Các cặp vợ chồng vô sinh có thêm cơ hội làm cha mẹ từ kỹ thuật tiên tiến
Bác sĩ Nguyễn Phương Tú, giảng viên Bộ môn Sản phụ khoa, trường Đại học Y Hà Nội: Những nghiên cứu có tính ứng dụng cao như nội soi ổ bụng chẩn đoán trong vô sinh, trong chẩn đoán bệnh gen tiền làm tổ và các ứng dụng để bảo tồn khả năng sinh sản cho phụ nữ mắc ung thư….
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao trên thế giới, trong đó 50% số ca mắc bệnh nằm ở độ tuổi dưới 30.
Còn theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, tỉ lệ khoảng 7,7%. Đáng quan ngại hơn là việc gần một nửa trong số đó là các cặp vợ chồng trẻ cho thấy tình trạng hiếm muộn vô sinh đang ngày càng trẻ hóa. Theo thống kê thì có tới 50% các cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30 trong 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh mỗi năm nói trên. Đặc biệt, tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) đang gia tăng đến 15-20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh. Tỷ lệ vô sinh do nam giới chiếm 40%, do nữ giới chiếm 40%, 10% do cả hai vợ chồng và 10% không rõ nguyên nhân.
Mới đây, Hội nghị vô sinh và kỹ thuật hỗ trợ sinh sản lần thứ 10 của Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TP.HCM với sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học, bác sĩ đầu ngành trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản cập nhật những ứng dụng cũng như những khuyến cáo mới nhất về vấn đề hỗ trợ, điều trị vô sinh hiện nay. Những thông tin, phương pháp mới trên thế giới trong bộ Hướng dẫn lâm sàng thế giới 2023 cũng được cập nhật để từ đó xây dựng những phác đồ điều trị theo hướng cá thể hóa, phù hợp với điều kiện của từng người bệnh, giúp giảm thời gian điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Phương Tú, giảng viên Bộ môn Sản phụ khoa, trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, những nghiên cứu có tính thực tiễn và giá trị như ứng dụng letrozole trong thụ tinh ống nghiệm, nội soi ổ bụng chẩn đoán trong vô sinh, quy trình áp dụng PGT-M trong chẩn đoán bệnh gen tiền làm tổ và các ứng dụng để bảo tồn khả năng sinh sản cho phụ nữ mắc ung thư….
Theo bác sĩ Nguyễn Phương Tú, trên thế giới hiện nay đã đi những bước thử nghiệm đầu tiên trong điều trị, hỗ trợ vô sinh mang tới kết quả thành công được đưa vào sử dụng như huyết tương giàu tiểu cầu tự thân để điều trị thiểu sản niêm mạc tử cung, ứng dụng kĩ thuật tế bào gốc trong cấy ghép phôi hay ra đời các thế hệ camera nguồn sáng lạnh với ống soi mềm và nhỏ giúp phẫu thuật nội soi dễ dàng, không cần gây mê, có thể làm ngoại trú bệnh nhân không cần nhập viện, thời gian phục hồi nhanh sau phẫu thuật đã đạt được một số thành tựu đáng kể.
“Những phương pháp này đã và sẽ là các ứng dụng mang tính tiên phong trong tương lai, hứa hẹn nhiều kỳ vọng giúp các cặp vợ chồng có thêm cơ hội được thực hiện thiên chức làm cha mẹ” - bác sỹ Tú chia sẻ./.