Các bước xử lý khi xe tải mất phanh

Tài xế cần bình tĩnh bật đèn cảnh báo, chuyển về số thấp, dùng phanh tay để hãm tốc độ, đưa xe về làn đường ít phương tiện nhất để giảm thiệt hại.

Bật đèn cảnh báo

Đây là cách lái xe phải xử lý đầu tiên nhằm thông báo cho các tài xế khác biết xe ô tô bạn đang lái gặp phải trục trặc cần tránh xa.

Thử lại bàn đạp phanh

Nếu đã nhấn bàn đạp phanh của ô tô mà không có phản ứng, hãy nhấn mạnh bàn đạp phanh vài lần để thử kích hoạt phanh, vì hầu hết ô tô ngày nay đều có hệ thống phanh kép.

Khi xe tải mất phanh, nên lái vào đường tránh để giảm tốc độ và thiệt hại. (Ảnh minh họa).

Khi xe tải mất phanh, nên lái vào đường tránh để giảm tốc độ và thiệt hại. (Ảnh minh họa).

Trong trường hợp phanh xe ngừng hoạt động đột ngột, có thể là do một phần của hệ thống này bị trục trặc. Việc tạo áp lực mạnh và nhất quán lên bàn đạp phanh có thể giúp xe giảm tốc độ và dừng lại.

Sử dụng phanh tay

Nếu phanh chân của ô tô không hoạt động, tài xế cần kéo tay phanh khẩn cấp từ từ. Trong trường hợp xe có bàn đạp phanh khẩn cấp, hãy nhấn phanh khẩn cấp cho đến khi xe dừng hẳn.

Phanh khẩn cấp của xe hoạt động độc lập với phanh chính của ô tô. Vì thế, phanh khẩn cấp có thể giúp xe dừng lại an toàn ở tốc độ thấp. Trong trường hợp xe đang chạy tốc độ cao, việc dừng xe bằng phanh tay khẩn cấp sẽ mất nhiều thời gian hơn. Do đó rất cần sự bình tĩnh, tỉnh táo xử lý của lái xe.

Tuy nhiên, việc sử dụng phanh khẩn cấp cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Nếu lái xe sử dụng phanh tay không đúng cách trong trường hợp phanh khẩn cấp, có thể làm văng xe sang một bên.

Về số thấp hơn

Phương pháp này được sử dụng phổ biến nhất để dừng xe khi mất phanh, bằng cách ghì số qua đó làm giảm vận tốc của xe. Đây được gọi là phương pháp phanh bằng động cơ.

Phương pháp này hoạt động bằng cách đạp côn xe tải và về số thấp hơn để giảm tốc độ. Khi tốc độ ô tô đã giảm rõ, tài xế cần kéo phanh tay để xe dừng hẳn.

Di chuyển ra khỏi đường

Nếu đang điều khiển phương tiện trên đường cao tốc, tài xế cần định hướng và quan sát xung quanh, khi đảm bảo an toàn mới di chuyển ô tô sang làn bên phải.

Quá trình chuyển làn, cần tiếp tục bật đèn báo nguy hiểm, sử dụng đèn và còi của xe để cảnh báo lái xe khác đang lưu thông trên đường.

Trong trường hợp có thể, nên di chuyển xe vào bãi đậu hoặc vị trí an toàn ngoài đường chính, tránh dừng xe ở giữa đường hoặc các địa điểm có thể gây nguy hiểm cho các phương tiện khác.

Cạ xe vào vách núi cũng là một giải pháp. (Ảnh minh họa).

Cạ xe vào vách núi cũng là một giải pháp. (Ảnh minh họa).

Hạ cửa sổ xuống để tăng sức cản không khí

Phương pháp này mặc dù không làm cho xe dừng hẳn nhưng nó có thể giúp xe chậm lại. Thêm vào đó, bạn có thể kêu cứu để các tài xế khác biết còn tránh đường.

Rẽ vào đường tránh hoặc một ngọn đồi

Nếu có thể, hãy tìm một con đường lên một ngọn đồi hoặc một con đường lánh nạn được thiết kế sẵn trên các đường giao thông. Trường hợp không có đường lánh nạn, hãy điều khiển xe lên một con dốc nào đó để giảm tốc độ, đủ cho xe dừng lại.

Kéo xe dọc theo đường ta-luy

Đây được xem là biện pháp cuối cùng khi các phương án khác đã không thể xử lý được. Lái xe ô tô dọc theo các đường ta-luy hoặc đường rào chắn có thể giúp xe chậm lại nhưng sẽ khiến chiếc xe bị xước xác, hỏng hóc phần thân vỏ và có thể khiến người lái gặp chấn thương do va đập.

PHẠM DUY (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/cac-buoc-xu-ly-khi-xe-tai-mat-phanh-ar893683.html