Các chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 7/2024
Trong tháng 7/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: Tăng lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp bảo hiểm; Nghị định mới về giá đất; bổ sung nhiều hành vi bị cấm trong giao dịch điện tử; giảm đến 50% mức thu nhiều loại phí, lệ phí đến hết 2024; nhiều quy định mới lĩnh vực ngân hàng...
Tăng lương cơ sở
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 7 khóa XV với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung về tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu/tháng từ 1/7.
Cũng từ ngày 1/7, điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (tháng 6/2024); đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995 nếu sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh để bằng 3,5 triệu đồng/tháng.
Điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%), giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp; điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).
Giảm đến 50% mức thu nhiều loại phí, lệ phí đến hết 2024
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 43/2024 quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo Thông tư này, một số loại phí, lệ phí được giảm 50% so với mức phí hiện hành kể từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024 như: lệ phí cấp căn cước; lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; lệ phí nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;…; phí thẩm định phê duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy; phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa…
Cũng tại thông tư này, Bộ Tài chính quyết định giảm từ 10-30% nhiều khoản phí, lệ phí, như: Phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay; lệ phí ra, vào cảng hàng không, sân bay đối với chuyến bay của nước ngoài đến các Cảng hàng không Việt Nam; phí hải quan đối với chuyến bay của nước ngoài đến các Cảng hàng không Việt Nam.
Kể từ ngày 1/1/2025, mức thu các khoản phí, lệ phí được giảm sẽ thực hiện theo quy định tại các Thông tư gốc.
Giảm thuế VAT 2%
Cũng tại Nghị quyết kỳ họp thứ 7, Quốc hội chốt kéo dài thời gian áp dụng thuế VAT 8%, tức giảm 2% so với hiện hành, tới hết năm nay. Tương tự các lần trước, việc hạ 2% thuế VAT áp dụng với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ. Các lĩnh vực tiếp tục không được giảm thuế này, gồm bất động sản, chứng khoán, dịch vụ ngân hàng, viễn thông, công nghệ thông tin, than cốc, sản phẩm hóa chất, hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Việc kéo dài thời gian giảm thuế 2% tới cuối năm nay dự kiến làm giảm thu ngân sách nửa cuối năm nay khoảng 24.000 tỷ đồng (tương đương 4.000 tỷ đồng một tháng). Tính chung, ngân sách ước tính giảm 47.500 tỷ đồng cả năm.
Nghị định mới về giá đất
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 71/2024/NĐ-CP quy định về giá đất, có hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực thi hành.
Nghị định 71/2024/NĐ-CP quy định cụ thể trình tự, nội dung xác định giá đất theo 4 phương pháp gồm so sánh, thu nhập, thặng dư, hệ số điều chỉnh giá đất.
Nghị định cũng quy định cụ thể việc áp dụng phương pháp định giá đất của các trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 Điều 257 Luật Đất đai.
Nghị định nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc cung cấp thông tin. Theo đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, khai thác, sử dụng nguồn thông tin quy định tại điểm b khoản 2 Điều 4 và điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định này có trách nhiệm cung cấp thông tin để phục vụ công tác định giá đất bằng văn bản hoặc phương thức điện tử trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của tổ chức thực hiện định giá đất.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024.
Công khai người bán hàng online vi phạm quyền lợi người tiêu dùng
Nghị định 55/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024.
Cụ thể, theo khoản 1 Điều 24 Nghị định 55, nếu người bán hàng online có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì sẽ bị công bố công khai trên báo, đài, niêm yết tại trụ sở và đăng tải trên cổng thông tin của Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Trong đó, nội dung công khai sẽ gồm tên, địa chỉ của người bán có hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hành vi, địa bàn vi phạm; quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng…
Việc công khai thông tin này được thực hiện trong 30 ngày kể từ ngày công bố. Hết thời hạn này, thông tin có thể sẽ được cơ quan có thẩm quyền công khai thực hiện việc dừng hoặc bị gỡ bỏ.
Người dân được xuất trình giấy tờ trên VNeID khi CSGT kiểm tra
Bộ Công an ban hành Thông tư 28/2024/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT và Thông tư số 24 quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới. Thông tư trên có hiệu lực từ 1/7.
Điểm mới của thông tư đã sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 12 về việc kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông.
Cụ thể, khi thông tin của các giấy tờ đã tích hợp, cập nhật trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng định danh quốc gia (VNeID), trong cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý thì thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát thông qua thông tin trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử trên VNeID, cơ sở dữ liệu.
Ngoài ra, việc kiểm tra thông tin của giấy tờ trong căn cước điện tử, ứng dụng VNeID, cơ sở dữ liệu có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ đó.
Mở rộng đối tượng cấp thẻ căn cước
Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1/7, giúp hoàn thiện pháp luật, đáp ứng thực tiễn về quản lý dân cư, cải cách hành chính, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Luật Căn cước có 10 điểm mới. Trong đó, điểm mới quan trọng của Luật là việc đổi thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước; Mở rộng đối tượng được thu nhận hồ sơ, cấp thẻ căn cước cho công dân từ 0 đến dưới 6 tuổi; từ 6 đến dưới 14 tuổi; từ 14 tuổi trở lên và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch từ ngày 1/7/2024...
Từ ngày 1/7, Luật Căn cước chính thức có hiệu lực, Bộ Công an sẽ triển khai việc cấp thẻ căn cước theo quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Luật Căn cước quy định: "Thẻ Căn cước công dân (CCCD) đã được cấp trước ngày Luật Căn cước có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước".
Như vậy, thẻ căn cước có giá trị tương đương như thẻ CCCD. Tuy nhiên đối với các trường hợp công dân đang sử dụng thẻ CCCD vẫn còn thời hạn sử dụng thì vẫn tiếp tục được sử dụng đến khi hết thời hạn mới phải đổi sang thẻ căn cước, trừ trường hợp công dân có nhu cầu đổi từ thẻ CCCD sang thẻ căn cước.
Không được bán bảo hiểm không bắt buộc kèm khoản vay
Cũng có hiệu lực từ 1/7, là Luật Các tổ chức tín dụng 2024. Đáng chú ý, tại Điều 15 luật nghiêm cấm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác ngoài hoạt động ghi trong Giấy phép được Ngân hàng Nhà nước cấp cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Tổ chức, cá nhân không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán.
Tổ chức, cá nhân can thiệp trái pháp luật vào hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc hành vi cạnh tranh không lành mạnh có nguy cơ gây tổn hại hoặc gây tổn hại đến việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
Bổ sung nhiều hành vi bị cấm trong giao dịch điện tử
Luật Giao dịch điện tử có hiệu lực từ 1/7. Luật này quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử và không quy định về nội dung, điều kiện, hình thức của giao dịch...
Tại Điều 6 quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử như lợi dụng giao dịch điện tử xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Cản trở hoặc ngăn chặn trái pháp luật quá trình tạo ra, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.
Thu thập, cung cấp, sử dụng, tiết lộ, hiển thị, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông điệp dữ liệu; Giả mạo, làm sai lệch hoặc xóa, hủy, sao chép, di chuyển trái pháp luật một phần hoặc toàn bộ thông điệp dữ liệu; Tạo ra thông điệp dữ liệu nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật.
Gian lận, giả mạo, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái pháp luật tài khoản giao dịch điện tử, chứng thư điện tử, chứng thư chữ ký điện tử, chữ ký điện tử; Cản trở việc lựa chọn thực hiện giao dịch điện tử; Hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của luật.
Bốn cấp xác thực giao dịch trực tuyến ngân hàng từ 1/7
Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước về giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thẻ ngân hàng hiệu lực từ 1/7. Trong đó, xác thực trong thanh toán trực tuyến ngân hàng trên Internet (gồm Internet Banking và Mobile Banking) sẽ chia làm bốn cấp độ, từ đơn giản tới phức tạp.
Đơn giản nhất là giao dịch loại A, khách hàng chỉ cần xác thực bằng tên đăng nhập, mật khẩu hoặc mã PIN, và không bắt buộc xác thực tại bước thực hiện giao dịch nếu đã đăng nhập trước đó. Hình thức này chỉ được áp dụng với các giao dịch tra cứu thông tin; chuyển tiền trong cùng ngân hàng, cùng chủ tài khoản hoặc giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ dưới 5 triệu đồng.
Chuyển tiền cho người khác, cho dù cùng hay khác ngân hàng; chuyển tiền, nạp, rút tiền với ví điện tử dưới 10 triệu đồng mỗi lần và dưới 20 triệu đồng mỗi ngày phải xác thực bằng các hình thức OTP, nhận dạng sinh trắc học gắn với thiết bị cầm tay, hoặc bằng chữ ký điện tử an toàn. Giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ có giá trị 5-100 triệu đồng trong một lần hoặc một ngày giao dịch cũng phải áp dụng cấp độ này.
Sinh trắc học (vân tay, nhận diện khuôn mặt) khớp với dữ liệu trên căn cước công dân (CCCD) gắn chip hoặc tài khoản định danh điện tử thuộc về hai cấp độ giao dịch C và D. Yêu cầu xác thực này áp dụng với việc chuyển từ 10 triệu đồng trở lên hoặc tổng số tiền chuyển các lần trong ngày quá 20 triệu, giao dịch hàng hóa - dịch vụ trên 100 triệu đồng.
Liên thông đăng ký khai sinh, thường trú, thẻ bảo hiểm y tế
Người dân có thể làm thủ tục đăng ký khai sinh, thường trú và thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi cùng lúc trên cổng dịch vụ công, bắt đầu từ 1/7.
Nghị định 63/2024 quy định liên thông điện tử 22 nhóm thủ tục hành chính gồm đăng ký khai sinh, thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất.
Theo đó, người dân giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử không phải nộp bản giấy. Phương thức xử lý được chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Các thủ tục hành chính thực hiện liên thông có giá trị pháp lý như các hình thức khác và không làm tăng chi phí cho cá nhân, tổ chức.
Thông tin trong tờ khai điện tử nếu đã có trong Cơ sở dữ liệu về dân cư, hộ tịch, bảo hiểm sẽ được phần mềm dịch vụ công liên thông điền tự động. Hồ sơ, biểu mẫu điện tử của từng thủ tục cũng được phần mềm dịch vụ công liên thông tự động phân tách để chuyển cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết./.