Các bậc cha mẹ có nên tự chủ tài chính khi về già?
Cha mẹ nên độc lập tài chính hay dồn tất cả vốn liếng để nương nhờ con, đó là câu hỏi được nhiều gia đình đặt ra trong xã hội hiện đại, trong bối cảnh giá trị gia đình và sự tự chủ cá nhân đang có nhiều biến đổi.
Có nên “hy sinh tất cả” cho con cái?
Đã cao tuổi nhưng vẫn còn rất khỏe mạnh, minh mẫn, hai cụ Nguyễn Anh Ninh (67 tuổi) và Bùi Thị Nụ (65 tuổi) sở hữu một cửa hàng photocopy trước một trường cấp 3 trên địa bàn quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Cửa hàng thu nhập khá, hai cụ sống rất thong thả. Nhiều người khuyên các cụ rằng đã ở tuổi này nên nghỉ ngơi, đừng kiếm tiền nữa, để con cái chăm lo cho. Hai người con của cụ cũng thuyết phục cha mẹ dừng công việc lại, giao mặt bằng cửa hàng cho các con, đồng thời cho con vay một phần trong số tiền dành dụm để các con có cơ hội kinh doanh, bù lại các con sẽ có nhiệm vụ lo toan, chăm sóc, bảo đảm đời sống của các cụ lúc về già.
Tuy vậy, hai cụ đều từ chối, mặc dù bị các con giận. Quan điểm của hai cụ là khi vẫn còn khỏe mạnh, lao động kiếm tiền vừa là niềm vui, vừa là sự độc lập tài chính, giúp hai cụ có được sự tự tin, thoải mái, không nương nhờ con cái. Cụ Ninh cũng chia sẻ với bạn thân, rằng cụ rút kinh nghiệm từ gia đình một người bạn, sau khi người bố bán nhà, chia tài sản hết cho các con và đến nhà ở cùng con thì bị sự ghẻ lạnh của con dâu, sau khi ở chung với vài đứa không hợp đành chuyển vào viện dưỡng lão sống.
Thực tế, đã có không ít câu chuyện buồn từ việc cha mẹ không còn tài sản, sống phụ thuộc vào con. Có cụ chịu sự “mặt nặng mày nhẹ của dâu, rể”, có cụ bệnh tật, đau yếu con bỏ mặc không lo. Và cũng có có trường hợp khiến dư luận đau lòng là một bà cụ sau khi bị con cái dụ dỗ chuyển tên giấy tờ nhà thì đuổi cụ ra đường ở lang thang, vất vưởng. Tuy không phải trường hợp nào cũng thế, những quả là có nhiều điều bất tiện, nhiều mâu thuẫn phát sinh sau khi những người cha, người mẹ ở tuổi già chọn sống chung, sống phụ thuộc vào con cháu mà không giữ lại cho mình chút gì.
Việc “hy sinh tất cả” cho con cái là một lựa chọn khá phổ biến của các thế hệ trước bắt nguồn từ lòng yêu thương vô bờ bến của cha mẹ. Tuy nhiên, khi người già quyết định trao hết tài sản cho con cái mà không giữ lại cho mình một phần để bảo đảm cuộc sống về sau, họ có nguy cơ đánh mất sự độc lập tài chính, đồng thời tạo ra sự phụ thuộc hoàn toàn vào con cái. Điều này có nguy cơ dẫn đến những tình huống đau lòng như bị con cái xem nhẹ, hắt hủi, hoặc không được chăm sóc chu đáo như mong đợi. Cạnh đó, sự phụ thuộc tài chính vào con cái còn làm giảm lòng tự trọng và cảm giác tự chủ của người già. Khi mất đi khả năng tự quyết định về tài chính, nhiều người cao tuổi cảm thấy mình trở thành gánh nặng cho con cái, dẫn đến cảm giác tủi thân, cô đơn, chán nản. Điều này đôi khi không phải đến từ các con, mà có khi đến từ hoàn cảnh xã hội hiện nay, áp lực cuộc sống và công việc khiến con cái không thể chăm sóc cha mẹ một cách tốt nhất, dù vẫn có lòng hiếu thảo.
Tự chủ tài chính để có tuổi già an vui
Trong bối cảnh hiện nay, việc người cao tuổi tự chủ tài chính khi đến tuổi hưu không chỉ là một lựa chọn hợp lý mà còn là một yếu tố quan trọng giúp bảo đảm chất lượng cuộc sống. Sự độc lập về tài chính cho phép các bậc cha mẹ có thể tự quyết định cách sống, hưởng thụ cuộc sống, chăm lo cho sức khỏe và tham gia vào các hoạt động xã hội mà không phải lo lắng về việc trở thành gánh nặng cho con cái. Hơn nữa, sự tự chủ này cũng giúp duy trì lòng tự trọng và cảm giác tự do, mang lại một cuộc sống tuổi già an nhiên.
Câu hỏi làm thế nào để người cao tuổi có thể tự chủ và quản lý tài chính một cách hiệu quả? Theo các chuyên gia, trước khi nghỉ hưu, người cao tuổi cần lập kế hoạch tài chính rõ ràng, bao gồm việc xác định các nguồn thu nhập sau khi nghỉ hưu như lương hưu, tiền tiết kiệm, hoặc các khoản đầu tư. Việc có một kế hoạch tài chính dài hạn giúp người già dự trù được chi phí sinh hoạt, chi phí y tế và những khoản chi tiêu khác, bảo đảm tự chủ về mặt tài chính mà không phải lo lắng về những rủi ro bất ngờ.
Một rủi ro thường gặp khi các cụ cao tuổi có tiền là có thể trở thành “con mồi” cho những kẻ lừa đảo đến từ các sàn tài chính, các đường dây đa cấp phi pháp và nhiều hình thức khác, trên thực tế nhiều cụ đã bị lừa hàng tỉ đồng, mất sạch tiền dành dụm cuối đời. Thế nên, việc trang bị các kiến thức về quản lý tiền bạc, có sự tư vấn tốt từ gia đình, người thân cho các cụ là điều cần thiết.
Một số bậc cha mẹ cũng lựa chọn trao một phần tài sản cho con, xuất phát từ lòng yêu thương và mong muốn giúp đỡ con cái. Các chuyên gia khuyên rằng, các cụ cần lựa chọn trao như thế nào để vẫn bảo đảm tài chính để sống ổn định và phòng ngừa rủi ro bất ngờ, trao ở thời điểm nào để hỗ trợ tốt nhất cho con mà tránh đi sự ỷ lại và cho như thế nào cho công bằng, khiến các con nể phục, vui vẻ đón nhận mà không phải cảm thấy ấm ức, từ đó sinh ra xích mích với nhau, bất mãn với cha mẹ dẫn đến nhiều hệ lụy đau lòng đã diễn ra trong thực tế. Điều này cần ở các bậc cha mẹ cao tuổi sự sáng suốt, suy nghĩ thấu đáo và tình thương, trách nhiệm đối với con cái.