Các bước cơ bản cấp cứu ngưng tim, ngưng thở
Cấp cứu ngưng tim, ngưng thở được xem là quá trình y tế khẩn cấp, quyết định sự sống còn của người bị nạn. Do đó, mỗi người cần tự trang bị kỹ thuật sơ cấp cứu ngưng tim, ngưng thở để ngăn chặn nguy cơ tử vong, giúp người bị nạn duy trì sự sống trước khi được tiếp cận nhân viên y tế.
Khi phát hiện người bị nạn trong tình trạng ngưng thở, ngưng tim, người cấp cứu không được để mình trở thành nạn nhân thứ hai và người bị nạn phải được thoát khỏi sự nguy hiểm càng nhanh càng tốt. Những việc này phải được thực hiện trước khi tiến hành đánh giá đường thở. Trong trường hợp có một người cấp cứu, nên gọi sự hỗ trợ ngay khi phát hiện người bị nạn không đáp ứng.
Để cấp cứu người bị ngưng tim, ngưng thở, cần thực hiện các bước: Khai thông đường thở, hà hơi thổi ngạt, ép tim ngoài lồng ngực. Theo Thạc sĩ Nguyễn Hoài Duyên - Trưởng khoa Bệnh Nghề nghiệp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An, tắc nghẽn đường thở có thể là nguyên nhân đầu tiên gây tình trạng ngưng tim, ngưng thở. Khi giải quyết được tình trạng tắc nghẽn này, người bị nạn có thể hồi phục mà không cần can thiệp gì thêm.
Người bị nạn không thở được có thể do lưỡi tụt về phía sau gây tắc nghẽn hầu họng. Trong trường hợp này, phải mở thông đường thở; thực hiện kỹ thuật khai thông đường thở theo những cách sau: Lấy bỏ dị vật bằng tay (người sơ cứu đứng một bên của nạn nhân, dùng tay mở miệng nạn nhân. Dùng ngón tay cái của một bàn tay móc vào hàm dưới và đẩy xuống dưới, ngón tay trỏ móc vào khoang miệng để lấy dị vật. Xem xét đường thở đã được khai thông hay chưa); ngửa đầu/nâng cằm (người sơ cứu đứng cạnh nạn nhân, một tay nâng cằm lên, tay còn lại đặt trên trán và ép xuống về phía thân. Kiểm tra đường thở và lấy bỏ dị vật nếu có); ấn giữ hàm (người sơ cứu đứng phía đầu người bệnh, dùng ngón tay trỏ và giữa của hai bàn tay móc vào góc hàm, ngón cái ấn vào cằm. Kéo cằm người bệnh về phía đầu. Kiểm tra đường thở và lấy dị vật nếu có).
Bước tiếp theo là hà hơi thổi ngạt. Hai kỹ thuật thường được áp dụng là thổi miệng - miệng hoặc miệng - mũi. Tuy nhiên, kỹ thuật thổi miệng - miệng thường được áp dụng nhiều hơn. Cách thực hiện như sau: Người thực hiện đặt một bàn tay lên trán nạn nhân, ấn ngửa đầu bệnh nhân ra sau, đồng thời dùng ngón trỏ và ngón cái kẹp mũi nạn nhân. Dùng bàn tay còn lại vừa nâng hàm dưới nạn nhân về phía trước, đồng thời kéo mở miệng nạn nhân. Người cấp cứu sau khi hít một hơi thật sâu, áp chặt miệng mình vào miệng nạn nhân rồi thổi hết hơi dự trữ qua miệng vào phổi của nạn nhân.
Kỹ thuật ép tim ngoài lồng ngực được thực hiện như sau: Người thực hiện đặt hai tay lên nhau, gót bàn tay dưới tại vị trí ép tim, khuỷu tay để thẳng, ấn vuông góc sao cho lồng ngực nạn nhân lún xuống khoảng 5-6cm ở người lớn. Sau mỗi nhịp ép, cần nhấc tay lên để cho ngực nạn nhân trở lại vị trí ban đầu rồi mới thực hiện lần ép tim tiếp theo. Tần số: 30 lần ép tim/2 lần thổi ngạt; tần số ép tim 100-120 lần/phút đối với người lớn; trẻ em tùy theo tuổi, tần số tăng dần. Lưu ý, ép tim cần được thực hiện liên tục cho tới khi có nhân viên y tế/máy sốc điện tự động.
Theo các chuyên gia, nếu thấy các biểu hiện sau ở nạn nhân, cần ngừng ngay việc sơ cấp cứu: Người thực hiện cấp cứu cảm thấy đuối sức, nạn nhân thở lại, nhân viên y tế tới; sau khoảng 60 phút sơ cứu mà tim nạn nhân vẫn không đập lại, đồng tử không co lại. Lưu ý, một số trường hợp ngừng tim - phổi trong điều kiện đặc biệt phải cấp cứu kiên trì hơn vẫn có thể cứu sống bệnh nhân.
Để không phải cấp cứu ngưng tim, ngưng thở, mỗi người cần duy trì lối sống lành mạnh, khám sức khỏe định kỳ. Bên cạnh đó, chủ động tầm soát bệnh lý về tim mạch sẽ giúp phòng ngừa và giảm nguy cơ ngưng tim đột ngột xảy ra ở người lớn và trẻ em./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/cac-buoc-co-ban-cap-cuu-ngung-tim-ngung-tho-a167100.html