Các ca khúc toàn quốc kháng chiến
Những ca khúc cách mạng hào hùng, bi tráng, như những trang sử viết bằng âm nhạc theo suốt 3000 ngày kháng chiến...
Ngày 19/8/1945 được ghi dấu trong lịch sử bằng ca khúc 19 tháng 8(Xuân Oanh) hào hùng: “Mười chín tháng Tám/ Ánh sao tự do đưa tới/ Cờ bay nơi nơi, muôn ánh sao vàng/ Máu pha tươi hồng trên lá cờ bay khắp chốn giang sơn”. Như một lời hiệu triệu, một tuyên ngôn, và cũng như một lời tiên tri, ca khúc 19 tháng 8 song hành cùng cuộc kháng chiến vệ quốc, cổ vũ toàn dân chiến đấu, dự cảm sự hi sinh và chiến thắng tất yếu sẽ đến.
Sử ký bằng âm nhạc cách mạng Việt Nam bắt đầu ghi lại 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp bằng những ca khúc sống mãi với thời gian.
Ca khúc Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi.
Khi toàn quốc kháng chiến có Nam bộ kháng chiến (Tạ Thanh Sơn), Tiếng chuông nhà thờ (Nguyễn Xuân Khoát); Đặc biệt ca khúc Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), có thể xem như một trang sử Hà Nội gồm nhiều chương hào hùng mạnh mẽ như bão tố, bi tráng trong tình yêu tha thiết Thủ đô. Khi chính quyền cách mạng phải rút khỏi Thủ đô, lập chiến khu Việt Bắc, nhạc sĩ Huy Du đã sáng tác ca khúc Sẽ về Thủ đô gợi nhớ lại tuổi thơ, tên đường và phố, kỷ niệm cây cầu bên dòng sông Hồng, đã in đậm sâu trong lòng những người lính Hà Nội ở chiến khu, dự đoán sẽ có ngày chiến thắng, được cầm súng trở về giải phóng Thủ đô: “Ai về Thủ đô tôi gửi vài lời/ Tây Hồ mờ xa là nhà tôi đó/ Đây chợ Đồng Xuân bên dòng Nhị Hà, đi học về qua luôn hát vui ca...
Chùm ca khúc về Sông Lô: Lô Giang (Lương Ngọc Trác), Chiến sĩ Sông Lô (Nguyễn Đình Phúc), Sông Lô (Văn Cao), là một bức tranh diễn tả lại Chiến dịch Việt Bắc thu - đông 1947. Cuốn sử bằng âm thanh ở giai đoạn này càng dầy thêm mãi theo những trận đánh, những chiến dịch chiến thắng oai hùng.
Âm nhạc thời kỳ này còn có nhiều ca khúc vừa trữ tình lãng mạn, vừa diễn tả sự bi tráng của chiến tranh, tình đồng đội đồng chí, tình quân dân thắm thiết nghĩa tình…. “Làng tôi xanh bóng tre/ Từng tiếng chuông ban chiều”- Làng tôi (Văn Cao); Quê hương anh bộ đội (Xuân Oanh), Lên ngàn (Hoàng Việt), Đường lên Tây Bắc (Văn An)...
Có những ca khúc rộn ràng chiến thắng như Tiểu đoàn 307 (Nguyễn Hữu Trí - Lời của nhà thơ Nguyễn Bính), nhưng cũng có những ca khúc như những chương sử thi nhiều cảm xúc như Bình Trị Thiên khói lửa (Nguyễn Văn Thương), Du kích sông Thao (Đỗ Nhuận)…
Cuộc kháng chiến chống Pháp tiến gần đến thắng lợi, quân ta chủ động tiến công, Chiến dịch Đông - Xuân 1952- 1953 mở ra, thì ca khúc Qua miền Tây Bắc (Nguyễn Thành) đã phản ánh một cách sinh động bước chuyển cách mạng ấy: Qua miền Tây Bắc ta phá đồn giặc tan/ Nương lúa xanh về ta vui sống trong tự do/ Miền rừng núi hướng về Bác Hồ/ Từ đây giải phóng quê nhà...
Từ chiến dịch Biên giới Thu - Đông (1950) đến cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân (1953-1954) và chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, đó là bước tiến của lịch sử đồng thời cũng là bước tiến của ca khúc cách mạng Việt Nam. Bởi lúc này, trên cơ sở thực tế, bằng những kinh nghiệm sáng tác, qua các loại thể ca khúc, nhiều nhạc sĩ đã đủ sức để phản ánh sự sống động của lịch sử. Hòa cùng bước chân hành quân của những đại đoàn ra mặt trận Điện Biên Phủ, cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã nghe được chiến sĩ tâm sự: “Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi”... Chỉ thế thôi, với tài năng âm nhạc của mình, ông đã sáng tác ngay ca khúc Hành quân xa nổi tiếng: “Hành quân xa dẫu có nhiều gian khổ/ vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi/ Mắt ta sáng, chí ta bền, bảo vệ đồng quê ta tiến bước/ Đời chúng ta, đâu có giặc là ta cứ đi/ ...”.
Vào chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến thuật kéo pháo của Tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã được thể hiện sinh động qua ca khúc Hò kéo pháo (Hoàng Vân). Điệu hò hoàn toàn mới, chỉ có trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ghi lại quyết tâm cao hơn núi của bộ đội Tướng Giáp: “Quyết tâm đưa Pháo vào trận địa để trút lửa xuống đầu quân Pháp ở lòng chảo Mường Thanh. Chiến thắng Điện Biên đến như một tất yếu lịch sử: “Giải phóng Điện Biên bộ đội ta tiến quân trở về giữa mùa (này) hoa nở miền Tây Bắc tưng bừng vui”...
Lời hẹn trong ca khúc thời kỳ đầu kháng chiến “Ngày mai sẽ về Thủ đô đắp xây chốn xưa” đã trở thành hiện thực, để đoàn quân cách mạng Tiến về Hà Nội (Văn Cao) giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp theo lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946: Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng/ Cờ ngày nào tung bay trên phố/… Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về”...
Những ca khúc của “toàn quốc kháng chiến” mãi đi cùng năm tháng trong niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-ca-khuc-toan-quoc-khang-chien-n178949.html