Các bị cáo nói gì trong lời sau cùng tại phiên phúc thẩm vụ 'chuyến bay giải cứu'?
Tối 26/12, HĐXX phúc thẩm vụ 'chuyến bay giải cứu' tuyên bố kết thúc phần tranh luận, trước khi HĐXX bước vào phần nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng.
Nhiều bị cáo ăn năn, hối hận
Là người đầu tiên nói lời sau cùng, bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu cán bộ của Bộ Y tế đã gửi lời xin lỗi đến gia đình, Đảng, Nhà nước, nhân dân, lãnh đạo Bộ Y tế vì những sai phạm do bản thân gây ra. Bị cáo này cho biết sai phạm ngày hôm nay xuất phát từ nhận thức nhất thời khi không vượt qua được cám dỗ của đồng tiền. “Trên thực tế, bị cáo không có sách nhiễu, gây cản trở cho doanh nghiệp”, Kiên nói.
Trước tòa, Kiên khẳng định bản thân đã nhận thức rõ sai phạm và bày tỏ sự hối hận nên đã có tinh thần cầu thị, chủ động khai báo. Nếu có cơ hội chuộc tội thì bị cáo xin sẵn sàng chuộc tội và mong muốn được sửa chữa.
Bị cáo Kiên mong muốn được hưởng mức án có thời hạn để sớm trở về chăm sóc mẹ già.
Đứng trước HĐXX, bị cáo Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục quản lý Xuất nhập cảnh) gửi lời xin lỗi Đảng, Nhà nước, nhân dân, Bộ Công an vì những sai phạm mà bản thân đã gây ra. Bị cáo đã không vượt qua được cám dỗ. Tuấn cho biết bản thân thấy rất ăn năn và mong được HĐXX mở rộng lượng khoan hồng để bị cáo sớm có cơ hội trở về với gia đình, xã hội.
Có mặt tại tòa, bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên) thừa nhận sai phạm và rất hối hận về sai lầm của bản thân. Theo lời bị cáo Hưng, bị cáo đã phụ lòng tin của gia đình và lãnh đạo. Trước HĐXX, Hưng gửi lời xin lỗi và mong HĐXX chấp thuận nội dung bào chữa của luật sư để đưa ra phán quyết giúp bị cáo sớm trở về với gia đình, xã hội.
Nói lời sau cùng, bị cáo Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) ngậm ngùi nói, qua 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, ngày hôm nay bị cáo hiểu rõ hơn, đầy đủ hơn bức tranh vụ án. “Bị cáo vô cùng hối hận”, bị cáo Dũng nói và gửi lời xin lỗi tới Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Theo lời ông Dũng, mặc dù không cố ý nhưng ông đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Bộ Ngoại giao, nơi ông công tác, trưởng thành.
“Bị cáo xin HĐXX, VKS xem xét toàn diện, cho bị cáo được hưởng chính sách khoan hồng, chủ trương nhân đạo của Đảng. Cả đời bị cáo tận tụy, cống hiến. Bị cáo xin lỗi gia đình, bạn bè”, ông Dũng nghẹn ngào nói.
Về phần mình, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan nói lời sau cùng trong nước mắt: “Bị cáo rất đau xót và xin nhận tội, xin gửi lời xin lỗi tới Đảng, Nhà nước, nhân dân, Bộ Ngoại giao. Vì sai phạm của bị cáo mà đã làm giảm uy tín của đơn vị”, bà Hương Lan nói.
Bị cáo Lan mong muốn được khắc phục lỗi lầm trong thời gian sớm nhất.
Với các bị cáo còn lại trong vụ án đều thể hiện sự ăn năn hối hận và mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho mình để các bị cáo sớm có cơ hội được trở về với gia đình, xã hội và sớm được làm lại cuộc đời.
Do tính chất phức tạp của vụ án nên HĐXX phúc thẩm quyết định nghị án kéo dài và sẽ tuyên án đối với 21 bị cáo vào 10h sáng ngày mai (27/12/2023).
Không vượt qua được cám dỗ vật chất
Trong phần xét hỏi trước đó, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, xin giữ nguyên kháng cáo giảm nhẹ hình phạt và bổ sung phần trách nhiệm dân sự liên quan đến căn hộ của mẹ bị cáo bị kê biên.
Theo bị cáo Lan, căn hộ ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đứng tên bà, tuy nhiên đây là tài sản của bố mẹ mua từ năm 2010. "Mẹ bị cáo đã 90 tuổi đã có đơn xin giải tỏa kê biên căn hộ này để có nơi ở những năm tháng cuối cuộc đời", bị cáo Lan nói.
Bà Lan đề nghị HĐXX kê biên các tài sản còn lại của mình để khắc phục hậu quả. "Nếu số tài sản này không đủ thì bị cáo xin được lao động để khắc phục", bà Lan nói.
Tiếp tục trình bày, bị cáo Lan mong HĐXX xem xét lại tình tiết tăng nặng "lợi dụng tình hình dịch bệnh để phạm tội".
Bị cáo cho rằng quá trình công tác tại Cục Lãnh sự, "bản thân chưa bao giờ có suy nghĩ, ý định mưu đồ tư lợi".
Trong quá trình cấp phép chuyến bay giải cứu, bà cũng không gây khó khăn cho doanh nghiệp. "Mong Tòa không áp dụng tình tiết tăng nặng với tôi".
Bà Lan nhận thức được hành vi nhận quà, tiền của doanh nghiệp xin cấp phép chuyến bay là sai trái. "Bị cáo rất ân hận vì đã không vượt qua được cám dỗ vật chất, xin được sám hối tất cả tội lỗi", bà Lan phân trần.
Chủ tọa chất vấn: "Bị cáo cầm của các doanh nghiệp 25 tỷ đồng, đây là số tiền rất lớn. Nhưng đến nay, bị cáo mới khắc phục được hơn 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, các tài sản bị kê biên của bị cáo đều có trước lúc phạm tội. Vậy bị cáo đã dùng số tiền này vào việc gì? Từ năm 2020 - 2022, bị cáo sao có thể tiêu hết số tiền này?".
Bị cáo Lan đáp: "Hiện gia đình bị cáo không còn một đồng nào".
Chủ tọa cho hay: "Hầu hết các bị cáo trong vụ án này đã khắc phục hết hậu quả, chỉ còn bị cáo không có ý thức khắc phục. Đây là tình tiết để Tòa xem xét về thái độ của bị cáo".
Cuối phần trình bày, bị cáo Lan nói từng được tặng bằng khen vì có thành tích trong chống dịch COVID-19, mong Tòa xem xét để giảm nhẹ hình phạt.
Hội đồng xét xử tiếp tục nhắc nhở: "Bị cáo nhận tiền hối lộ của các doanh nghiệp từ năm 2020, sang năm 2021 được tặng bằng khen, vậy có xứng đáng không?". Bị cáo Lan vẫn khẳng định: "Bị cáo không có mưu đồ tư lợi trong thời gian dịch bệnh".
Theo bản án sơ thẩm, trong thời gian từ tháng 5/2020 đến tháng 1/2022, có 8 cá nhân đại diện các doanh nghiệp đã đặt vấn đề nhờ và được bà Lan đồng ý tạo điều kiện giúp đỡ trong việc cấp phép chuyến bay.
Quá trình từ tháng 12/2020 đến tháng 1/2022, bị cáo Lan đã nhận hối lộ 32 lần của 8 cá nhân đại diện doanh nghiệp, tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng. Do đó, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan bị Tòa cấp sơ thẩm tuyên án tù chung thân về tội “Nhận hối lộ”.