Các Bộ, ngành Trung ương trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri Đắk Nông (lĩnh vực Thị trường)

Cử tri Đắk Nông đã có nhiều kiến nghị gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, liên quan đến nhiều nhóm vấn đề, lĩnh vực. Trên cơ sở trả lời cử tri của các Bộ, ngành, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đã tổng hợp; Báo Đắk Nông trích đăng để cử tri tìm hiểu, nắm bắt.

Cử tri tỉnh Đắk Nông kiến nghị: Những năm gần đây giá cả nhiều mặt hàng nông sản bấp bênh, rất thấp trong khi giá vật tư nông nghiệp và nhân công luôn ở mức cao đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của đa số nông dân, thu không bù được chi, rất nhiều hộ dân có nguy cơ tái nghèo cao. Vì vậy, cử tri kiến nghị Chính phủ tăng cường phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể Trung ương, chỉ đạo đơn vị có liên quan cùng các địa phương đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Có giải pháp căn cơ trong kiểm soát chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh lưu thông, mở rộng kênh phân phối các mặt hàng nông sản Việt Nam để thúc đẩy thị trường nội địa, giảm dần sự phụ thuộc vào thị trường nước ngoài, hạn chế việc quá tập trung vào một thị trường.

Bộ Công thương trả lời cử tri như sau: (Công văn số 6909/BCT-KH ngày 16/9/2020)

Để mở rộng kênh phân phối, tăng kết nối phát triển thị trường nội địa giữa các doanh nghiệp trong nước, trong những năm gần đây, Bộ Công Thương đã thực hiện một số công việc trọng tâm như sau:

Để thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi phân phối sản phẩm sản xuất tại Việt Nam tại thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã ban hành Công văn số 10050/BCT-TTTN ngày 11 tháng 12 năm 2018 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố nhằm phổ biến, hướng dẫn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào các chương trình, đề án, dự án có nội dung hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi phân phối sản phẩm Việt Nam tại thị trường trong nước.

Chủ trì và phối hợp với các đơn vị khác thuộc Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố (trực tiếp chỉ đạo và phối hợp với Sở Công Thương) triển khai tổ chức nhiều Hội nghị như: Hội nghị kết nối tiêu thụ dưa hấu và các mặt hàng nông sản trong và ngoài nước tại tỉnh Quảng Ngãi (tháng 4 năm 2018); các Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều và nông sản năm 2018, 2019 tại Bắc Giang, Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang tại Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc; Tuần lễ vải thiều Thanh Hà - Hải Dương, nhãn lồng Hưng Yên, Hội nghị xúc tiến tiêu thụ nhãn Sơn La 2020 tại huyện Sông Mã, phối họp Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận xúc tiến tiêu thụ quả thanh long tại Ấn Độ...

Từ định hướng, phương pháp phù hợp, Bộ Công Thương đã phối hợp và hỗ trợ các địa phương trong công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản (như quả vải của tỉnh Bắc Giang, quả xoài của tỉnh An Giang, quả thanh long của tỉnh Bình Thuận...), nhiều địa phương đã chủ động vận dụng và xây dựng các Đề án đẩy mạnh chuỗi cung ứng nông sản, hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa như: Sơn La, Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, An Giang, Hậu Giang, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Nông....

Các Hội nghị được tổ chức đã ghi nhận kết quả rất tích cực, góp phần kết nối giữa các nhà phân phối, kinh doanh nông sản trong và ngoài nước với các nhà sản xuất, bà con nông dân, theo quy mô ngày càng tăng từ một vài tỉnh, mở rộng sang nhiều tỉnh, từ một vùng phát triển lên liên kết vùng đã tạo thuận lợi và điều kiện cho việc tiêu thụ nông, lâm, thủy hải sản sản được dễ dàng hơn.

Để tiếp tục mở rộng kênh phân phối, tăng kết nối phát triển thị trường nội địa giữa các doanh nghiệp trong nước, trong thời gian tới Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện một số công việc trọng tâm như sau:

Phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc triển khai Chương trình bình ổn thị trường, giá cả, góp phần tiêu thụ sản phẩm nông sản với giá ổn định. Việc triển khai chương trình vừa thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, vừa tạo điều kiện để gắn kết các doanh nghiệp sản xuất, phân phối với nông dân, qua đó giúp nông dân yên tâm sản xuất khi đầu ra tiêu thụ ổn định.

Tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu để trao đổi, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, xúc tiến mở rộng thị trường, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nói chung và hàng nông sản nói riêng tại thị trường trong nước và thị trường nước ngoài.

Tăng cường phối hợp ở cấp địa phương giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Công Thương, đặc biệt là ở những địa phương có nông sản số lượng lớn, thiết lập đầu mối tại tất cả các Sở Công Thương để tiếp nhận các thông liên quan đến tình hình tiêu thụ (sản lượng, giá cả, khả năng xuất khẩu, số lượng cần tiêu thụ trong nước...) để kịp thời thông tin cho các các nhà phân phối, các chợ đầu mối tổ chức tiêu thụ.

Tiếp tục đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, mở rộng thị trường trong và ngoài nước; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm hàng tiêu dùng, nông sản, thủy sản của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, hộ nuôi trồng trong nước đến các nhà phân phối (hệ thống siêu thị, chuỗi các cửa hàng cung cấp sản phẩm nông sản, thủy sản và các chợ đầu mối, các chợ dân sinh kinh doanh nông sản, thủy sản).

Chủ động đưa hàng tiêu dùng, nông sản vào hệ thống phân phối của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hướng dẫn các doanh nghiệp phân phối trong nước cũng như các doanh nghiệp phân phối có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) triển khai các chương trình liên kết ổn định, lâu dài với nhà sản xuất và người nông dân để tiêu thụ hàng hóa qua các hệ thống phân phối trong nước, cũng như xuất khẩu thông qua các cơ sở phân phối của các doanh nghiệp này ở nước ngoài.

Ngoài ra, trên cơ sở Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đề nghị các doanh nghiệp xem xét, chủ động thực hiện ký hợp đồng trước thời vụ theo quy định của Nghị định này.

Đ.D

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/tra-loi-cu-tri/cac-bo-nganh-trung-uong-tra-loi-y-kien-kien-nghi-cu-tri-dak-nong-linh-vuc-thi-truong-82931.html