Các bị cáo thống nhất với nhau về mục đích, ý chí để thực hiện hành vi phạm tội

Ngày 16/8, luật sư tiếp tục bào chữa cho các bị cáo thuộc nhóm Phòng tàu sông (khối S), các bị cáo thuộc nhóm có hành vi sản xuất, mua bán, trao đổi, tặng cho phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật và nhóm bị cáo liên quan đến hoạt động đấu thầu, mua sắm thiết bị kiểm định trong phiên tòa xét xử 'đại án' liên quan đến ngành đăng kiểm.

Các bị cáo là đăng kiểm viên, lãnh đạo Cục Đăng kiểm và Phòng Tàu sông, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong quá trình đánh giá thực tế tại hiện trường, soát xét hồ sơ, đã làm trái quy định và đề xuất cấp thông báo cho các cơ sở không đủ năng lực, tạo điều kiện cho các cơ sở đóng tàu trên hoạt động trái pháp luật, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước liên quan hoạt động đăng kiểm thủy nội địa và uy tín của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Quá trình bào chữa, các luật sư cũng như các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội mà cáo trạng truy tố.

Các bị cáo tại tòa.

Các bị cáo tại tòa.

Theo đại diện VKS, đối với các phương tiện giao thông vận tải thủy, quy trình thực hiện đăng kiểm vận tải thủy phải tuân thủ các quy định theo pháp luật. Tuy nhiên, các bị cáo đã cấp giấy cho các phương tiện không đủ điều kiện, chẳng hạn như bị cáo Bùi Quốc Hưng, Trưởng Phòng Tàu sông, trong quá trình soát xét hồ sơ cấp Thông báo năng lực cho Cơ sở đóng tàu, Hưng đã đánh giá 62 cơ sở và soát xét 98 hồ sơ, kết quả điều tra xác định 30 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện cấp Thông báo năng lực. Bị cáo Đậu Ngọc Bình, Phó phòng Tàu sông, đã đánh giá 1 hồ sơ, soát xét 57 hồ sơ, kết quả điều tra xác định 15 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện cấp Thông báo năng lực…

Tương tự, nhiều bị cáo khác là các đăng kiểm viên, Phòng Tàu sông, đã đánh giá nhiều hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện cấp Thông báo năng lực, các bị cáo đã làm trái quy định, đề xuất cấp thông báo cho Cơ sở không đủ năng lực… Theo VKS, khi soát xét hồ sơ, kiểm tra thực tế đã không thực hiện đúng theo quy định, dẫn đến việc cấp thông báo năng lực cho các cơ sở đóng tàu không đủ năng lực, tạo điều kiện cho các cơ sở đóng tàu trên hoạt động trái pháp luật, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước liên quan hoạt động đăng kiểm thủy nội địa và uy tín của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Theo VKS, các bị cáo tại tòa đều thừa nhận hành vi phạm tội, không hưởng lợi, do khối lượng công việc nhiều, nhận thức công việc yếu kém. Quá trình điều tra, cơ quan điều tra cũng không xác định được các bị cáo hưởng lợi từ hành vi này. Luật sư của các bị cáo cũng đề nghị HĐXX xem xét mức án thấp hơn mức mà VKS đề nghị.

Tuy nhiên, đại diện VKS khẳng định các bị cáo đã thống nhất với nhau về mục đích ý chí,… do vậy các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.

Sau quá trình bào chữa, đại diện VKS đã có đánh giá lại đối với các bị cáo và có đề nghị giảm mức án cho một số bị cáo, trong đó bị cáo Đặng Việt Hà, cựu Cục trưởng Cục Đăng Kiểm Việt Nam (bị đề nghị 20 năm tù) được đại diện VKS xem xét và đề nghị lại mức án giảm xuống còn 18 -19 năm tù. Nhiều bị cáo khác cũng được đề nghị giảm án từ 1 - 2 năm tù, một số bị cáo được điều chỉnh từ án tù giam cho hưởng án treo.

Ngày mai các bị cáo sẽ nói lời sau cùng.

M.Đức - V.Hào. C.Linh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-tin-113/cac-bi-cao-thong-nhat-voi-nhau-ve-muc-dich-y-chi-de-thuc-hien-hanh-vi-pham-toi-i740763/