Các hình ảnh vệ tinh do công ty công nghệ vũ trụ Maxar cung cấp cho thấy, Nga âm thầm phát triển sân bay và các công trình quân sự dọc theo bờ biển Bắc Cực suốt 5 năm qua
Thiết bị tối tân của Nga hiện diện ở khu vực Bắc Cực có máy bay ném bom cùng các hệ thống radar mới áp sát bờ biển Alaska.
Trong số các thử nghiệm quân sự mới tại đây, hôm 16-3-2021, các máy bay MiG31BM xuất hiện tại Nagurskoye, đánh dấu lần đầu tiên máy bay biểu tượng cho sức mạnh không quân tàng hình của Nga tới vùng cực Bắc.
Mới đây, Nga cũng thử nghiệm tới 3 tàu ngầm được thiết kế để mang vũ khí tàng hình. Tuần trước, cuộc tập trận trên tàu ngầm diễn ra với 3 tàu ngầm nổi lên cùng một lúc ở vùng băng cực.
Với thiết kế ngụy trang mô hình có phủ màu đỏ, trắng, xanh của quốc kỳ Nga, rất có thể dưới các cơ sở này là nơi lưu trữ dưới lòng đất dành các loại vũ khí công nghệ cao mới khác, bao gồm cả siêu vũ khí Poseidon 2M39
Các chuyên gia vũ khí và các quan chức phương Tây đã bày tỏ đặc biệt quan ngại về ngư lôi Poseidon 2M39.
Ngư lôi tàng hình không người lái này hoạt động dựa trên một lò phản ứng hạt nhân và được thiết kế để đánh lén các hệ thống phòng thủ ven biển.
Thiết bị này được cho là mang đầu đạn có thể gây ra “sóng thần” phóng xạ khiến vùng bờ biển mục tiêu không thể ở được trong nhiều thập kỷ.
Đến nay, các chuyên gia phương Tây nhận định rằng vũ khí răn đe hạt nhân mới này của Nga đã trở thành hiện thực, đang trong giai đoạn thử nghiệm.
“Đó là một dự án để đàm phán trong tương lai về kiểm soát vũ khí. Nhưng để làm được như vậy, nó phải đáng tin cậy. Điều này dường như là có thật”, Giáo sư Katarzyna Zysk, ngành quan hệ quốc tế tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Na Uy nhận định.
Hồi tháng 11-2020, Nga còn tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa hành trình siêu thanh chống hạm “Tsirkon”.
Tsirkon và Poseidon là một phần của thế hệ vũ khí mới được Tổng thống Nga V.Putin cam kết vào năm 2018 như những yếu tố chiến lược thay đổi cuộc chơi trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng.
Các căn cứ nằm bên trong lãnh thổ Nga nhưng các quan chức Mỹ còn lo ngại rằng, các lực lượng này có thể được sử dụng để thiết lập quyền kiểm soát trên thực tế đối với các khu vực ở Bắc Cực xa hơn và sẽ sớm không còn băng giá vì biến đổi khí hậu
Đáng chú ý là “Tuyến đường biển phương Bắc” - một tuyến đường vận chuyển chạy từ Na Uy tới Alaska, dọc theo bờ biển phía Bắc của Nga, qua Bắc Đại Tây Dương, có khả năng giảm một nửa thời gian vận chuyển hàng giữa châu Á và châu Âu qua kênh đào Suez.
Nga muốn đây là tuyến đường vận chuyển quốc tế chính, nhưng cũng đặt ra quy tắc với các tàu sử dụng tuyến đường này. “Các luật của Nga điều chỉnh các chuyến quá cảnh qua tuyến đường này vượt quá thẩm quyền của Nga theo luật quốc tế”, Người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết.
Tuy nhiên, Matxcơva từ lâu vẫn giữ quan điểm, mục tiêu phát triển ở Bắc Cực là vì kinh tế và hòa bình. Đồng thời, ông Putin thường xuyên đề cao tầm quan trọng của ưu thế công nghệ của Nga ở Bắc Cực.
Hải Yến