Các cơ sở giáo dục cẩn trọng với trộm cắp 'tháng củ mật'
Cùng với việc phối hợp cơ quan công an, các cơ sở giáo dục chủ động nâng cao tinh thần cảnh giác phòng chống các loại tội phạm cho học sinh, sinh viên trong dịp Tết Nguyên đán (tháng củ mật).
Nhiều vụ cướp giật không được khai báo
Theo cách gọi dân gian, tháng cuối năm là “tháng củ mật”. Đây là thời điểm gia tăng các hoạt động phạm tội. Tết là mùa làm ăn của bà con buôn bán, học sinh, sinh viên đi lại nhiều... Lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác của người dân, tội phạm liên tiếp gây ra các vụ cướp, giật, trộm cắp tài sản.
Các vụ việc, ổ nhóm phạm tội bị lực lượng Công an Hà Nội triệt phá trong thời gian qua chính là bài học phòng ngừa cảnh giác đối với người dân, học sinh, sinh viên trong thời gian giáp Tết này.
Chiều 1/12, anh Phạm Đức Thịnh (SN: 1984 ở thành phố Hải Phòng) đang chờ xe khách về quê ở khu vực đầu đường Trần Duy Hưng - Nguyễn Xiển (TP Hà Nội) thì bị đối tượng mặc quần áo Grab dùng gậy sắt ba khúc vụt mạnh để cướp chiếc điện thoại trên tay. Hậu quả, tay anh Thịnh bị rạn xương.
Ngay sau đó, đối tượng gây ra vụ cướp đã bị Đại úy Phạm Quang Hưng và Đại úy Phạm Gia Long, Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) đang trực gần đó kịp thời tước gậy và dao, bắt giữ tại chỗ.
Tại cơ quan công an, Nguyễn Văn Dương (SN: 1987, ở huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) hiện là xe ôm công nghệ và khai nhận do chơi bời, nợ nần nên túng quẫn, đi cướp giật.
Nhưng không phải nạn nhân vụ cướp nào cũng may mắn được trao trả ngay tài sản như anh Thịnh. Cuối tháng 11/2020, chị Nguyễn Bình Minh (giáo viên một trường học tại Hà Nội) khi đang cùng chồng lưu thông trên đường Giảng Võ đã bị cướp điện thoại iPhone.
Mặc dù nhìn rõ nhóm đối tượng đi trên nhiều xe máy, nhưng do quá bất ngờ và chúng tẩu thoát rất nhanh nên anh chị còn chẳng kịp tri hô. Vì giá trị của chiếc điện thoại nhỏ nên chị Minh sau đó đã không khai báo với cơ quan công an.
Trước đó, Công an huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội) đã bắt khẩn cấp Hoàng Trịnh Anh (SN: 1982, trú tại TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc) về hành vi trộm cắp tài sản. Cụ thể, rạng sáng 30/10, lợi dụng đêm tối, trời mưa, Hoàng Trịnh Anh đã đột nhập vào trụ sở Huyện ủy, UBND huyện Phúc Thọ để trộm cắp tài sản.
Thượng tá Trần Quyết Thắng - Trưởng Công an huyện Phúc Thọ cho biết, tính riêng trong tháng 7/2020 đơn vị đã phá chuyên án và bắt giữ đối tượng Đặng Hoàng Giang. Giang là người đã gây ra 22 vụ trộm đột nhập các cơ quan, công sở, trường học trên địa bàn huyện và các quận, huyện, thị xã thuộc Hà Nội.
Trung tá Trần Anh Sơn, cán bộ Đội 5, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hà Nội) cho biết, nhiều trường hợp người dân không khai báo khi bị cướp giật. Việc này làm khó cho lực lượng chức năng trong điều tra, bắt giữ tội phạm. Tuy nhiên, thủ đoạn của tội phạm được bộc lộ rõ vào thời điểm cuối năm dù manh động, liều lĩnh đến đâu thì cơ quan chức năng cũng đã sẵn sàng các phương án “khắc chế”.
Công an TP Hà Nội tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại Trường THCS Nam Từ Liêm.
Nhà trường chủ động bảo đảm ANTT
Công an TP Hà Nội cho biết, từ ngày 15/12/2020 - 28/2/2021, Công an thành phố đã ban hành Kế hoạch số 468 về triển khai “Đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021”.
Thiếu tướng Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội khẳng định, mục tiêu của kế hoạch nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ.
Đồng thời, kiềm chế, làm giảm số vụ phạm pháp hình sự và các vụ án đặc biệt nghiêm trọng so với cùng kỳ Tết Nguyên đán 2020 và so với thời gian trước khi thực hiện đợt cao điểm. Không để tội phạm hoạt động manh động, lộng hành gây bức xúc trong nhân dân.
Một trong những giải pháp, phòng ngừa tội phạm trong tháng “củ mật” được Công an TP Hà Nội triển khai chính là nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhất là ở địa bàn cơ sở, giáp ranh, phức tạp về an ninh, trật tự.
Chia sẻ với Báo GD&TĐ, ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, tội phạm trộm cắp tài sản có chiều hướng gia tăng, nhất là dịp giáp Tết Nguyên đán.
“Phòng GD&ĐT đã có những văn bản chỉ đạo đối với các nhà trường từ mầm non đến THCS trên địa bàn phải bảo đảm an toàn, an ninh trường học. Phòng phối hợp với Đảng ủy, UBND, Công an các phường để đảm bảo an ninh trường học, nâng cao cảnh giác nhất là dịp Tết…”, ông Thuận nói. Theo ông Thuận, Phòng GD&ĐT phối hợp với Công an quận Ba Đình thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ năng cho đội ngũ bảo vệ các trường học.
Giám đốc Công ty Cổ phần bến xe Hà Nội Nguyễn Anh Toàn cho biết, đã xây dựng phương án phối hợp bảo đảm an ninh trật tự tại bến. “Phối hợp với lực lượng công an kiểm tra và ngăn chặn việc vận chuyển chất cháy nổ, hàng cấm, hàng giả, triệt phá các tệ nạn xã hội như cờ bạc, cò mồi, rê dắt khách... Đặc biệt, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hiện tượng gây rối, trộm cắp trên các bến xe mà các đối tượng trộm cắp để ý đến là học sinh, sinh viên...”, ông Toàn nói.
TS Trương Huy Hoàng - Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cho biết, dịp Tết nhà trường tăng cường phối hợp với lực lượng công an địa phương để làm tốt công tác an ninh trật tự tại các cơ sở (cơ sở 1 và cơ sở 2) của trường. Theo TS Hoàng, học sinh sinh viên cũng là mục tiêu mà các đối tượng trộm cắp thường hay để ý tới. Bởi vậy, cùng với phổ biến pháp luật cho sinh viên. Nhà trường thường xuyên nhắc nhở sinh viên cảnh giác với các thủ đoạn trộm cắp tại khu trọ, nhất là việc đi lại bến tàu, bến xe trong dịp Tết.
Còn thầy Vương Văn Lâm - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức nhấn mạnh, 100% các trường có kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự dịp Tết. Ông nói: “Phòng GD&ĐT cùng các trường phối hợp với công an huyện, công an các xã, thị trấn tổ chức tập huấn cho đội ngũ bảo vệ các trường. Đồng thời, quán triệt đến các hiệu trưởng khi về nghỉ Tết phải chú trọng đảm bảo an ninh trường học, không để tình trạng mất bò mới lo làm chuồng…”.