Các chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Xuân Canh Tý trên VOV6
Tết này, VOV6 (Đài TNVN) sẽ có 5 chương trình nghệ thuật đặc biệt vừa mang sắc thái truyền thống nhưng cũng chứa đựng nhiều màu sắc mới mẻ, hiện đại.
Theo đó, năm nay, ban Văn học - Nghệ thuật (VOV6) có những chương trình phát sóng trong dịp Tết Nguyên đán là “Chuyến tàu Tất niên”, “Vượt thác cheo leo”, “Tiếng thơ” và "Hành trình sáng tạo".
Nhà báo Trần Nhật Minh, Trưởng Ban Văn học Nghệ thuật cho biết: “Ngoài những sắc thái truyền thống, một số chương trình Tết của VOV6 sẽ được thực hiện theo phong cách hiện đại, mới mẻ với mong muốn tìm lối biểu đạt mới theo Format riêng cho chủ đề. Lần đầu tiên hình thức “kịch trong kịch” sẽ được áp dụng trong “Chuyến tàu tất niên” hoặc tham gia một trò chơi chủ đề trong “Vượt thác cheo leo” hay 1 cuộc tri âm thơ đầy thi vị giữa 2 thế hệ trong “Tiếng thời gian” với nhiều thi phẩm nổi tiếng của Đoàn Phú Tứ, Văn Cao, Lê Đại Thanh, Xuân Quỳnh, Phạm Hổ..".
Tiếng thơ
Đến nay, chương trình “Tiếng thơ” đã có một quá trình dài đồng hành cùng Tiếng nói Việt Nam, đồng hành cùng thính giả cả nước và trở thành thương hiệu được xây dựng từ những chắt chiu của nhiều thế hệ biên tập viên tài hoa, tâm huyết Đài Tiếng nói Việt Nam.
Năm nay, chương trình “Tiếng Thơ” chủ đề "Mùa Xuân đất nước" (phát sóng Đêm Giao thừa) và "Tiếng thời gian" (phát sóng lúc 22h00 ngày Mùng Một Tết) với sự dẫn dắt của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm và biên tập viên Anh Vũ sẽ là cuộc tri ân thơ đầy thi vị.
Xuyên suốt chương trình là các bài thơ viết về thời gian trong văn học Việt Nam hiện đại, qua đó thấy được những câu chuyện về tuổi trẻ, tình yêu, số phận con người với đủ những buồn vui như “Màu thời gian” của Đoàn Phú Tứ, “Thời gian” của Văn Cao, “Đợi” của Vũ Quần Phương, “Bóc lịch” của Bế Kiến Quốc, “Chiều ba mươi” của Xuân Quỳnh, “Nguyên đán” của Xuân Diệu...
Vượt thác cheo leo
Trong chương trình "Vượt thác cheo leo" phát sóng lúc 10h ngày 25/1 (tức mùng Một Tết âm lịch), đạo diễn Lê Quý Dương và tác giả trẻ Hiền Trang sẽ cùng bàn về chủ đề “Nghệ sĩ và dám sáng tạo, đổi mới trong nghệ thuật”.
Đây là câu chuyện muôn thuở trong nghệ thuật nhưng vẫn còn có rất nhiều câu chuyện hay chưa được mọi người biết đến nhiều. Hành trình vượt thác cheo leo ấy đối với người nghệ sĩ luôn là một quá trình phải tự vượt lên chính mình. Có người thất bại, có người thành công, nhưng những câu chuyện của họ sẽ luôn có giá trị nhất định – có khi để truyền cảm hứng, có khi như một lời nhắc nhở - cho những người đi sau.
Chuyến tàu Tất niên
Trên “Chuyến tàu Tất niên”, khán/ thính giả sẽ đồng hành cùng hai vị khách mời là NSND, Nhà viết kịch, nhà thơ, họa sĩ, nhà báo Lê Huy Quang và diễn viên trẻ Ngô Thu Thuận. Hành trình của hai vị khách mời mở đầu bằng sự hoài niệm về tết xưa cùng bao cơ cực, với những tình cảm thân thương của bao người xa quê, những ký ức buồn vui một thời chẳng thể lãng quên, và cảm xúc bồi hồi sâu lắng khi Tết đến Xuân về.
Sự hoài niệm ấy được chia sẻ trong trích đoạn kịch: “Người ngựa - Ngựa người” dựng theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Đó còn là cảm xúc của nhà thơ Nguyễn Bính qua bài thơ “Xuân tha hương”.
Sau khoảnh khắc hoài niệm là niềm khát khao hội ngộ ngày Xuân. Câu chuyện sẽ giúp mỗi chúng ta trải nghiệm cảm xúc trống vắng, cô đơn của những người con xa quê, lạc xứ khi nghĩ về người thân, khắc khoải nỗi nhớ quê hương qua trích đoạn vở kịch nói “Dạ cổ hoài lang” cùng những tên tuổi lớn của sân khấu kịch nói phía Nam như Việt Anh, Thành Lộc, Hồng Vân. Mùa Xuân mới đã đến mỗi nhà mang theo bao tình cảm thiêng liêng bao điều tốt đẹp. Cùng với đó là niềm tin vào thế hệ trẻ, tương lai của đất nước với những quan niệm về cuộc sống mạnh mẽ, trung thực và đầy tự tin./.