Các bệnh viện nói gì về việc chỉ có hơn 20% cơ sở y tế áp dụng bệnh án điện tử

Bệnh án điện tử giúp người bệnh không phải mang theo giấy tờ khi đi khám bệnh, giảm thời gian chờ đợi và liên thông dữ liệu sức khỏe người bệnh, giúp bác sĩ chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh viện triển khai còn thấp.

 Triển khai xe tiêm thực hiện y lệnh ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình

Triển khai xe tiêm thực hiện y lệnh ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình

Mặc dù lợi ích của bệnh án điện tử (EMR) là không thể phủ nhận, nhưng hiện, tỷ lệ thực hiện theo quy định của Bộ Y tế mới đạt 23,7% (32/135). Chính vì vậy, Hội Tin học Y tế, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (KCB) Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm triển khai bệnh án điện tử (EMR) và thanh toán không dùng tiền mặt ở các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB)”, nhằm tìm kiếm giải pháp tối ưu thúc đẩy triển khai EMR.

Bệnh án điện tử: Lợi cho dân, cho cả thầy thuốc

Tại hội thảo diễn ra hôm nay, 9/8, PGS.TS Trần Quý Tường - Chủ tịch Hội Tin học Y tế - khẳng định: Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, triển khai EMR là xu hướng tất yếu của ngành y tế, là bước đột phá quan trọng trong chuyển đổi số của ngành Y tế. Vì thế, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 46/2018/TT-BYT quy định hồ sơ EMR.

Ông Tường nhấn mạnh vai trò của triển khai EMR: Người bệnh không phải mang theo tất cả các loại giấy tờ khi đi KCB; quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của người dân, để chủ động hơn trong phòng và chữa bệnh. EMR cũng giúp giảm thời gian chờ đợi và thủ tục rườm rà cho bệnh nhân. Người bệnh không phải lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm, không phải hoang mang khi đọc chữ viết xấu của bác sĩ.

EMR cung cấp thông tin, dữ liệu lâm sàng nhanh chóng, kịp thời giữa các cơ sở KCB, khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. Các bác sĩ có thể truy cập hồ sơ EMR từ bất kỳ nơi nào trên thế giới nếu có internet, tiết kiệm được chi phí duy trì các kho lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy.

Việc triển khai EMR cùng với triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử giúp cho ngành y tế có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác, minh bạch, giúp cho việc quản lý chi phí KCB bảo hiểm y tế (BHYT) dễ dàng hơn, hạn chế lạm dụng thuốc và xét nghiệm.

 Ký số, trả kết quả chụp phim trên hệ thống RIS/ PACS ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình

Ký số, trả kết quả chụp phim trên hệ thống RIS/ PACS ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình

Nhiều vướng mắc trong triển khai EMR

Ông Tường cung cấp thông tin: Theo lộ trình của Thông tư số 46 đề ra thì đến hết năm 2023 phải có 135 bệnh viện hạng 1 triển khai EMR thành công và khuyến khích các cơ sở KCB khác triển khai EMR.

Nhưng theo Bộ Y tế, cả nước mới có 94 cơ sở KCB công bố đã triển khai EMR, không sử dụng bệnh án giấy, trong đó, có 32 bệnh viện hạng 1; 44 bệnh viện hạng 2; 4 phòng khám và 14 bệnh viện tư nhân. Như vậy, tỷ lệ thực hiện theo Thông tư số 46/2018/TT-BYT mới đạt 23,7% (32/135) chỉ tiêu đề ra.

Việc bỏ in phim, sử dụng hệ thống phần mềm lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế (PACS) rất có ích cho ngành y tế và góp phần bảo vệ môi trường nhưng chỉ có 22 bệnh viện trên toàn quốc triển khai và được thanh toán như in phim.

Ông Tường cho rằng, việc triển khai EMR còn nhiều vướng mắc: Giám đốc nhiều bệnh viện chưa quyết liệt; trở ngại do thay đổi thói quen làm việc truyền thống sang quy trình làm việc khoa học hơn. Triển khai EMR là vấn đề mới, chưa có kinh nghiệm. Hiện chưa có cơ chế tài chính cho ứng dụng CNTT y tế nói chung và triển khai hồ sơ EMR nói riêng.

Tuy nhiên, tại hội thảo, các bệnh viện cũng chia sẻ những khó khăn gặp phải khi triển khai EMR. Theo Bệnh viện Đa khoa Cuộc sống, các biểu mẫu có liên quan đến chữ ký của người bệnh vẫn phải ký tươi, như bảng kê thanh toán ra viện; bản cam kết của người bệnh; phiếu công khai thuốc, dịch vụ KCB; phiếu cam kết phẫu thuật. Do cơ quan bảo hiểm không đồng ý cho sử dụng sinh trắc học vân tay, do đó, bệnh viện đang phải cho bệnh nhân/người nhà ký tươi trên bản giấy, sau đó số hóa thành bản điện tử đính kèm hồ sơ EMR và phải lưu trữ bản giấy theo quy định.

 Thanh toán không dùng tiền mặt ở Bệnh viện Việt Đức

Thanh toán không dùng tiền mặt ở Bệnh viện Việt Đức

Các bệnh viện đã triển khai không in phim đều phản ánh việc vẫn chưa có quy định về thanh toán giá tiền phim cho các bệnh viện triển khai EMR, chỉ có các bệnh viện trong đề án được Bộ Y tế phê duyệt thí điểm mới được thanh toán theo mức giá quy định tại đề án. Các bệnh viện triển khai EMR khi thay đổi các biểu mẫu cần có thời gian, trong khi các bệnh viện chưa triển khai EMR thì chỉ cần bỏ các biểu cũ để in các bảng biểu mẫu mới.

Đại diện Bệnh viện Hòa Bình cũng phản ảnh: Chưa có sự kết nối, liên thông, chia sẻ giữa các thông tin, dữ liệu của ngành Y tế, dẫn đến các cơ sở dữ liệu còn phân tán, thiếu kết nối chia sẻ. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin của của các hệ thống thông tin triển khai tại các đơn vị còn gặp nhiều khó khăn do chưa được quan tâm, do thiếu cán bộ chuyên trách có trình độ, năng lực và tính chuyên nghiệp. Thiếu kinh phí để đầu tư triển khai ứng dụng CNTT (kết cấu chi phí đầu tư công nghệ thông tin chưa được cơ cấu vào giá dịch vụ y tế).

Theo đại diện Bệnh viện Nông nghiệp, có nhiều công ty cung cấp phần mềm, người bệnh còn lạc hậu, chưa chấp nhận tiếp cận với công nghệ, giá viện phí chưa tương xứng với chất lượng.

Các đơn vị cũng kiến nghị hoàn thiện cơ chế chính sách, đặc biệt là quy định về chi phí CNTT, giá thành khi triển khai PACS để đẩy nhanh triển khai EMR trên cả nước; đề xuất xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật của phần mềm EMR như: Cấu trúc EMR theo tiêu chuẩn HL7, xác lập mã định danh y tế (ID) để triển khai EMR thống nhất; các giải pháp ứng dụng chữ ký điện tử, chữ ký số trong EMR; Các giải pháp kỹ thuật và giải pháp xã hội để thực hiện thanh toán viện phí điện tử…

Thanh Hằng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/cac-benh-vien-noi-gi-ve-viec-chi-co-hon-20-co-so-y-te-ap-dung-benh-an-dien-tu-post177199.html