Các chợ đầu mối ở TPHCM: Hiểm họa từ những đống vật liệu dễ cháy
Để phục vụ kinh doanh, các chợ đầu mối tại TPHCM sử dụng số lượng lớn thùng mút xốp, sọt tre hoặc nhựa, bịch nylon, thùng carton, kệ gỗ pallet… đựng thịt cá, rau củ quả và các loại hàng hóa khác.
Việc chứa nhiều vật liệu trên nhưng thiếu biện pháp phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cần thiết, khiến các chợ đầu mối đứng trước hiểm họa cháy, nổ bất cứ lúc nào.
Những "mồi lửa" ẩn mình
Khảo sát tại chợ đầu mối Thủ Đức (P.Tam Bình, TP.Thủ Đức) và các khu dân cư hai bên hông chợ này cho thấy, dọc các tuyến đường và xung quanh chợ có hàng chục cửa hàng, ki-ốt chứa hàng ngàn sọt tre hoặc nhựa, thùng mút xốp, kệ gỗ pallet... bên trong.
Còn bên ngoài, nhiều người xếp hàng trăm sọt nhựa, thùng mút xốp thành từng khối cao đến 2-3m, dài gần chục mét, choán gần hết lối đi. Trên các bãi đất trống xen kẽ trong khu dân cư, người ta vứt bỏ đủ loại sọt nhựa, thùng mút xốp, gỗ pallet, xà bần, rác rưởi và các vật liệu dễ cháy như: bịch nylon, vải vóc vụn, tấm bạt...
Tại khu vực trước công ty kinh doanh khoai lang ở cuối Đường số 2 bên hông chợ này, có hàng trăm thùng mút xốp, sọt tre, gỗ pallet chất thành từng đống, có đống cao tới 3-4m, rộng hàng chục mét vuông. Vào buổi trưa, nơi đây còn được nhiều người mang bịch nylon, tấm bạt, thùng carton đến phơi phóng.
Cách đó không xa, khu vực gần quán cà phê Đô ở khúc cua Đường B có nhiều cơ sở sửa chữa, bơm vá, thay lốp ôtô. Bên trong và xung quanh những cơ sở này có hàng trăm cái xăm, lốp cũ được chất thành đống to tướng. Xen kẽ các đống xăm, lốp là những tấm ván ép, gỗ pallet, bình hơi, bình gió đá dùng để hàn, cắt kim loại.
Hai bên con hẻm nằm song song với Đường D bên hông chợ đầu mối Thủ Đức, có hàng trăm thùng mút xốp, sọt nhựa, thùng carton, bịch nylon... đặt xen kẽ với hàng chục ngôi nhà lụp xụp làm bằng tôn và gỗ. Nhà nhỏ xíu, nhưng được chất trên mái hàng trăm thùng mút xốp, sọt nhựa, hàng trăm ký thùng carton, bịch nylon bên trong. Mặc dù chứa nhiều vật liệu dễ cháy, nhưng hệ thống điện tại đây được câu mắc lằng ngoằng.
Anh Nguyễn Văn Hải (nhà gần chợ đầu mối Thủ Đức) lo lắng: "Nhà cửa ở đây thì tạm bợ, dây điện câu mắc không an toàn. Trên mái nhà lại để thùng mút xốp, sọt nhựa cao lêu nghêu. Lỡ xảy ra hỏa hoạn mà chạy không kịp là chết như chơi".
Chỗ có nhiều sọt nhựa và thùng mút xốp nhất là tại các khu đất dọc hai bên con đường rẽ từ chợ đầu mối Thủ Đức nối với Tỉnh lộ 43. Phía trước Công ty cổ phần Quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, có rất nhiều tấm ván ép, gỗ pallet, xà bần, bịch nylon và hàng trăm thùng mút xốp, sọt nhựa to chất cao.
Có nơi, những đống thùng mút xốp, sọt nhựa chất lấn ra vỉa hè, gây hạn chế tầm nhìn, cản trở người tham gia giao thông. Ngoài thùng mút xốp, tại đường này còn có một chợ tự phát nhóm họp tấp nập, gây ách tắc giao thông. Hai bên đường, nhiều người kém ý thức đổ rác, vứt bỏ cả xác động vật chết sai quy định, gây ô nhiễm môi trường.
Khu vực cổng phía nam của chợ đầu mối Thủ Đức cũng có hàng đống thùng mút xốp và sọt đựng trái cây, rau củ... Nơi đây tập trung đông dân cư, quán xá và gần Trạm xăng dầu số 2. Nguy cơ xảy ra hỏa hoạn rất đáng lo ngại.
Tại chợ đầu mối Bình Điền (P7Q8), số lượng sọt tre, thùng mút xốp, dụng cụ bằng nhựa, bao bì nylon... cũng được sử dụng rất nhiều. Trên Đường số 1 phía trước chợ, có một số cơ sở kinh doanh thùng mút xốp với số lượng hàng trăm cái. Tại một số bãi đất trống trên đường này, thùng mút xốp, sọt nhựa, gỗ pallet chất thành từng đống.
Vào buổi trưa, nhiều người mang bịch nylon, giấy vụn ra phơi phóng trên đường. Bên trong chợ đầu mối này, rất nhiều tiểu thương sử dụng thùng mút xốp và các vật dụng bằng nhựa để đựng tôm, cua, cá... Việc dùng sọt tre, bịch nylon để đựng hàng hóa cũng phổ biến. Tại nhiều cửa hàng, ki-ốt ở khu vực bán trái cây giáp sông Chợ Đệm luôn có hàng trăm thùng mút xốp, sọt tre hoặc nhựa, giấy báo, thùng carton... được sử dụng, chất thành từng đống sát mé sông.
Tương tự, tại chợ đầu mối Hóc Môn (xã Xuân Thới Đông, H.Hóc Môn) cũng có hàng ngàn thùng mút xốp, sọt nhựa, bao bì, thùng carton và vật liệu dễ cháy khác để la liệt từ xung quanh cho đến các cửa hàng, ki-ốt trong chợ. Tại ngã ba Nguyễn Thị Sóc - Đường số 12 trước cổng chợ, có 5-6 cửa hàng, ki-ốt chứa hàng ngàn thùng mút xốp, sọt nhựa, giấy báo, thùng carton. Có nơi, thùng mút xốp, sọt nhựa chất cao quá đầu người, dài cả chục mét, tiền ẩn hiểm họa về cháy, nổ.
Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"
Được biết, hệ thống PCCC trong các chợ đầu mối được tổ chức khá tốt. Tuy nhiên, việc PCCC tại các bãi chứa thùng mút xốp, sọt nhựa, vựa thu mua phế liệu thì vẫn còn sơ sài, thậm chí nhiều nơi không có. Nếu xảy ra cháy, nổ thì thiệt hại sẽ khôn lường.
Trước đây, chợ đầu mối Thủ Đức từng xảy ra nhiều vụ cháy, gây thiệt hại nặng nề về tài sản. Khoảng 14 giờ 30 ngày 02-8-2015, nhiều tiểu thương ở các khu lân cận chợ đầu mối Thủ Đức phát hiện lửa, khói nghi ngút bốc ra từ hai ki-ốt số 43 và 44 chuyên phân phối hoa ở lô C, nên tri hô để lực lượng bảo vệ của chợ đến ứng cứu.
Vào thời điểm cháy, các ki-ốt không có người và bị khóa cửa. Chỉ trong ít phút, đám cháy lan nhanh sang các ki-ốt lân cận, từ số 40 đến 46. Bảo vệ của chợ nhanh chóng huy động lực lượng, phương tiện để dập lửa. Lực lượng PCCC chuyên dụng điều 3 xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng tiếp cận hiện trường để dập lửa. Vụ cháy thiêu rụi toàn bộ hàng hóa, vật dụng, sổ sách trong 7 ki-ốt.
Khoảng 11 giờ 45 ngày 04-9-2016, trong lúc làm việc, các công nhân tại một ki-ốt chứa toàn bộ vật dụng bằng nhựa để đựng trái cây tại chợ đầu mối Thủ Đức phát hiện khói, lửa bốc lên dữ dội. Họ hô hoán, dùng bình chữa cháy mini để dập lửa, nhưng bất thành. Các tiểu thương ôm đồ đạc chạy ra ngoài. Đội PCCC Thủ Đức huy động 3 xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường. Sau khoảng 30 phút nỗ lực dập lửa, đám cháy bị khống chế hoàn toàn. Sau vụ cháy, nhiều ki-ốt bị thiệt hại nghiêm trọng.
Mới đây, khoảng 1 giờ ngày 13-7-2022, người dân và Ban quản lý chợ đầu mối Đọ Xá chuyên bán quần áo ở TP.Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) phát hiện lửa bốc lên tại một ki-ốt. Ngọn lửa nhanh chóng lan sang các ki-ốt khác. Cơ quan chức năng huy động 12 xe chữa cháy chuyên dụng cùng hơn 100 cán bộ, chiến sĩ đến dập lửa. Do đám cháy quá lớn nên công tác dập lửa gặp nhiều khó khăn. Sau nhiều giờ nỗ lực chữa cháy, ngọn lửa bị khống chế hoàn toàn. Vụ cháy thiêu rụi 120 gian hàng, 4 ki-ốt, với tổng diện tích là 1.500m2, thiệt hại ước tính khoảng 33 tỷ đồng.
Những vụ cháy trên là lời cảnh báo, đồng thời đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ mới cho công tác phòng ngừa, ứng phó với các sự cố, tai nạn, hỏa hoạn tại các chợ đầu mối, nhằm bảo đảm an toàn về tài sản và nhất là tính mạng người dân. Do đó, các cơ quan chức năng cần có biện pháp hữu hiệu và hướng dẫn người dân xung quanh các chợ đầu mối cùng tiểu thương trong chợ cách bảo quản các vật liệu dễ cháy.
Sáng 12-9-2022, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về công tác PCCC và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP liên quan đến công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC. Tại hội nghị, thông tin được nêu ra là thời gian qua, tình hình cháy, nổ diễn biến rất phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2022, cả nước xảy ra 848 vụ cháy, làm chết 41 người, bị thương 42 người, thiệt hại lên tới 414,7 tỷ đồng, gần 41 héc-ta rừng.
Những con số trên chưa tính đến những vụ cháy sau đó, nhất là vụ cháy quán karaoke ISIS 231 vào chiều 01-8 trên đường Quan Hoa (P.Quan Hoa, Q.Cầy Giấy, Hà Nội), khiến 3 chiến sĩ PCCC hy sinh trong lúc nỗ lực cứu người, dập lửa; vụ cháy vụ kho xưởng khiến 3 mẹ con tử vong ở H.Thanh Oai (Hà Nội) ngày 10-9; vụ cháy quán karaoke An Phú (P.An Phú, TP.Thuận An, Bình Dương) ngày 06-9, khiến 32 người chết, 10 người khác bị thương...
Tại TPHCM, từ ngày 01-8-2017 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra gần 3.500 vụ việc liên quan đến cháy, nổ và sự cố, tai nạn. Trong 8 tháng đầu năm 2022, thành phố xảy ra 122 vụ (có 4 vụ lớn, 4 vụ nghiêm trọng), khiến 2 người chết, làm bị thương 12 người.
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/hiem-hoa-tu-nhung-dong-vat-lieu-de-chay_137294.html