Văn hóa truyền thống
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Dạ Nguyệt Phồn Hoa - Tsukiakari được tổ chức bởi Đội Enactus NEU và CLB kết nối Việt Nam - Nhật Bản trường Đại học Kinh tế Quốc dân NTK - NEU, Đại học Kinh tế quốc dân. Tâm điểm của sự kiện là phần phỏng dựng lại lễ cưới nhà quyền quý thời nhà Nguyễn sống động và chân thực.
Hôn lễ ở Việt Nam trước đây học theo quy thức của Trung Hoa nhưng có thay đổi một đôi chút. Lễ ở đây vẫn thường đủ sáu lễ và được mệnh danh là “Chu Công lục lễ”. Theo đó, lễ cưới sẽ diễn ra theo 6 lễ bắt buộc.
Đầu tiên sẽ là Lễ nạp thái. Đôi bên nhà trai, nhà gái đính ước. Người xưa, nhà trai dùng con nhạn mang tới nhà gái với ý nghĩa là đã chọn cô gái nhà đó về làm vợ cho chàng trai. Đây có thể đồng nghĩa với lễ dạm ngõ thời nay, là cơ hội gặp mặt chính thức giữa người lớn hai bên để hỏi chuyện thành thân cho con trẻ.
Tiếp theo là lễ vấn danh. Theo đó, nhà trai hỏi tên, tuổi, ngày sinh tháng đẻ của cô gái để xem cô gái có hợp với tuổi chàng trai.
Chàng trai và cô gái, hoặc bố mẹ bên nhà trai có thể dựa trên sinh thần bát tự của hai trẻ để xem bói coi có hợp tuổi để lấy nhau hay không. Thời xưa, nếu như xung khắc không hợp thì sẽ phải dừng, coi như kiếp này có duyên mà không có phận.
Sau lễ vấn danh là lễ nạp cát. Nhà trai chấp nhận sự đính ước sau khi đã so đôi tuổi với cô gái. Lễ báo cho nhà gái biết rằng đã xem bói được quẻ tốt, nam nữ hợp tuổi nhau thì lấy được nhau, nếu tuổi xung khắc thì thôi.
Cho tới nay, phần này vẫn được coi trọng nhưng nếu như chẳng may hai người không hợp tuổi nhưng vẫn nguyện ý đến với nhau thì bày tỏ với thầy bói, thầy cúng để làm lễ hóa duyên, giải xung khắc.
Sau khi nhận tin vui, đôi bên đồng ý, chú rể có thể dành tặng tình cảm cho cô dâu, có thể là một món quà hay bó hoa.
Tiếp theo là lễ nạp tệ, đây là lễ nạp đồ sính lễ cho nhà gái, tức lễ ăn hỏi. Sính lễ ngày xưa thì thường do nhà gái yêu cầu, đồ thách cưới thì đại để: bao nhiêu lợn gạo, hoặc ăn bò thì thách bò, bao nhiêu chè, bao nhiêu cau, bao nhiêu rượu, vòng, nhẫn, hoa, hột, quần áo, chăn màn, và kèm theo thêm bao nhiêu bạc... Nhà trai liệu thế lo được thì mới chọn ngày lành tháng tốt, mang sính lễ sang làm lễ nạp tệ, đính ước ngày cưới với nhà gái. Theo lệ xưa, nhà giàu sẽ chuẩn bị lễ là 2 tấm lụa màu, 10 quan tiền, 1 đôi xuyến bạc, 1 hộp sơn son, gương lược, 1 hộp bằng ngà, 1 hộp bằng gỗ thơm, 3 con lợn, 10 nậm rượu, 6 mâm cau, 6 mâm trầu. Nhà thường và nhà nghèo (tùy khả năng) sẽ có 1 tấm lụa màu, 5 hoặc 3 quan tiền, 1 đôi chân nến bằng bạc, 1 hộp sơn son, gương lược, 2 con lợn, 8 nậm rượu, 4 mâm cau, 4 mâm trầu.
Lễ thỉnh kỷ: là lễ xin định ngày giờ làm rước dâu tức lễ cưới.
Lễ thân nghênh: còn gọi là lễ Nghênh hôn, tức lễ cưới. Đúng ngày giờ đã định, họ nhà trai mang lễ đến để rước dâu về. Trong sáu lễ thì lễ thân nghênh (lễ rước dâu) là một trong những lễ quan trọng nhất bấy giờ.
Bắt đầu và lễ, một đại diện nhà trai, thường là người nhiều tuổi vào hàng chú bác chú rể sẽ đứng lên “xin dâu”. Câu nói thường dùng trong trường hợp này là: “Một năm được một tháng, một tháng được một ngày, một ngày được một giờ để khỏi lỡ giờ tốt, xin các cụ và họ nhà gái cho chúng tôi đón cháu về.”
Lúc này cô dâu đã y phục chỉnh tề, trang điểm với đủ mọi đồ nữ trang của mình và sẽ mang về nhà chồng tất cả những đồ mừng, những đồ dẫn cưới dành riêng cho cô dâu như quần áo, chăn gối,.... Ðựng trong một chiếc rương phủ nhiễu điều. Các phụ cưới đội những chiếc rương này đi theo đám đưa dâu. Họ nhà gái có một số người đi theo cô dâu, trong số đó có các cô "phù dâu", cũng như đám đưa chú rể lúc trước có các cô cậu "phù rể". Các cô phù dâu và các cậu phù rể chọn trong các cô cậu chưa lập gia đình.
Theo lệ xưa tới nay vẫn có câu "cha đưa mẹ đón". Tại đám cưới thời nhà Nguyễn, bố mẹ cô dâu không đi theo con gái. Tuy nhiên, tới nay, tục này ở một vài nơi không còn.
Lễ rước dâu, còn gọi là lễ vu quy, nghĩa là gái về nhà chồng. Ðây là một trọng lễ, và mọi sự cẩn thận đều được chú ý.
Tới nay, lễ cưới tại Việt Nam vẫn theo những phong tục lễ nghi truyền thống nhưng đã được rút gọn và đơn giản hóa tùy theo từng địa phương nhưng vẫn có đủ những lễ Dạm ngõ (Nạp thái), Ăn hỏi (Nạp tệ) và Đón dâu (Thân nghênh). Tiểu phẩm phỏng dựng lại một lễ cưới nhà quyền quý thời nhà Nguyễn đã đưa đến cho người xem một cái nhìn tổng quan về một trong bốn lễ nghi quan trọng nhất đời người của một giai đoạn lịch sử.
Khánh Huy