Các chuyên gia, doanh nghiệp bàn giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế TP. Hồ Chí Minh hậu Covid-19

TP. Hồ Chí Minh cần tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính, triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN) hồi phục và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi thu hút vốn đầu tư nước ngoài… là những giải pháp căn bản nhất để phục hồi và phát triển kinh tế TP. Hồ Chí Minh hậu Covid-19.

Đây là những kiến nghị được các đại biểu đưa ra, tại buổi Tọa đàm khôi phục và phát triển kinh tế TP. Hồ Chí Minh trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 hiện nay, do UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 3/10.

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, phát biểu tại buổi tọa đàm

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, phát biểu tại buổi tọa đàm

Hơn 27.000 doanh nghiệp giải thể và tạm ngưng hoạt động

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, mặt trái của cuộc chiến phòng, chống dịch đã tác động nặng nề đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, làn sóng dịch bệnh bùng phát lần thứ 2 đã làm kinh tế thành phố quay lại vòng khó khăn khi vừa mới chớm phục hồi.

Người đứng đầu chính quyền TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh do tác động nặng nề của dịch bệnh, lần đầu tiên kinh tế thành phố tăng trưởng dưới 1,2%, cũng lần đầu tiên có hơn 27.000 DN giải thể và tạm ngưng hoạt động trong 9 tháng đầu năm 2020, với số vốn đăng ký kinh doanh giảm hơn 140.000 tỷ đồng. Qua đó, kéo theo hàng loạt những tác động xã hội khác, nhất là tình trạng thất nghiệp đối với người lao động, đồng thời làm giảm đi doanh số hoạt động sản xuất kinh doanh của TP hơn 21.000 tỷ đồng.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng kinh tế của thành phố thấp nhất từ trước tới nay, ông Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh, cho rằng, các gói hỗ trợ DN chưa bám theo thông tin diễn biến dịch bệnh, thủ tục hành chính rườm rà khiến cho việc tiếp cận hỗ trợ rất chậm. Mặt khác, ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng trên 62% của kinh tế thành phố và đây cũng là ngành chịu ảnh hưởng nặng nhất do dịch Covid-19.

Trong khi đó, ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) thông tin, đơn vị đã tiến hành cuộc khảo sát với trên 100 DN vào giữa tháng 8/2020, kết quả cho thấy chỉ có 5% số DN đã chuyển về trạng thái hoạt động bình thường, 9% số DN bắt đầu vượt qua khó khăn và có hơn 84% DN còn khó khăn và rất nhiều khó khăn.

Buổi tọa đàm thu hút sự quan tâm của các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, hiệp hội, doanh nghiệp

Buổi tọa đàm thu hút sự quan tâm của các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, hiệp hội, doanh nghiệp

Đáng chú ý, có đến 76% DN được hỏi phản ánh chưa tiếp cận được các chính sách nhà nước hỗ trợ, hầu như không có DN nào tiếp cận được gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ và chưa có DN nào được gói vay lãi suất 0% để trả lương người lao động.

Chủ tịch HUBA cho biết thêm, hiện có khoảng 40% số DN thiếu vốn kinh doanh, 14% số DN bị gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu, 88% số DN bị thu hẹp thị trường. Đặc biệt, 52% số DN cho biết sẽ phải tiếp tục cắt giảm lao động.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, DN mặc dù Chính phủ, các Bộ, ngành và TP. Hồ Chí Minh đã sớm ban hành các chính sách, gói hỗ trợ DN, nhưng việc triển khai các gói hỗ trợ DN chưa bám sát thông tin diễn biến dịch Covid-19, thủ tục hành chính nhiêu khê khiến cho việc tiếp cận hỗ trợ cho DN rất chậm.

Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Nhằm đẩy nhanh tốc độ phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế hậu Covid-19, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ và thực hiện có hiệu quả các gói hỗ trợ DN hiệu quả, tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kích cầu nội địa, đẩy mạnh liên kết vùng.

Theo ông Trần Hoàng Ngân, trong thời gian giãn cách, thị trường bị thu hẹp, đây là cơ hội cho DN sắp xếp lại hệ thống quản trị, ứng dụng công nghệ trong quản trị điều hành, đổi mới máy móc, thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề người lao động để thích ứng với hoàn cảnh mới…

 Nhiều DN tại tọa đàm, cho rằng thành phố cần đầu tư phát triển dịch vụ logistics, chuyển đổi số... để hỗ trợ DN tốt hơn

Nhiều DN tại tọa đàm, cho rằng thành phố cần đầu tư phát triển dịch vụ logistics, chuyển đổi số... để hỗ trợ DN tốt hơn

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp quận 1 (TP. Hồ Chí Minh), cũng cho rằng, ách tắc lớn nhất là thủ tục hành chính. Do đó, lãnh đạo thành phố cần tập trung tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, qua đó thúc đẩy khôi phục và phát triển kinh tế- xã hội.

Trong khi đó, ông Chu Tiến Dũng kiến nghị, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đưa ra tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 theo tinh thần cùng đồng hành chia sẻ rủi ro với DN.

Đồng thời, mong muốn thành phố xem xét điều chỉnh các điều kiện để các gói chính sách hỗ trợ được áp dụng linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của từng ngành nghề, quy mô, loại hình sản xuất kinh doanh…

Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh cần tăng cường hỗ trợ DN hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng, liên kết nội địa chuyển đổi nguồn cung cấp nguyên liệu, tăng quy mô các nhà máy chế biến nông sản, đẩy mạnh ưu tiên phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ…

Liên quan đến gói hỗ trợ lần 2 đang được UBND TP. Hồ Chí Minh xây dựng, ông Chu Tiến Dũng đề nghị, cần tách ra làm 2 nhóm. Trong đó, nhóm 1 là chính sách giải cứu để DN tồn tại được. Còn gói thứ hai, thành phố đồng hành hỗ trợ DN vực dậy sản xuất; làm “cầu nối” với ngân hàng, đáp ứng đủ nhu cầu vốn vay để DN nhanh chóng phục hồi, mở rộng quy mô sản xuất…

Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh ghi nhận các ý kiến đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học, DN, đồng thời khẳng định muốn phục hồi kinh tế lấy lại đà tăng trưởng nhanh, trước mắt phải phục hồi hoạt động của DN. Thời gian tới, thành phố, sẽ khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ trong khâu vận hành các quyết sách và quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc mà DN đang gặp phải.

“Đề nghị các hiệp hội doanh nghiệp phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc ghi nhận, phản ánh những khó khăn, vướng mắc của DN. Qua đó, mạnh dạn đề xuất các giải pháp, hiến kế cùng thành phố nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh phục vụ mục tiêu hồi phục và phát triển kinh hậu Covid-19” - ông Nguyễn Thành Phong mong muốn.

Minh Khuê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cac-chuyen-gia-doanh-nghiep-ban-giai-phap-khoi-phuc-va-phat-trien-kinh-te-tp-ho-chi-minh-hau-covid-19-144855.html