Các bên hòa giải kỳ vọng Hamas và Israel 'mềm' hơn để đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza
Các nhà hòa giải đang kỳ vọng cả Hamas và Isreal 'mềm' hơn, sau khi đưa ra những quan điểm cứng rắn, điều giúp thu hẹp bất đồng để có thể đạt được một thỏa thuận ngừng bắn.
Các nhà hòa giải của Mỹ, Qatar và Ai Cập đã chuẩn bị một nỗ lực ngoại giao nhằm thu hẹp những khác biệt giữa Israel và phong trào kháng chiến Hamas ở Palestine về kế hoạch ngừng bắn ở Gaza, sau khi nhóm Palestine phản hồi đề xuất tạm dừng giao tranh và thả con tin.
Hôm 6/2, Hamas đã trả lời một dự thảo thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ và Israel soạn thảo cách đây hơn một tuần tại cuộc họp ở Paris cùng với các nhà hòa giải Ai Cập và Qatar.
Chi tiết về phản hồi của Hamas không được tiết lộ.
Trong một tuyên bố hôm 6/2, Hamas cho biết họ đã phản ứng “với tinh thần tích cực, đảm bảo lệnh ngừng bắn toàn diện và đầy đủ, chấm dứt hành vi xâm lược chống lại người dân của chúng tôi, đảm bảo cứu trợ, nơi trú ẩn và tái thiết, dỡ bỏ cuộc bao vây trên Dải Gaza và đạt được trao đổi tù nhân”.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, trong chuyến công du con thoi lần thứ 5 tới Trung Đông kể từ khi xung đột bùng phát, cho biết, ông sẽ thảo luận về phản ứng của Hamas với các quan chức Israel khi ông đến thăm nước này vào 7/4.
Trước đó tại Doha, ông Blinken nói, vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhưng ông tin rằng một thỏa thuận là có thể đạt được và nó thực sự cần thiết.
Qatar mô tả phản ứng của Hamas nhìn chung là “tích cực” trong khi các nguồn tin an ninh Ai Cập nói, Hamas đã thể hiện sự linh hoạt.
“Chúng tôi sẽ thảo luận tất cả các chi tiết của khuôn khổ được đề xuất với các bên liên quan để đạt được thỏa thuận về thể thức cuối cùng càng sớm càng tốt.”, người đứng đầu Cơ quan Thông tin Nhà nước Ai Cập, Diaa Rashwan cho biết.
Các nguồn tin thân cận với cuộc đàm phán cho biết, lệnh ngừng bắn sẽ kéo dài ít nhất 40 ngày, trong thời gian đó Hamas sẽ phóng thích dân thường trong số những con tin còn lại mà họ giam giữ.
Các giai đoạn tiếp theo sẽ phóng thích các con tin là binh sĩ và thi thể của các con tin đã chết, để đổi lấy việc trả tự do cho những người Palestine bị cầm tù ở Israel.
Thỏa thuận ngừng bắn cũng sẽ tăng cường cung cấp lương thực và viện trợ cho người dân đang tuyệt vọng ở Gaza, những người đang phải đối mặt với dịch bệnh, nạn đói, thiếu thốn nhu yếu phẩm nghiêm trọng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, phản ứng của Hamas cho thấy “những chuyển biến” hướng tới một thỏa thuận. Nhưng không rõ liệu Hamas và Israel có sẵn sàng “mềm” hơn về quan điểm so với những gì đã đưa ra trước đó để thu hẹp bất đồng, nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn hay không.
Trước đó hôm 6/2, một quan chức Hamas giấu tên đã nhắc lại rằng, nhóm sẽ không cho phép bất kỳ con tin nào được thả nếu không đảm bảo rằng chiến tranh sẽ kết thúc và lực lượng Israel rời khỏi Gaza.
Trong khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định, Tel Aviv sẽ không chấm dứt chiến dịch quân sự ở Gaza cho đến khi Hamas bị xóa sổ, đồng thời loại trừ khả năng thành lập một nhà nước Palestine.
Trong một tuyên bố vào ngày 7/2, Bộ Ngoại giao Ả Rập Saudi cho biết, Riyadh đã nói với Ngoại trưởng Mỹ rằng, lập trường của họ là sẽ không có quan hệ bang giao với Israel trừ khi một nhà nước Palestine độc lập được công nhận với đường biên giới năm 1967 bao gồm Đông Jerusalem và sự xâm lược của Israel ở Gaza chấm dứt.
Cuối năm ngoái, các nguồn tin cho biết, Ả Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ đã đình chỉ các kế hoạch do Mỹ hậu thuẫn nhằm bình thường hóa quan hệ với Israel, khi cuộc chiến giữa nhóm chiến binh Palestine Hamas và lực lượng Israel leo thang.
Trong một tuyên bố sau cuộc gặp Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman vào tối 5/2, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các nhu cầu nhân đạo ở Gaza và ngăn chặn xung đột lan rộng thêm nữa.
Hai bên cũng thảo luận về tầm quan trọng của việc xây dựng một khu vực hội nhập và thịnh vượng hơn, trong đó các quan chức Riyadh bày tỏ việc tiếp tục quan tâm đến việc bình thường hóa quan hệ với Israel trong một thỏa thuận có khả năng mang tính lịch sử, nhưng chỉ khi có một kế hoạch đáng tin cậy hướng tới thành lập một nhà nước Palestine, những điều đang còn khá xa vời khi chiến sự ở Gaza vẫn đang khốc liệt.
Một quan chức Mỹ cho biết, các cuộc thảo luận về việc ai sẽ quản lý Gaza hậu chiến tranh, Chính quyền Palestine cần được cải tổ như thế nào để có khả năng cai trị vùng đất này và việc đạt được các đảm bảo an ninh cho Israel cũng đang diễn ra.
Israel đang phải chịu những áp lực ngày càng tăng của gia đình các con tin, những người đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình đòi chính quyền nỗ lực hơn để nhanh chóng đưa các con tin về nhà, cho dù điều đó có nghĩa là phải đạt được thỏa thuận với Hamas.
Hôm 6/2, Quân đội Israel (IDF) cho biết, trong số các con tin còn lại ở Gaza, 31 người được xác nhận đã chết.
Israel trước đó nói còn 136 con tin vẫn còn ở Gaza sau khi 110 người được trả tự do theo lệnh ngừng bắn kéo dài 7 ngày đạt được vào tháng 11 năm ngoái. Trong cuộc trao đổi, Israel cũng thả 240 công dân Palestine mà họ đang giam giữ.
Israel bắt đầu chiến dịch quân sự ở Gaza sau khi Hamas thực hiện cuộc tấn công xuyên biên giới bất ngờ vào miền Nam nước này ngày 7/10/2023, giết chết 1.200 người, chủ yếu là dân thường và bắt 253 người khác làm con tin.
Hôm 6/2, Bộ Y tế Gaza cho biết, ít nhất 27.585 người Palestine đã được xác nhận thiệt mạng trong chiến dịch quân sự của Israel, hàng nghìn người khác mất tích khả năng bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Cuộc chiến cũng khiến 66.978 người Palestine bị thương.
Hôm 6/2, lực lượng Israel tiếp tục các hoạt động quân sự trên bộ ở Gaza, bao gồm thành phố Khan Younis, phía nam dải đất.
Trong khi Rafah, thành phố ở cực nam dải đất giáp biên giới với Ai Cập, nơi một triệu thường dân sơ tán đang tá túc, tiếp tục hứng chịu các cuộc không kích và pháo kích xe tăng.