Các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm, hiệu quả việc sắp xếp lại nhà, đất

Bộ Tài chính vừa có Công văn số 994/BTC-QLCS yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước triển khai thực hiện nghiêm các quy định trong sắp xếp lại, xử lý nhà đất và tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, xử lý nhà, đất tại doanh nghiệp nhà nước.

Phân công nhiệm vụ cho từng cơ quan có thẩm quyền

Thực hiện Luật số 56/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2025/NĐ-CP (Nghị định 03) ngày 1/1/2025 quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà, đất (thay thế Nghị định số 167/2017/NĐ-CP cũng quy định về việc này và Nghị định số 67/NĐ-CP sửa đổi, bổ sụng Nghị định số 167).

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 24/12/2024 (Chỉ thị 47) về việc tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, xử lý nhà, đất tại doanh nghiệp nhà nước.

Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm việc sắp xếp lại nhà, đất. Ảnh minh họa.

Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm việc sắp xếp lại nhà, đất. Ảnh minh họa.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định 03 và Chỉ thị 47, ngoài việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung nghị định và chỉ thị tới các cơ quan tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan, Bộ Tài chính cũng lưu ý một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Bộ Tài chính lưu ý, định kỳ hàng quý (trước ngày 5 của tháng đầu quý sau), bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh báo cáo tiến độ, kết quả sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý theo các biểu mẫu quy định.

Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương giao cơ quan có thẩm quyền lập, điều chỉnh phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Nghị định số 03.

Với quy định về cơ quan kiểm tra hiện trạng nhà, đất, Bộ Tài chính lưu ý: Trường hợp cơ quan có thẩm quyền lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất không đồng thời là cơ quan chủ trì kiểm tra hiện trạng nhà, đất thì bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh có văn bản giao cơ quan chủ trì kiểm tra hiện trạng theo quy định.

Đồng thời, Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý hoàn thành việc lập danh mục: nhà, đất thuộc phạm vi sắp xếp; nhà, đất không thuộc phạm vi sắp xếp (trong đó nêu rõ căn cứ cơ sở nhà, đất đó không thuộc phạm vi sắp xếp thuộc trường hợp nào theo quy định); báo cáo cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) để báo cáo cơ quan có thẩm quyền lập phương án tổng hợp, theo dõi trong quá trình thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.

Tổ chức kiểm tra việc tuân thủ tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công (TSC) trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý TSC theo quy định tại Nghị định này. Xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng TSC theo quy định của pháp luật.

Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý tổ chức thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý TSC đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt, chịu trách nhiệm toàn diện về việc tổ chức thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý TSC đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.

UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tiếp nhận thông tin, xem xét, giải quyết các trường hợp hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa phương và trung ương quản lý trên địa bàn theo quy định của pháp luật về đất đai, không chờ đến khi sắp xếp lại, xử lý xong, gây khó khăn cho cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quá trình hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà, đất; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của địa phương về quy hoạch, đất đai, xây dựng liên quan đến cơ sở nhà, đất để cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện từ bước báo cáo kê khai và đề xuất phương án, tổng hợp, kiểm tra hiện trạng, lập, phê duyệt phương án và tổ chức thực hiện.

Căn cứ tình hình thực tế sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà, đất (nếu cần) để đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, bảo đảm không làm tăng biên chế của bộ, ngành, địa phương…

Kiên quyết thu hồi đất sử dụng không đúng mục đích

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tại công văn này, Bộ Tài chính cũng đưa ra trách nhiệm của UBND các cấp. Theo đó, UBND các cấp quản lý về đất đai tại địa phương theo thẩm quyền, trách nhiệm quy định của Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản quy định chi tiết thi hành.

Chỉ đạo rà soát để hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đất đai của các doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai đảm bảo thời gian quy định, tránh gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp.

Về trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính yêu cầu quản lý, sử dụng, xử lý nhà, đất thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đất đai; pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; pháp luật về doanh nghiệp; pháp luật khác có liên quan, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Chỉ đạo tiếp nhận nhà, đất của doanh nghiệp nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án thu hồi, chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật, tránh đùn đẩy, kéo dài thời gian thực hiện, gây lãng phí.

Kiên quyết thu hồi đất đối với doanh nghiệp nhà nước sử dụng không đúng mục đích Nhà nước giao, cho thuê; công nhận quyền sử dụng đất; đất cho mượn, cho thuê không đúng quy định; đất được Nhà nước giao quản lý mà để bị lấn đất, chiếm đất; không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư; không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước; giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về đất đai…

Thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng đất tại các doanh nghiệp nhà nước theo đúng quy định của pháp luật bảo đảm công khai, minh bạch, tránh thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Về trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính yêu cầu chỉ đạo doanh nghiệp nhà nước chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai; pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; pháp luật về đấu giá; pháp luật về cổ phần hóa và pháp luật khác có liên quan.

Thực hiện hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nhà, đất tại doanh nghiệp nhà nước và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp nhà nước và cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định tại điều lệ của doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất của doanh nghiệp mình./.

Vân Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cac-bo-nganh-dia-phuong-can-thuc-hien-nghiem-hieu-qua-viec-sap-xep-lai-nha-dat-169761.html