Các cơ chế giá thải khí CO2 toàn cầu quyên góp được 53 tỷ USD trong năm 2020
Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 25/5 công bố báo cáo cho biết các nước trên thế giới đã quyên góp được 53 tỷ USD trong năm 2020 thông qua việc đánh thuế thải khí CO2 đối với các công ty. Con số trên tăng gần 18% so với năm 2019 do một số nước tăng thuế và giá.
Nhiều nước đang sử dụng một mức giá đối với việc thải khí CO2 nhằm thực hiện các mục tiêu khí hậu của mình dưới dạng một loại thuế hoặc hệ thống mua bán quyền thải khí (ETS). Tuần trước, nhóm các nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới (G7) thừa nhận việc áp giá thải khí CO2 có thể đóng vai trò tạo động lực cải tiến và công nghệ mới nhằm hướng tới mục tiêu trung hòa khí thải.
Báo cáo của WB nêu rõ: "Bất chấp những thay đổi bất ngờ về kinh tế và xã hội do đại dịch COVID-19, các nhà nước và công ty vẫn không giảm cam kết của mình trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu". Theo báo cáo, có 64 công cụ áp giá thải khí CO2 đang hoạt động trong năm 2021 so với chỉ 58 công cụ trong năm 2020, liên quan đến hơn 21% lượng khí thải CO2 toàn cầu, tăng so với 15,1% trong năm 2020. Kết quả này chủ yếu nhờ Trung Quốc đã khởi động cơ chế ETS quốc gia trong năm nay và trở thành thị trường buôn bán quyền thải khí lớn nhất thế giới, bao phủ khoảng 30% tổng lượng khí thải toàn cầu, tương đương 4 tỷ tấn khí CO2. Nguồn thu tăng trong năm ngoái chủ yếu nhờ giá tăng trên thị trường ETS của Liên minh châu Âu (EU), nơi giá giấy phép thải khí tăng hơn 30%.
Tuy nhiên, WB cho biết giá thải khí CO2 tại hầu hết các vùng trên thế giới vẫn thấp dưới mức cần để có thể tạo động lực thay đổi nhằm đạt các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.
Gần 200 quốc gia đã ký tham gia Hiệp định Paris, theo đó đặt giới hạn mức nóng lên toàn cầu dưới 2 độ C so với thời tiền công nghiệp, và mức mong muốn là 1,5 độ C.