Các chị em khỏi COVID-19 bao lâu có thể mang thai? Lỡ mang thai luôn khi vừa khỏi bệnh có sao không?

Theo các bác sĩ, sau khi mắc COVID-19, nếu sức khỏe của người phụ nữ hồi phục, không mắc các di chứng nặng về tim mạch, tiết niệu... thì có thể mang thai mà không lo ảnh hưởng đến em bé.

Vừa khỏi COVID-19 được gần 2 tháng thì Thu Thảo (ở Thanh Xuân, Hà Nội) tá hỏa phát hiện que thử thai báo "2 vạch". Khi biết tin, Thảo nửa mừng, nửa lo. Mừng vì vợ chồng Thảo mới cưới, rất mong đứa con đầu lòng này, nhưng cô cũng lo vì trong quá trình điều trị COVID-19, cô có dùng nhiều thuốc, lo sợ sẽ ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng.

Cùng nỗi băn khoăn này, vợ chồng chị Tú (quê Hà Nam) muốn sinh con nhưng lại lo mới khỏi COVID-19 được vài tuần, liệu mang thai có ảnh hưởng đến con không. Và nếu hoãn sinh con thì phải đợi bao lâu thì mang thai an toàn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chia sẻ về vấn đề này, theo BS Nguyễn Công Định, Giám đốc Trung tâm điều trị thai phụ mắc COVID-19 - Cơ sở 2, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, đến nay, chưa có nghiên cứu nào trên thế giới cho biết cụ thể thời gian F0 khỏi bệnh bao lâu có thể mang thai.

Tuy nhiên, sau một tháng, khi sức khỏe người phụ nữ hồi phục, không mắc các di chứng nặng về tim mạch, tiết niệu... thì có thể mang thai mà không lo ảnh hưởng đến em bé. Trường hợp F0 khỏi bệnh có dấu hiệu hậu COVID-19 thì nên đến bệnh viện kiểm tra, điều trị dứt điểm trước khi mang thai.

Tương tự, BS Lê Hùng, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng cho rằng, sau khi có xét nghiệm xác định âm tính (tốt nhất là xét nghiệm PCR) trong thời gian tối thiểu 2-3 tuần sau nhiễm COVID-19, hoặc khi cảm thấy sức khỏe phục hồi hoàn toàn và không có các triệu chứng kéo dài, chị em mới nên mang thai.

Điều gì xảy ra khi mang thai luôn ngay sau khi khỏi COVID-19?

Các chuyên gia y tế nhận định, việc thụ thai ngay sau khi hồi phục sau COVID-19 có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ sơ sinh và người mẹ. Bởi vì nhiễm virus SARS-CoV-2 không chỉ lây nhiễm vào hệ thống hô hấp mà tác động của nó có thể được chứng kiến ở các bộ phận khác nhau của cơ thể.

Hơn nữa, trong một số trường hợp, người ta thậm chí có thể gặp các triệu chứng của COVID-19 rất lâu sau lần nhiễm đầu tiên. Trong khi đó, bản thân hành trình 9 tháng mang thai đã đầy thử thách và nếu cơ thể phụ nữ không được chuẩn bị tốt để đối phó với những thay đổi, mọi thứ có thể trở nên phức tạp hơn. Vì vậy, phụ nữ nên đợi một thời gian trước khi lên kế hoạch mang thai.

Thai phụ làm gì khi mắc COVID-19?

Theo BS Nguyễn Công Định, trường hợp đang mang thai không may mắc COVID-19 hoặc tái nhiễm, mẹ bầu cũng không nên quá lo lắng. Các nghiên cứu chỉ ra virus không ảnh hưởng đến cấu trúc thai nhi nhưng làm tăng tỷ lệ tiền sản giật, đẻ non, thai chậm phát triển, thai lưu.

Do đó, khi khỏi bệnh, mẹ bầu nên quay lại bệnh viện phụ sản kiểm tra bởi bản chất COVID-19 ảnh hưởng tim mạch, hô hấp, tiết niệu, nội tiết... có thể gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ.

Khi mắc bệnh, thai phụ cần tham khảo ý kiến bác sĩ về chỉ định thuốc, không lạm dụng thuốc. Đo SpO2 thường xuyên, tối thiểu 4 lần một ngày, mỗi lần cách nhau 4 tiếng. Nếu chỉ số SpO2 từ 97% trở lên là yên tâm, dưới 96% thì chú ý, nằm ngủ nghỉ ngơi 30 phút sau đo lại.

Theo các bác sĩ sản phụ khoa của Đại học Hoàng gia Vương quốc Anh, việc mang thai trong đại dịch là một sự lựa chọn cá nhân. Tiêm phòng trước khi mang thai sẽ giúp ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19 và những hậu quả nghiêm trọng của nó.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khuyến cáo, những phụ nữ dự định mang thai hoặc đang mang thai, bà mẹ cho con bú nên tiêm đủ các mũi tiêm vaccine phòng COVID-19 để bảo vệ mình khỏi dịch bệnh vì những người này có nhiều nguy cơ bị bệnh nặng nếu mắc COVID-19.

Cùng với đó, phụ nữ muốn mang thai trong bối cảnh đại dịch nên tham khảo ý kiến bác sĩ và thực hiện theo những khuyến cáo. Bác sĩ có thể đánh giá tình trạng sức khỏe và đưa ra những tư vấn cụ thể.

Trường hợp cơ thể mẹ chưa chuẩn bị sẵn sàng cho một thai kỳ, bác sĩ có thể kê đơn thuốc bổ sung và thay đổi thói quen ăn uống để tăng cơ hội mang thai và thai kỳ khỏe mạnh.

N.Mai

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/cac-chi-em-khoi-covid-19-bao-lau-co-the-mang-thai-lo-mang-thai-luon-khi-vua-khoi-benh-co-sao-khong-172220318153942019.htm