Các chân trời văn hóa: Phụ nữ Thụy Điển nghĩ gì?

Cô kỹ sư Nelsson (Nen-xon) 27 tuổi, tóc nâu vàng, mắt xanh, điển hình cô gái Thụy Điển, tuy người không cao như đa số thiếu nữ ở Thụy Điển.

Kỳ I

Cô kỹ sư Nelsson (Nen-xon) 27 tuổi, tóc nâu vàng, mắt xanh, điển hình cô gái Thụy Điển, tuy người không cao như đa số thiếu nữ ở Thụy Điển. Cô thích độc lập trong cuộc sống. Cũng như các thanh niên đã đi làm, cô không ở với người mẹ mà cô rất quý. Cô lấy tiền gia tài bố để lại mua một căn hộ 700.000 cu-ron ở Thủ đô Stockhom, trong khi mẹ làm nghề thư ký, khoảng trên 50 tuổi, ở một mình một biệt thự 6 - 7 buồng, trên một miếng đất rộng hơn 200m2, chỉ cách thủ đô 25 phút tàu điện (đúng nửa giờ một chuyến). Bà mẹ cô cho là, mẹ con sống riêng thế là lẽ dĩ nhiên, vì bà cũng muốn có độc lập của bà.

Tôi hỏi cô về hôn nhân và nam nữ:

Tôi được biết nam nữ ở đây ăn ở với nhau không cưới xin là chuyện bình thường?

Hiện tượng ấy đã đi vào phong tục. Người ta cũng không để ý xem cặp nào chung sống tự do hay có làm lễ cưới hay không vì đó là chuyện riêng của mỗi cặp.

Về phần cô thì thế nào?

Hẳn là tôi cũng sống tự do khi gặp người hợp. Sau đó hai năm, chúng tôi sẽ làm lễ cưới, nhất là nếu có con. Quá trình này phổ biến đối với nam nữ thanh niên ngày nay. Họ bắt đầu chung sống vào tuổi 25. Mấy năm gần đây, lễ cưới và gia đình lại được đề cao.

Đất nước Thụy Điển hiền hòa nổi tiếng là nhiều phụ nữ xinh đẹp và có tỷ lệ phụ nữ làm lãnh đạo khá cao.

Đất nước Thụy Điển hiền hòa nổi tiếng là nhiều phụ nữ xinh đẹp và có tỷ lệ phụ nữ làm lãnh đạo khá cao.

Ở thành phố Goteborg, tôi trọ tại một gia đình, ông chủ, bà chủ khoảng 40 tuổi. Bà Amita là một nhà giáo Thụy Điển rất trí thức, hiểu biết rộng, suốt ngày hoạt động nhà trường và xã hội, tối mới về. Ông Gachon là người Pháp gốc ở vùng rượu vang Beaune miền Nam, là một người nấu bếp, một dân lao động chân tay, mới học hết sơ học. Năm 1978, nhân nghỉ hè ở Tây Ban Nha, họ gặp nhau và yêu nhau. Lúc ấy bà 24 tuổi, ông 28 tuổi, bà bảo ông sau khi bà học ở Pháp xong: “Nếu anh muốn biết nước tôi, thì hãy sang với tôi”. Thế là ông theo bà đi Thụy Điển, họ ở với nhau không cưới xin đã hơn chục năm nay và cảm thấy hạnh phúc. Họ không có con.

Thế hệ tôi, bà nói, quan niệm chung sống không cưới là việc tự nhiên, cần gì phải có lễ nhà thờ hay đăng ký chính quyền.

Bà cho là sống như vậy đỡ nhàm và dễ tôn trọng nhau hơn.

Tôi hỏi riêng ông:

Sự chênh lệch văn hóa có cản trở tình cảm giữa ông bà không?

Không, chúng tôi bổ sung cho nhau. Nhà tôi cái gì cũng biết, cũng học, tôi rất phục bà ấy. Nhưng tôi lại tháo vát. Những công việc chân tay về nhà cửa tôi làm tất. Sang Thụy Điển, tôi học tiếng, làm thợ nhà máy ôtô Volvo, đến nay, tôi đã để dành tiền làm chủ một cửa hàng buôn bán đồ bạc từ Thái Lan; chúng tôi tôn trọng nhau. Tuy ở cùng một căn hộ, nhưng khi không chung chăn gối, người nào ở buồng người ấy, làm việc của mình, không cần cho nhau biết trừ trường hợp đặc biệt. Kinh tế riêng, ngay cả về chính trị, chúng tôi có trao đổi với nhau, nhưng vẫn độc lập. Bà ấy trước đây hoạt động cho Việt Nam rất hăng; sắp tới bà bầu cho Đảng tả, tôi bầu cho Đảng ôn hòa bảo thủ.

Phong trào nam nữ chung sống không cưới xin không phải chỉ đặc trưng cho Thụy Điển, mà là nét sống chung của Tây Âu và Mỹ độ ba chục năm nay. Đây là kết quả một quá trình biến diễn bao gồm nhiều yếu tố phức tạp: sự giải phóng phụ nữ khỏi gánh nặng nội trợ, phụ nữ ngày càng tham gia nhiều vào lao động và công tác xã hội, kinh tế độc lập, sự phát triển của cá nhân, cuộc cách mạng tình dục,...

Đặc biệt ở Thụy Điển, việc nam nữ sống chung không cưới xin chiếm tỷ lệ phần trăm cao nhất thế giới, có lẽ chỉ kém Greenland và vùng Ca-ri-bê. Những năm 20-30 của thế kỉ 20, nhiều người dân lao động ở Stockhom đã chung sống nam nữ, không đăng ký, cho nên đã có thành ngữ “sống theo kiểu Stockhom”; nhưng đó là do nghèo không có tiền cưới. Ngày nay, lý do lại khác, hơn 80% thanh niên mở đầu cuộc sống nam nữ bằng chung sống không cưới, 46% trẻ em sinh ngoài giá thú và hưởng quyền lợi không khác trẻ em mà cha mẹ có giá thú. Ở trường học và xã hội cũng không có gì phân biệt. Ngoài những lý do chung giải thích sự phát triển của hiện tượng chung sống không giá thú, ở Thụy Điển còn có một lý do riêng về tính dân tộc. Một số nhà xã hội học giải thích hiện tượng ấy là người Thụy Điển lo mất sự toàn vẹn của cá tính và độc lập tính, giáo dục và đào tạo nhằm tạo cái mà người ta gọi là những cá thể tự chủ, biết điều và độc lập. Những mối quan hệ gia đình ở đây không chặt bằng ở nhiều nước khác.

Không nên hiểu một cách đơn giản “chung sống tự do” chỉ là do bừa bãi, thỏa mãn dục tình, vô trách nhiệm. Ở Thụy Điển, dường như lý luận về chủ trương này trên bình diện đạo đức xã hội đã xuất hiện cách đây một thế kỉ rưỡi trong một tác phẩm của nhà văn lãng mạn hiện thực lớn của thế kỉ 19: Almqvist (An-mơ-quixt, 1793-1866). Cuộc đời của ông là một tấm bi kịch: xuất thân từ một gia đình đại tư sản doanh nghiệp và trí thức tôn giáo, ông làm đủ nghề: nông dân vì yêu thiên nhiên kiểu triết gia người Pháp Rousseau ( Rut-xô), thầy giáo, mục sư, làm báo, trốn sang Mỹ vì bị cáo giác là có âm mưu giết chủ nợ, trở về Đức sống với một tên giả cho đến khi chết.

Hữu Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cac-chan-troi-van-hoa-phu-nu-thuy-dien-nghi-gi-n169466.html