Các chuyên gia khuyên gì về mua vàng ngày vía Thần Tài?
Nếu xét về câu chữ thì 'Thần Tài' là tiền vào chứ không phải tiền ra, song việc đi mua vàng chính là chi tiền ra. Còn nếu xét từ góc độ người bán, nếu là may mắn thì chả lẽ người bán lại bán cái may cho người khác.
Từ lâu ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng âm lịch) đã được coi là một trong những ngày quan trọng nhất của năm, đặc biệt đối với những người làm kinh doanh và buôn bán. Tuy nhiên, những năm gần đây lượng người mua vàng vào ngày vía Thần Tài tăng vọt, khiến giá vàng giao động với biên độ lớn. Vậy, nên hiểu sao cho đúng về phong tục này?
Vào ngày Thần Tài, người dân tại nhiều tỉnh thành trên cả nước lại đổ xô đi mua vàng cầu may. Người ta tin rằng, vàng tượng trưng cho sự giàu sang, phú quý “buôn may, bán đắt” trong năm mới, vì thế, càng mua nhiều vàng trong ngày Thần Tài sẽ càng tài lộc, sung túc.
Năm nay, tính theo lịch Vạn Niên, ngày vía Thần Tài sẽ rơi vào ngày 19/2/2024. Song, cũng như mọi năm, từ ngày 17/2 và 18/2, rất đông người dân đã tranh thủ đi mua vàng để cầu một năm dư dả, phú quý. Theo ghi nhận, khi lượng khách mua vàng tăng đột ngột, thị trường vàng sôi động, náo nhiệt cũng là lúc giá vàng bị đẩy lên cao chót vót.
Theo giới chuyên gia nhận định, về góc độ kinh tế mua vàng trước và trong ngày vía Thần Tài, người dân sẽ đối diện nguy cơ thua lỗ. Thực tế qua các năm, vào ngày này, giá vàng thường bị đẩy lên cao chót vót rồi lại đột ngột hạ xuống thấp. Mức chênh lệch mua vào – bán ra trong ngày cũng được đẩy lên ngưỡng rất cao, dẫn đến nhiều nhà đầu tư vàng lướt sóng hoặc mua làm của để dành có thể bị thua lỗ, .
Tôi không biết mua vàng ngày vía Thần Tài có đem lại may mắn, tài lộc hay không, nhưng tôi chắc chắn vào năm ngoái khi vừa bước chân ra khỏi tiệm là đã lỗ cả triệu đồng. Năm nay tôi không mua vàng, vì thực tế còn rất nhiều cách khác để bày tỏ lòng thành kính với Thần Tài” - chị Hoàng Ngọc Anh (ngụ quận 6, TP Hồ Chí Minh)."Năm nào cũng vậy, sau ngày Thần Tài là sức cầu giảm kéo giá vàng đi xuống. Vì vậy, ngoài lỗ do chênh lệch giá mua bán, còn bị lỗ thêm vì giá thị trường giảm. Tại sao chúng ta cứ phải "vỗ béo" cho những cửa hàng kinh doanh vàng thừa cơ tăng giá hưởng lợi, trong khi tài lộc đâu chưa thấy, chỉ thấy họ trúng quả đậm sau một mẻ lưới đầy, còn người mua thì lỗ đơn, lỡ kép” - anh Nguyễn Thanh Huy (ngụ quận 3, TP Hồ Chí Minh)
Chia sẻ với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh cho rằng, nếu xét về câu chữ thì “Thần Tài” là tiền vào chứ không phải tiền ra, song việc đi mua vàng chính là chi tiền ra. Còn nếu xét từ góc độ người bán, nếu là may mắn thì chả lẽ người bán lại bán cái may cho người khác.
“Nên cẩn trọng với quyết định mua vàng trong ngày vía Thần Tài bởi giá vàng thường tăng trong ngày này. Còn nếu muốn mua thì có thể chọn mua trước ngày vía Thần Tài, sau đó đợi đến đúng ngày Thần Tài nên giá vàng tăng thì bán ra, vừa có lời, vừa có tiền vào thì đúng với ý nghĩa của Thần Tài” - ông Phan Dũng Khánh tư vấn.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng khuyên người dân không nên mua vàng với số lượng lớn vào dịp này: “Xác định mua vàng cốt để lấy may thì mọi người nên có một khoản ngân sách phù hợp, không tính đến lời lỗ, hoàn toàn là để cầu may mắn. Tuy nhiên nếu coi vàng là công cụ đầu tư thì nên có góc nhìn thận trọng, cần theo dõi sát sao thị trường vàng qua các kênh chính thống, chọn địa chỉ giao dịch chính thống và không nên theo trào lưu mua vàng "lướt sóng" bởi dễ gặp rủi ro” - ông Nguyễn Trí Hiếu nói và nhấn mạnh, ngoài yếu tố giá cả, người mua vàng nên chú ý đến phí chế tác, nguồn gốc sản phẩm, chất lượng vàng và lựa chọn các cửa hàng kinh doanh vàng uy tín, hóa đơn đầy đủ.
"Nếu chọn mua nhẫn tròn trơn thì nên chọn loại nhẫn tròn trơn ép vỉ để được đảm bảo về chất lượng và thiết kế. Còn nếu chọn mua dòng vàng miếng thì nên chọn mua dòng sản phẩm có số seri, kiểm tra tuổi của vàng và số hóa đơn chứng từ để tránh trường hợp mua phải vàng giả, vàng kém chất lượng" - ông Nguyễn Trí Hiếu nói thêm.
Ở góc nhìn về văn hóa, nhà nghiên cứu văn hóa phương đông Nguyễn Quang Minh nhận định, việc mua vàng vào ngày vía Thần Tài không có gì là sai trái, nhiều người dùng tiền lì xì để mua một chiếc nhẫn nho nhỏ vừa làm của để dành cho con cái vừa lấy may đầu năm cũng có thể xem là một trong những phong tục vui vẻ đầu xuân. Tuy nhiên không nên coi đó kênh đầu tư khi giá vàng đang nhiều biến động như hiện nay.
"Suy cho cùng thì điều quan trọng nhất vẫn là niềm tin sâu sắc về những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới. Với tấm lòng biết ơn và niềm tin vào sự ủng hộ của Thần Tài, hy vọng mọi người, mọi nhà sẽ có một năm mới tràn đầy may mắn và thành công" - ông Nguyễn Quang Minh nói.
Sự tích ngày Vía Thần Tài
Theo dân gian truyền lại rằng, Thần Tài là vị Thần cai quản tiền tài ở trên trời. Là một vị thần có danh tiếng từ lâu. Trong một lần đi chơi uống rượu, vì say quá nên thần đã rơi xuống trần gian. Khi thần vào nhà nào xin đồ ăn thì gia đình ấy lại trở nên giàu có, kinh doanh buôn may bán đắt,… Và đến ngày mùng 10 tháng Giêng thì Thần Tài trở về trời.
Để tưởng nhớ ngài, người dân đã chọn ngày ngài trở về trời là ngày vía Thần Tài để thờ cúng. Và chọn vàng là vật phẩm cúng để cầu tài lộc, sung túc cho một năm tiếp theo.
Tại Việt Nam trước đây, việc mua bán vàng trong ngày vía Thần tài chưa hẳn trở thành trào lưu như bây giờ mà chỉ lan truyền trong cộng đồng nhỏ một số thương nhân, người kinh doanh. Tuy nhiên, gần chục năm trở lại đây, tục này lan rộng tại TP Hồ Chí Minh và đặc biệt, khoảng 5 năm nay, trào lưu này lan ra cả Hà Nội cũng như nhiều thành phố lớn khác. Cảnh tượng người dân đổ xô xếp hàng dài cả cây số từ sớm tinh mơ để mua vàng ngày vía Thần tài trở nên không còn xa lạ vào ngày mùng 10 tháng Giêng.
Bên cạnh đó, hiện nay không chỉ có người làm kinh doanh, buôn bán mà cả những đối tượng khác như công chức, dân văn phòng... cũng mua vàng vào ngày vía Thần tài để cầu may, cầu tài lộc đầu năm.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cac-chuyen-gia-khuyen-gi-ve-mua-vang-ngay-via-than-tai.html