Các cá thể chuột túi bắt được ở Cao Bằng đang dần thích nghi với môi trường

Bác sỹ thú y tại Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển Sinh vật Hoàng Liên cho biết hai cá thể chuột túi đã chết sau thời gian ủ bệnh; hai cá thể còn lại đang thích nghi tốt hơn với môi trường mới.

Cá thể chuột túi wallaby được chăm sóc tại Trung tâm Cứu hộ Bảo tồn và Phát triển Sinh vật Hoàng Liên thuộc Vườn quốc gia Hoàng Liên. (Nguồn: Đại sứ quán Australia tại Việt Nam)

Cá thể chuột túi wallaby được chăm sóc tại Trung tâm Cứu hộ Bảo tồn và Phát triển Sinh vật Hoàng Liên thuộc Vườn quốc gia Hoàng Liên. (Nguồn: Đại sứ quán Australia tại Việt Nam)

Ngày 26/1, thông tin từ Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết các cán bộ Ngoại giao công chúng của Đại sứ quán đã đến thăm, làm việc với Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển Sinh vật Hoàng Liên thuộc Vườn quốc gia Hoàng Liên, nơi tiếp nhận các cá thể chuột túi từ Hạt Kiểm lâm huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng để nuôi dưỡng, bảo tồn.

Các cán bộ Đại sứ quán cũng trao khoản hỗ trợ tài chính (80 triệu đồng) để Trung tâm tiếp tục chăm sóc các cá thể chuột túi.

Tại buổi làm việc, ông Lã Văn Tới, Giám đốc Trung tâm Hoàng Liên chia sẻ: “Việt Nam là điểm nóng trung chuyển, buôn bán động vật trái phép. Chuột túi wallaby là động vật có nguồn gốc nước ngoài đầu tiên và duy nhất tại Trung tâm. Chúng tôi hy vọng Đại sứ quán Australia có thể giúp kết nối chúng tôi với các tổ chức cứu hộ động vật, các chuyên gia và tình nguyện viên để chăm sóc tốt hơn cho các loài thực vật và động vật ở đây nói chung và chuột túi wallaby nói riêng.”

Chị Trần Thu Nga, Bác sỹ thú y đang chăm sóc chuột túi cho biết: “Những cá thể chuột túi wallaby bị căng thẳng do di chuyển xa từ Cao Bằng và mùa đông lạnh giá ở Sapa. Hai cá thể chuột túi wallaby đã chết sau một thời gian dài ủ bệnh; hai cá thể còn lại đang thích nghi tốt hơn với môi trường mới.”

Các cá thể chuột túi khi đưa về Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển Sinh vật Hoàng Liên được chăm sóc, nuôi dưới dạng bán hoang dã trong khu vực nuôi rộng khoảng 200m2, trong đó một nửa là sân chơi, còn lại là phần có mái che. Thức ăn cho chuột túi là rau, củ, quả và lá cây.

Chú chuột túi đầu tiên được người dân trên địa bàn xã Đức Long, huyện Thạch An (Cao Bằng) phát hiện và bắt giữ tối 8/11/2023.

Đến sáng 9/11/2023, Công an xã cùng người dân tiếp tục bắt được thêm hai cá thể chuột túi khác. Ngày 11/11/2023, Hạt Kiểm lâm huyện Thạch An phát hiện thêm một cá thể chuột túi ở ngoài tự nhiên.

Theo cơ quan chức năng, Việt Nam không có loài chuột túi này, không có phân bố ở Cao Bằng nên có thể đây là loài ngoại lai, do các đối tượng buôn lậu bỏ lại khi bị kiểm lâm phát hiện.

Vườn quốc gia Hoàng Liên được biết đến với sự đa dạng sinh học, đặc biệt là các loài thực vật quý hiếm chỉ tồn tại ở dãy Hoàng Liên. Vai trò chính của Trung tâm là tiếp nhận, chăm sóc, huấn luyện và thả các loài động thực vật bản địa về tự nhiên.

Văn phòng Thương mại Động vật hoang dã của Chính phủ Australia, một bộ phận của Bộ Biến đổi Khí hậu, Môi trường, Năng lượng và Nước đã đưa ra tuyên bố Australia ủng hộ mọi nỗ lực nhằm giải quyết nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp và có luật nghiêm ngặt điều chỉnh việc xuất khẩu động vật hoang dã bản địa của Australia.

Động vật hoang dã bản địa của Australia, bao gồm cả chuột túi wallaby, chỉ có thể được xuất khẩu từ nước này vì mục đích phi thương mại như triển lãm trong vườn thú.

Các cá nhân và tổ chức bị buộc tội buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp sẽ bị điều tra và nếu bị kết tội thì có thể bị phạt số tiền lớn hoặc phải ngồi tù./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/cac-ca-the-chuot-tui-bat-duoc-o-cao-bang-dang-dan-thich-nghi-voi-moi-truong-post923266.vnp