Các bệnh viện sẵn sàng cứu chữa người bệnh dịp Tết
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, trong khi người người, nhà nhà lo sắm sửa, trang hoàng nhà cửa chuẩn bị đón năm mới thì tại các bệnh viện trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, công tác khám, chữa bệnh vẫn diễn ra bình thường. Cùng với đó, các phương án cấp cứu, phòng, chống dịch bệnh… trong những ngày nghỉ Tết cũng đã được các bệnh viện hoàn thành, bảo đảm sẵn sàng phục vụ.
Bệnh viện Bạch Mai bố trí hơn 400 nhân viên y tế làm nhiệm vụ ứng trực, sẵn sàng cấp cứu trong dịp Tết. Ảnh: Dương Ngọc
Tổ chức khám, chữa bệnh như ngày thường
Là cơ sở đầu ngành trong cấp cứu ngoại khoa nên cứ mỗi dịp lễ, Tết, cường độ làm việc của các y, bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức thường “căng” hơn ngày thường. Ngay trong những ngày Tết cận kề, bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân P.V.K. (44 tuổi, ở tỉnh Hà Nam) nhập viện trong tình trạng dập nát vùng cánh tay, chấn thương phức tạp vùng mặt, có rất nhiều dị vật trong mắt... do pháo nổ. Ngay lập tức, các bác sĩ đã phẫu thuật cho bệnh nhân K. Sau mổ, tình trạng sức khỏe bệnh nhân ổn định…
GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cho biết, trung bình mỗi ngày, bệnh viện phải mổ cấp cứu 30-35 ca, mổ phiên khoảng 200 ca. Như vậy, bệnh viện phải phẫu thuật khoảng 230 ca/ngày. Số ca mổ sẽ tăng cao hơn vào dịp Tết Nguyên đán. Do đó, bệnh viện đã tăng cường phòng mổ với đầy đủ trang thiết bị, bảo đảm giải quyết kịp thời các ca cấp cứu phải phẫu thuật. Ngoài ra, trong 7 ngày nghỉ Tết, mỗi ngày bệnh viện bố trí khoảng 300-400 bác sĩ ứng trực 24/24 giờ, trong đó có khoảng 10 giáo sư, bác sĩ tham vấn chuyên khoa, sẵn sàng ứng phó khi có ca tai nạn hàng loạt, báo động đỏ.
Tương tự, tại Bệnh viện Bạch Mai, theo GS.TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc phụ trách bệnh viện, Khoa Khám bệnh vẫn tổ chức khám tất cả các ngày Tết (từ 29 Tết đến mùng 5 Tết). Bệnh viện cũng bố trí hơn 400 nhân viên y tế trực 24/24 giờ, bảo đảm xử trí kịp thời mọi trường hợp, tránh tình trạng đùn đẩy, gây phiền hà cho người bệnh. Bên cạnh đó, để động viên người bệnh phải ở lại điều trị trong dịp Tết, sáng 22-1 (tức 28 Tết), lãnh đạo bệnh viện đến các khoa, phòng để thăm, tặng quà bệnh nhân và động viên, đôn đốc cán bộ y tế làm nhiệm vụ dịp Tết.
Không chỉ phân công lịch trực Tết tới từng cán bộ, nhân viên, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản trung ương còn sẵn sàng nhân lực, vật lực để đáp ứng các tình huống xảy ra trong sản khoa. Ngoài ra, trong đêm Giao thừa, lãnh đạo bệnh viện sẽ đến thăm, tặng quà các sản phụ sinh con vào thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới.
Hiện nay, trong bối cảnh dịch bệnh viêm phổi do vi rút mới corona đang diễn biến phức tạp tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc và một số quốc gia khác tại châu Á, theo Tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, bệnh viện đã thiết lập khu vực cách ly, tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ có tiền sử đi, về từ vùng dịch. Khoa Cấp cứu và Khoa Hồi sức bảo đảm đầy đủ các trang thiết bị cấp cứu sẵn sàng cứu chữa người bệnh như: Máy thở, hệ thống ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể)...
Các y, bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức trực cấp cứu người bệnh. Ảnh: Xuân Lộc
Khi có lệnh là lên đường...
Sở Y tế Hà Nội vừa chính thức công bố danh sách 69 điểm bán thuốc trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, trong đó có 39 nhà thuốc trong bệnh viện và 30 nhà thuốc, quầy thuốc được phân bố tại các quận, huyện, thị xã. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền khẳng định, ngành Y tế Thủ đô sẽ cử cán bộ trực 24/24 giờ trong các ngày nghỉ Tết để theo dõi, nắm bắt tình hình và giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp cứu, cung ứng thuốc phục vụ chữa bệnh. Mặt khác, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị không lợi dụng thời điểm Tết Nguyên đán để tăng giá thuốc. Ngành Y tế Hà Nội cũng đã phân công 7 bệnh viện và 23 trung tâm y tế quận, huyện tổ chức lực lượng thường trực tại các điểm bắn pháo hoa. Mỗi đơn vị cử 1 tổ cấp cứu, gồm: 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng, 1 xe ô tô cứu thương, bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị, thường trực trong suốt quá trình bắn pháo hoa.
Trước thềm năm mới, kiểm tra công tác ứng trực cấp cứu tại một số bệnh viện, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu, kỳ nghỉ Tết năm nay kéo dài, do đó, từng nhân viên y tế phải thực hiện đúng nhiệm vụ được phân công, làm tốt công tác cấp cứu, thu dung bệnh nhân. Đặc biệt, các cán bộ y tế cần có tinh thần, thái độ đúng mực, đón tiếp chu đáo bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng lưu ý, trong những ngày Tết, các kíp trực tại bệnh viện tuyệt đối không được sử dụng rượu, bia. Các bệnh viện cũng phải chuẩn bị đội cấp cứu lưu động với đầy đủ trang thiết bị, cơ số thuốc, kíp trực...; sẵn sàng khi có lệnh là lên đường ngay.
Để người dân đón Tết an vui, mạnh khỏe, bác sĩ Trần Quốc Khánh, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức khuyến cáo, các nghiên cứu đều chỉ ra, tỷ lệ nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não tăng rất cao vào dịp lễ, Tết. Do đó, những người bị cao huyết áp, tiểu đường, béo phì, tăng mỡ máu… nên đi kiểm tra sức khỏe toàn diện, đặc biệt là tim mạch trước khi nghỉ Tết. Người bệnh nên tuân thủ điều trị, uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, kiểm soát tốt huyết áp, đường máu và mỡ máu vào dịp lễ, Tết. Tránh những thói quen ăn uống không tốt cho sức khỏe như ăn quá nhiều đồ ngọt, đồ chế biến sẵn, ăn quá mặn…