội giúp đỡ trong thiên tai hoạn nạn, hỗ trợ an cư, lạc nghiệp và ổn định đời sống. Nhiều năm qua, Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 đã tham gia giúp đỡ nhân dân địa phương xây dựng, phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng – an ninh. Những việc làm của bộ đội đã thực sự để lại tình cảm tốt đẹp cho bà con nơi đây. Bởi vậy, sự ra đi của các anh không khác nào nỗi mất mát trong gia đình họ.

 Lực lượng cứu hộ khẩn trương nhưng rất cẩn thận đưa các cán bộ, chiến sĩ hy sinh khỏi lớp bùn đất.

Lực lượng cứu hộ khẩn trương nhưng rất cẩn thận đưa các cán bộ, chiến sĩ hy sinh khỏi lớp bùn đất.

Là một trong những người có mặt đầu tiên tại hiện trường vụ sạt lở đất tại Đoàn KTQP 337, ông Lê Văn Quân, Phó chủ tịch UBND xã Hướng Phùng cho biết: Ngay khi nhận được tin thảm họa ập đến, mặc dù trong đêm tối và thời tiết mưa lũ nguy hiểm nhưng chúng tôi đã nhanh chóng huy động lực lượng dân quân của xã và bà con nhân dân đến triển khai ứng cứu. Tuy nhiên, do lượng bùn đất quá lớn và điều kiện đêm tối, lại thiếu máy móc trang thiết bị nên chúng tôi chỉ kịp cứu được 5 cán bộ, chiến sĩ.

Cũng theo ông Quân, hơn 20 năm qua kể từ khi Đoàn KTQP 337 đặt trụ sở đóng quân tại đây, không chỉ cấp ủy, chính quyền mà toàn thể nhân dân xã Hướng Phùng chúng tôi và các xã trên địa bàn từ lâu cán bộ, chiến sĩ Đoàn KTQP 337 đã trở thành anh em một nhà. Ở địa bàn biên giới vùng sâu đặc biệt khó khăn này, có được “chỗ dựa” là các anh, cấp ủy, chính quyền xã chúng tôi yên tâm lắm. Mọi hoạt động từ ổn định quốc phòng – an ninh đến phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân đều có sự đóng góp to lớn của cán bộ, chiến sĩ Đoàn KTQP 337. Do vậy, ngay khi vụ sạt lở đất khiến 22 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị gặp nạn xảy ra, luôn có hàng trăm cán bộ, dân quân, nhân dân trong xã thường trực tại hiện trường phối hợp cùng các lực lượng chức năng giúp đỡ, cứu hộ cứu nạn. Dù còn nhiều khó khăn nhưng bà con trong xã cũng đã kịp thời quyên góp, tổ chức nấu được hàng nghìn suất cơm đem đến hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ các lực lượng cứu hộ cứu nạn trong điều kiện thời tiết mưa lớn và giao thông bị chia cắt…

 Nhân dân dõi theo từng tin tức trước cổng Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337.

Nhân dân dõi theo từng tin tức trước cổng Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337.

Ánh mắt ngân ngấn lệ dõi theo từng chiếc xe cứu thương đưa thi thể người bị nạn ra ngoài, bà Hồ Thị Hoa, người dân Thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị nghẹn ngào nói: “Bộ đội ở đây giúp đỡ dân nhiều lắm. Lên đây cái chi cũng nhờ bộ đội thôi. Chừ các anh đi rồi, không biết sao mà nói được nữa”.

Khi biết tin cán bộ, chiến sĩ gặp nạn do thiên tai, sạt lở đất, hàng trăm người dân là đồng bào Vân Kiều, Pa Cô đã hết lòng thương xót. Mặc cho con đường dẫn tới đoàn nhiều đoạn bị sụt lún, họ vẫn quyết tâm lội bộ gần chục cây số đến đơn vị không chỉ để được nói lời chia tay với các anh lần cuối, mà còn sẵn sàng hỗ trợ và phục vụ lực lượng quân đội trong công tác hậu cần. Bà con mỗi người một tay, góp lương thực, thực phẩm từ núi rừng như măng, rau, củ, quả, gạo… tình nguyện nấu cơm chuyển vào cho các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ.

“Với người dân thôn Cợp, các cán bộ, chiến sĩ Đoàn 337 để lại nhiều tình nghĩa lắm. Các anh xây nhà cộng đồng, nhà tình nghĩa, bão lũ các anh đến giúp. Toàn những người thân quen, giờ chỉ trong một tích tắc, các anh đã ra đi mãi mãi khiến người dân chúng tôi đau lòng, không cầm được nước mắt”, bà Nguyễn Thị Cúc run run không nói lên lời.

 Bà con tình nguyện góp lương thực, nấu cơm phục vụ lực lượng tìm kiếm.

Bà con tình nguyện góp lương thực, nấu cơm phục vụ lực lượng tìm kiếm.

Gần 2 ngày bà con lên chờ tin bộ đội, cũng là chừng ấy thời gian các lực lượng, bằng tất cả tình cảm, trách nhiệm đã nỗ lực tìm kiếm đồng đội, với mong mỏi sớm đưa các anh về với gia đình.

Trên mặt sân ngập gần 2 triệu mét khối bùn non, san phẳng 4 dãy nhà, 11 chiếc máy xúc đang hoạt động hết công suất, khẩn trương chạy đua với thời gian, bởi chỉ chậm chút thôi là thời cơ đưa các anh về càng khó khăn hơn khi thời tiết tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Hàng trăm ánh mắt đổ về từng chiếc gầu xúc, ai cũng mong sớm tìm được các anh nhưng lại không dám mạnh tay, bởi sợ sẽ làm đau da thịt các anh.

Chỉ huy trực tiếp tại hiện trường, Thiếu tướng Hà Tân Tiến, Phó tư lệnh Quân khu 4 liên tục nói trong loa yêu cầu: "Các anh xe múc xin chú ý, xin hãy nhẹ thôi". Những nét mặt căng thẳng chỉ dẫn ra đôi chút khi có tiếng hô “Thấy rồi, thấy rồi!”, để rồi sau đó lại chùng xuống khi đưa các anh lên.

Tranh thủ lúc máy nghỉ, Thượng úy Nguyễn Thái Phong, Trưởng ban Hậu cần Kỹ thuật Trung đoàn 52 (Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337) lùa vội thìa cơm. Phong không ngờ ngày quay lại nơi anh từng gắn bó 4 năm trời lại là ngày buồn đến thế. Hôm nay, chính tay đưa đồng đội đang bị vùi sâu dưới lớp bùn đất lòng anh không khỏi đau xót. Bởi vậy, dù mấy ngày nay, khu vực này luôn trong cảnh báo tiếp tục sạt lở, Phong và các đồng đội vẫn quyết tâm bám trụ, tìm cho được các anh.

Tháo đôi găng tay, Binh nhất Bạch Đình Hoàng, chiến sĩ Trung đoàn 52 trong đội khiêng cáng ngồi nghỉ bên bờ tường. Nhận lệnh điều động từ từ hôm trước, Hoàng đã đi lại không biết bao lần trên con dốc gần quả núi bị sạt này để đưa từng đồng đội về vị trí tập kết, tắm rửa sạch sẽ cho các anh, trước khi chuyển về TP Đông Hà. Nhiều người trong số hy sinh chỉ bằng tuổi của Hoàng.

Hoàng kể: Sáng qua, thấy bố mẹ của Tuấn Anh khóc quá, em chợt nghĩ về bố mẹ mình đang ở quê cũng đang rất lo cho mình. Bố mẹ có gọi điện hỏi, em chỉ bảo con vẫn ổn và đang làm nhiệm vụ chứ không nói thêm bất cứ điều gì. Từ hôm qua tới giờ, đơn vị đã 6 lần báo động vì quả núi phía sau có rãnh rất lớn, nguy cơ sụt lún tiếp rất cao. Anh em làm nhiệm vụ khẩn trương nhưng vẫn rất cẩn thận với tinh thần khi nào đưa hết đồng đội về mới rút quân.

 Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng TCCT và các cơ quan chức năng khảo sát và bàn biện pháp khắc phục hậu quả, ổn định đời sống bộ đội sau mưa, lũ.

Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng TCCT và các cơ quan chức năng khảo sát và bàn biện pháp khắc phục hậu quả, ổn định đời sống bộ đội sau mưa, lũ.

Đã gần cuối giờ chiều, khi những gầu xúc chạm đến sàn nhà, xúc đi những khối đất cuối cùng mà thi thể 3 cán bộ, chiến sĩ cuối cùng trong số 22 người hy sinh tại Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 vẫn chưa thấy. Ai ai cũng lo sợ cho tình huống có thể các anh đã bị đẩy trôi ra bờ suối cách đó 15m, nhưng rồi sự sáng suốt chỉ đạo của những vị tướng có mặt trực tiếp giám sát hiện trường, cuối cùng cũng tìm được phương án để cuộc tìm kiếm kết thúc vào 16 giờ.

Là một trong những đơn vị có lực lượng, phương tiện chủ công góp phần đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn tại hiện trường, Thượng tá Thái Văn Linh, Chính ủy Lữ đoàn 384, Binh đoàn 12 cho biết: Ngay sau khi nhận lệnh của cấp trên về việc tham gia ứng cứu cán bộ, chiến sĩ Đoàn KTQP 337, đơn vị đã tổ chức hội ý chỉ huy nhằm lựa chọn những loại máy móc, thiết bị hiện đại nhất, phù hợp với nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn đang có tại đơn vị. Đồng thời cử những cán bộ, công nhân có trình độ tay nghề cao, có nhiều kinh nghiệm trong công tác khẩn trương cơ động cùng trang bị, máy móc đến hiện trường tổ chức cứu nạn. Cụ thể, trong 2 ngày qua đơn vị đã huy động đến hiện trường tổng số 12 thiết bị, xe máy, trong đó có 4 máy xúc đào bánh xích cỡ lớn XE700C và XE900C, chia làm các ca theo sự điều hành của Ban chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường.

Chiều ngày 19-10, sau khi nạn nhân cuối cùng được tìm thấy tại hiện trường, anh Hồ Đức Hải, công nhân lái máy xúc của Xí nghiệp 334, Lữ đoàn 384 chia sẻ: Mặc dù thời tiết đang có mưa lớn, đường cơ động đến hiện trường có nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhưng với tinh thần hết lòng vì người gặp nạn, chúng tôi vẫn kiên quyết cơ động một cách nhanh nhất. Thực sự khi đến hiện trường chúng tôi mới thấy hết được sự tàn phá khủng khiếp của vụ sạt lở. Hàng triệu mét khối bùn đất từ trên cao và cách xa gần 2km đã tràn tới vùi lấp toàn bộ khu nhà kiên cố cùng 22 cán bộ, chiến sĩ. Với tinh thần chạy đua với thời gian, anh em chúng tôi đã nỗ lực hết sức góp phần tìm kiếm các nạn nhân đang bị vùi lấp.

 Đồng đội tìm các anh trong từng tấc đất.

Đồng đội tìm các anh trong từng tấc đất.

Sau hơn 2 ngày đêm liên tục tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn, đến 17 giờ ngày 19-10 tất cả 22 cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại Đoàn KTQP 337 đã được tìm thấy và vận chuyển về TP Đông Hà để chuẩn bị cho lễ viếng và lễ truy điệu. Tuy nhiên, những hậu quả do vụ sạt lở đất để lại cho Đoàn KTQP 337 là vô cùng lớn và chưa thể khắc phục, ổn định ngay được.

Cuộc họp Ban chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn diễn ra lúc chiều muộn ngày 19-10, tại hiện trường vụ sạt lở đất của Đoàn KTQP 337, Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã yêu cầu Bộ tư lệnh Quân khu 4 phối hợp cùng các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng cùng Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị khẩn trương có biện pháp ổn định tư tưởng, động viên tinh thần, bố trí nơi ăn, ở mới cho cán bộ, chiến sĩ Đoàn KTQP 337 để đơn vị sớm ổn định công tác, tiếp tục giúp đỡ cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn khắc phục hậu quả mưa, lũ.

Bài, ảnh: NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QĐND ĐIỆN TỬ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/cac-anh-di-ba-con-nho-641387