Các cơ quan quản lý toàn cầu lo làn sóng rút vốn vượt tầm kiểm soát
Hai cơ quan quản lý và tư vấn tài chính hàng đầu toàn cầu khuyến nghị các quỹ bất động sản thu phí đối với hoạt động rút vốn của nhà đầu tư. Mục đích là để giúp các quỹ này tránh áp lực bán tháo tài sản để thu về nguồn tiền mặt, đáp ứng làn sóng rút vốn đang gia tăng.
Khuyến nghị trên được Ủy ban Ổn định tài chính (FSB), một cơ quan quốc tế giám sát và tư vấn hệ thống tài chính toàn cầu, có trụ sở ở Thụy Sĩ, và Tổ chức quốc tế của các ủy ban chứng khoán (IOSCO), có trụ sở ở Tây Ban Nha, đưa ra hôm 5-7.
Trong các hướng dẫn chính sách phát hành cho các công ty quản lý tài sản trên toàn cầu, FSB và IOSCO cho rằng, nhà đầu tư rút vốn từ các quỹ mở, vốn cho phép góp và rút vốn dễ dàng, không nên gây bất lợi cho nhà đầu tư không rút vốn.
Hai cơ quan này đề xuất nhiều cách để các nhà quản lý quỹ mở quản lý thanh khoản, bao gồm áp đặt khoản phí cố định đối với nhà đầu tư yêu cầu rút vốn để trang trải chi phí thanh khoản.
John Schindler, Tổng Thư ký của FSB, cho biết biện pháp này nhằm ngăn chặn hoạt động rút vốn gây tác động tiêu cực đến các nhà đầu tư còn lại.
Các hướng dẫn này được đưa ra trong bối cảnh giới chức trách toàn cầu đang nỗ lực khắc phục hậu quả từ cơn hoảng loạn Covid-19 càn quét qua các thị trường vào tháng 3-2020, khiến nhà đầu tư phải bán tài sản để thu về tiền mặt, làm trầm trọng thêm cơn bất ổn của thị trường.
Các quỹ bất động sản chịu áp lực trong những năm gần đây khi nhà đầu tư đổ xô rút tiền mặt vì họ lo sợ mức định giá bất động sản thương mại sẽ giảm mạnh, đặc biệt là khi lãi suất tăng cao. Tuy nhiên, những tài sản này có giá trị lớn và mất nhiều thời gian để bán, đặc biệt là trong thời kỳ thị trường ảm đạm hiện nay.
Các cơ quan quản lý đang lo làn sóng rút vốn đó có thể vượt tầm kiểm soát nếu các quỹ buộc bán các bất động sản kém thanh khoản với giá rẻ mạt và càng gây hoảng loạn cho thị trường.
“Một phần đáng kể trong danh mục đầu tư của các quỹ là các bất động sản kém thanh khoản. Nếu đợi thị trường khởi sắc để bán các bất động sản này, họ sẽ chờ rất lâu, trong khi họ lại cho phép nhà đầu tư rút vốn hàng ngày”, Martin Moloney, Tổng thư ký IOSCO, nói.
Cuối năm 2022, quỹ quản lý tài sản lớn nhất thế giới, Blackstone đã hạn chế rút tiền từ tín quỹ đầu tư bất động sản BREIT, đang quản lý số tài sản gần 70 tỉ đô la Mỹ. Hồi tháng 3-2023, quỹ này chứng kiến các yêu cầu rút tiền lên tới 4,5 tỉ đô la. Blackstone đã xây dựng BREIT thành một công ty lớn trong ngành bất động sản, mua lại các tài sản từ ký túc xá sinh viên cho đến các tòa nhà chung cư và nhà kho.
Cuối năm ngoái, BREIT phải đối mặt với sự gia tăng đột biến trong các giao dịch rút tiền. Do vậy, quỹ này hạn chế rút tiền ở mức tương đương 5% tổng giá trị tài sản của quỹ mỗi quí. Trong tháng 1, các nhà đầu tư yêu cầu rút tổng cộng 5,3 tỉ đô la, nhưng BREIT chỉ cho phép rút 1,3 tỉ đô la. Blackstone cho biết chính sách hạn chế rút vốn nhằm ngăn chặn tình trạng chênh lệch thanh khoản và tối đa hóa giá trị dài hạn của các cổ đông.
Trong năm nay, BlackRock, công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân lớn nhất thế giới, bắt đầu cho phép nhà đầu tư rút tiền từ UK Property Fund, quỹ đầu tư bất động sản ở Anh, sau khi tạm dừng hoạt động này kể từ đầu năm ngoái. UK Property Fund đang quản lý các tài sản trị giá hơn 4 tỉ đô la.
Đầu tư bất động sản bùng nổ trong những năm gần đây khi lãi suất cực thấp và lợi nhuận trái phiếu gần như bằng không hoặc âm, khiến nhà đầu tư có ít lựa chọn cho các khoản đầu tư dài hạn tương đối ổn định. Khi lợi suất trái phiếu tăng lên, các quỹ bất động sản đối mặt với làn sóng rút vốn.
Các nhà quản lý tài sản ở Anh bao gồm M&G, Schroder và Columbia Threadneedle trước đây cũng đã hạn chế rút tiền từ các quỹ bất động sản ở nước này sau khi các đề nghị rút tăng đột biến.
Các cơ quản lý đã chú ý đến tình trạng rút vốn này. Đầu năm nay, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cảnh báo về “sự sụt giảm thanh khoản của thị trường bất động sản và sự điều chỉnh giá”, đồng thời cho biết các quỹ bất động sản mở dễ bị tổn thương trước làn sóng rút vốn.
Các nhà phân tích của Keefe, Bruyette & Woods nhận định nhu cầu rút vốn từ các quỹ quản lý tài có thể vẫn ở mức cao do nhà đầu tư ngày càng lo ngại về xu hướng giảm giá của bất động sản. Ngoài ra, nhu cầu rút vốn cũng có thể tăng cao khi nhà đầu tư tìm thấy các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn.
The Financial Times