Các bị cáo thuộc Cục Lãnh sự, Đại sứ quán thừa nhận hành vi phạm tội
Trong phiên tòa xét xử sáng nay (13/7), HĐXX đã tập trung xét hỏi nhóm bị cáo thuộc Cục Lãnh sự, Đại sứ quán về hành vi vi phạm trong vụ 'chuyến bay giải cứu'.
Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự thừa nhận sai phạm
Trước HĐXX, bị cáo Hương Lan khai, việc tổ chức cấp phép chuyến bay đưa công dân về nước là công tác bảo hộ công dân, thuộc Phòng bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự.
Về quy trình, hồ sơ cấp phép chuyến bay được gửi đến Cục Lãnh sự, bộ phận văn phòng sẽ đưa về Phòng Bảo hộ công dân. Phòng Bảo hộ công dân sẽ tập hợp các yêu cầu của doanh nghiệp lập thành danh sách tổng hợp. Trên cơ sở các tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp do Tổ 5 Bộ đã thống nhất trước đó, Phòng Bảo hộ công dân sẽ lựa chọn doanh nghiệp đủ tiêu chí, tạm gọi là danh sách đề xuất các doanh nghiệp rồi đưa lên cho Phó Cục trưởng phụ trách.
Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Hương Lan khai phân công cho bị cáo Đỗ Hoàng Tùng (Cục phó) xem trước và điều chỉnh. Nếu hoàn chỉnh sẽ đưa lên cho bị cáo để bị cáo báo cáo Thứ trưởng Tô Anh Dũng. Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp cấp phép chuyến bay bao gồm yếu tố như địa bàn đông công dân bị mắc kẹt được ưu tiên, các địa phương phải có văn bản tiếp nhận công dân, không dồn nhiều quá một thời điểm vào một địa phương, người đưa về phải là công dân Việt Nam có nhu cầu về nước đang kẹt ở nước ngoài, doanh nghiệp phải đảm bảo việc thực hiện trọn gói cho công dân.
Bị cáo Lan thừa nhận trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị cáo có gặp và nhận quà, tiền của một số doanh nghiệp. Bị cáo nói: ''Dù không nhớ rõ nhưng bị cáo cũng rất tin tưởng vào Cơ quan điều tra, tin tưởng vào nội dung cáo trạng. Bị cáo thừa nhận nội dung cáo trạng''.
Theo hồ sơ vụ án, biết được vai trò của bị cáo Hương Lan, từ tháng 5/2020 đến tháng 1/2022, 8 cá nhân là đại diện doanh nghiệp đã tìm cách tiếp cận, đưa tiền để được cấp phép chuyến bay nhanh chóng.
Cơ quan điều tra xác định Cựu Cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan đã nhận hối lộ 33 lần, tổng cộng hơn 25 tỷ đồng. Trong giai đoạn điều tra, bị cáo Hương Lan không thừa nhận số tiền 25 tỷ đồng mà chỉ nhận 900 triệu đồng và một số quà cáp.
Nhưng tại phiên tòa xét xử sáng nay, bị cáo Hương Lan thừa nhận toàn bộ số tiền như cáo trạng đã nêu. Chủ tọa phiên tòa đã xác nhận với bị cáo các lần nhận tiền, doanh nghiệp đưa tiền… Theo đó, bị cáo này xác nhận đã nhận hối lộ của 8 doanh nghiệp gồm Công ty An Bình, ATA, Nhật Minh, MasterLife, Bluesky, đại diện Lữ Hành Việt, đại diện Thuận An.
Bị cáo đã 11 lần nhận tổng số tiền 13,2 tỷ đồng từ bị cáo Hoàng Thị Mơ, nhận 4 lần của bị cáo Nguyễn Thị Tường Vy số tiền 2,2 tỷ đồng, nhận 20.000 USD của bị cáo Lê Văn Nghĩa, nhận 55.000 USD của bị cáo Trần Thị Mai Xa, nhận 5,9 tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng.
Hiện, bị cáo này và gia đình đã nộp 900 triệu đồng khắc phục hậu quả.
Cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản nhận hơn 1,8 tỷ đồng
Trong phần xét hỏi trước đó, HĐXX đã tập trung xét hỏi các bị cáo là cựu đại sứ quán các nước để làm rõ hành vi của từng bị cáo.
Theo cáo buộc, bị cáo Vũ Hồng Nam, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản đã nhận hối lộ hơn 1,8 tỉ đồng.
Thời điểm năm 2018, Vũ Hồng Nam được bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Nhật Bản, có trách nhiệm chỉ đạo, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Đại sứ quán, trong đó có chức năng bảo hộ công dân.
Trong thời điểm diễn ra đại dịch, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã tổ chức 57 chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước. Do số lượng công dân Việt Nam tại Nhật Bản có nhu cầu về nước rất lớn nên Vũ Hồng Nam đã gửi nhiều công điện về nước đề nghị Chính phủ tăng cường các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước.
Sau đó, bị cáo Nam đã ký các Công điện gửi về UBND tỉnh Khánh Hòa, Thanh Hóa, Thái Nguyên xin cách ly cho công dân và gửi Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19, Bộ Y tế, Cục Lãnh sự... để xin phê duyệt chuyến bay do Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức.
Từ tháng 11/2020 đến cuối tháng 9/2021, Vũ Hồng Nam đã xin phê duyệt được 6 chuyến bay combo, đưa khoảng 1.490 công dân từ Nhật Bản về nước, giao cho Công ty Nhật Minh của Lê Văn Nghĩa tổ chức thực hiện.
Tại tòa, bị cáo Nam thừa nhận đã được ông Lê Văn Nghĩa (Giám đốc Công ty Nhật Minh) liên hệ, đặt vấn đề và được bị cáo đồng ý giúp cho Công ty Nhật Minh bán vé máy bay và đưa công dân Việt Nam từ Nhật Bản về nước cách ly tại khách sạn của Nghĩa tại Khánh Hòa.
Theo lời khai của bị cáo Nam, doanh nghiệp Nhật Minh xuất hiện đúng thời điểm mà Đại sứ quán cũng đang xin cấp phép chuyến bay để đưa công dân về nước nên đã chấp nhận hợp tác với Nghĩa để đưa công dân về Khánh Hòa.
Bị cáo Vũ Hồng Nam thừa nhận đã 2 lần được ông Nghĩa đưa quà biếu ở chỗ hẹn gặp. Khi về nhà, ông Nam mở ra mới biết đó là tiền. Bị cáo Nam nói: “Bị cáo có liên hệ để trả lại tiền nhưng đã không kiên quyết, đây là lỗi lầm mà bị cáo phải trả cho cái sai của mình”.
Tại tòa, bị cáo Nam thừa nhận đã cầm của doanh nghiệp số tiền 60.000 USD và 450 triệu đồng. Trong quá trình điều tra, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam đã nộp lại toàn bộ số tiền để khắc phục hậu quả.
Cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Osaka: “Tôi đã chủ động nộp lại tiền và rất hối hận”
Theo cáo buộc, bị cáo Nguyễn Hồng Hà, cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản đã nhận hối lộ hơn 2 tỷ đồng.
Cụ thể, trong quá trình tổ chức các chuyến bay, đầu tháng 3/2021, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó tổng giám đốc Công ty Blue Sky) bàn bạc với ông Hà về việc tổ chức chuyến bay đưa công dân từ Osaka, Nhật Bản về nước.
Trước HĐXX, bị cáo Hà khai rằng trong quá trình công tác có gặp gỡ bà con, cộng đồng, chính quyền ở đây thì được biết có nhiều bà con người Việt có nhu cầu về nước nhưng không có chuyến bay. Do đó, bị cáo Hà có công văn đề nghị Cục Lãnh sự tổ chức chuyến bay đưa công dân về nước và được đồng ý.
Sau đó, bà Hằng có thông báo đã được trong nước chấp thuận để tổ chức chuyến bay và mong muốn phối hợp.
Quá trình tổ chức thực hiện các chuyến bay đưa công dân về nước, từ tháng 6/2021 đến tháng 11/2021, Nguyễn Hồng Hà đã nhận hối lộ 2 lần, tổng số hơn 2 tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng.
Theo lời khai của bị cáo Nguyễn Hồng Hà, khi đưa tiền, bà Hằng nói đây là quà của công ty. Khi làm việc với CQĐT, bị cáo mới biết đây là một phần lợi nhuận của chuyến bay đầu tiên. Đến chuyến bay thứ 2, bà Hằng không đặt vấn đề tiền nong, nhưng sau đó Hằng gọi điện cho bị cáo và đưa cho 1 gói quà. Khi về, bị cáo mở ra thấy có 600 triệu đồng tiền mặt.
Bị cáo Nguyễn Hồng Hà nói: “Tôi thấy ăn năn, không ổn nên đã chuyển trả tiền cho Hằng… Tôi đã chủ động nộp lại tiền và rất hối hận về việc này”.
Nghĩ đơn giản là "quà cảm ơn”
Tương tự bị cáo Vũ Hồng Nam, bị cáo Đỗ Hoàng Tùng, cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đánh giá các chuyến bay do các doanh nghiệp tổ chức đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo hộ công dân.
Với hiệu quả công việc này, bị cáo Tùng chỉ nghĩ đơn giản số tiền mà các doanh nghiệp đưa là quà cảm ơn và đã nhận số tiền đó. Bị cáo Tùng tự hiểu việc cảm ơn này của các doanh nghiệp là có ý nhờ bị cáo tiếp tục tạo điều kiện cho các chuyến bay tiếp theo.
Quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị cáo Tùng đã nhận thức rõ, sâu sắc lỗi lầm của mình, theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng là không được phép nhận số tiền này và mong muốn khắc phục hậu quả do hành vi của mình gây ra.
Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng khai khi tiếp xúc với các doanh nghiệp nộp hồ sơ xin cấp phép các chuyến bay đều tạo điều kiện hỗ trợ họ tối đa, không yêu cầu hay đòi hỏi các doanh nghiệp này phải nộp tiền.
Số tiền mà bị cáo Dũng đã nhận của các doanh nghiệp là do bị cáo xác định đó là khoản tiền cảm ơn mà không nghĩ đó là hành vi vi phạm pháp luật. Bị cáo Tô Anh Dũng xin thành khẩn nhận lỗi, ăn năn hối lỗi, thừa nhận nội dung và tội danh “nhận hối lộ” mà cáo trạng truy tố bị cáo là đúng.
Trước khi vụ án được đưa ra xét xử, bị cáo Dũng và gia đình đã nộp gần 17 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Hiện, bị cáo này đang tác động gia đình để nộp nốt số tiền hưởng lợi bất chính còn lại. Bị cáo Dũng mong được HĐXX xem xét cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.